Trong nhà hay ngoài phố?

19/07/2017 - 14:32

PNO - Chú Liêm và cô Dương đang “khoe tốt”, vậy “xấu che” còn ở mức độ nào nữa? Hay đã đến lúc, người ta coi đường là nhà, phố xá là bếp núc, mặc sức phô bày bộ cánh nhàu nhĩ, những lời mạt sát… bình dân?

Trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy trung ương (Bộ Quốc phòng):

- Mày không có quyền kiểm tra…

- Tao mà chậm một chút là mày chết với tao.

- Thằng này mà không trị nó là không được…

Trung úy Nguyễn Văn Thành: 

- Chú lớn chú nói năng đàng hoàng, sao chú cứ chửi thề…

- Con làm bậy con chịu trách nhiệm.

- Con làm gì sai mà chú đòi trị con…

Nếu không xem hình ảnh, clip của vụ việc, chỉ nghe đoạn hội thoại nói trên thì tôi cứ nghĩ là… chuyện nhà, rộng hơn là chuyện hàng xóm của ông Tư hay ông Tám với đám cháu con đâu dưới miệt miền Tây. Sấp nhỏ chắc cũng quấy quá gì đó nên ông Tư ông Tám giận mà rầy đặng cho tụi nó nên người. Chửi đó rồi thương đó! Mà cái cách anh cảnh sát đáp lại cũng y chang đám con cháu, nửa ấm ức trong dạ, nửa làu bàu ngoài da. Vừa bực vừa không dám cãi tới cùng. 

Hông dè…

Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong công trình Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tương lai đã nhận định: người Việt Nam đã dân chủ hóa mọi quan hệ tôn ti trên dưới. Ông dẫn chứng, trong gia đình, vợ chồng xưng nhau là “mình”, là “anh - em” chứ không gọi là “tướng công” như bên xứ Trung Hoa; ngoài xã hội thì vẫn có thể gọi người sơ, mới quen là “chú, bác, cô, dì” theo cách thân mật, gia đình. 

Trong nha hay ngoai pho?
Vụ việc trung tướng Võ Văn Liêm mắng trung úy CSGT khi dừng xe ông Cần Thơ và cô Dương lăng mạ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở TP.HCM khiến dư luận quan tâm những ngày qua.

Ở đây, rõ là ông tướng họ Võ cũng thấm đẫm cái chất “văn hóa dân chủ” nói trên. Xe ông đang bon bon trên đường, có vượt tốc độ thì cũng phải… nhắm mắt cho qua vì ông đang bận, đằng này lại dám thổi xe ông, ra hiệu tài xế ông xuống xe làm việc đàng hoàng, ông giận, ông nóng, ông mắng xơi xơi, ông xỉa xói tay chân, ông dứt khoát đòi trị, đòi đuổi cổ từ trung úy cảnh sát  đến ông giám đốc công an tỉnh đã khiến xe ông chậm trễ! 

Chỉ có cái máu “gia đình trị” mới tỏ rõ uy quyền gia trưởng như thế! 

Nhưng vì là chốn công cộng, xe ông tướng đã bị tuýt còi, anh cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ nên hành vi, lời nói của “ông tướng” lại ngược ngạo văn hóa: tôn ti (trật tự trên dưới) hóa mối quan hệ thực thi các quy phạm pháp luật. Ở đây, thay vì là sự chấp hành, tuân thủ các quy định của giao thông công cộng cũng như những ứng xử nơi đám đông thì “ông tướng” - khi bị tuýt còi do có biểu hiện vi phạm luật an toàn giao thông - lại bất cần, thách thức mọi quy định, xem người thực thi công vụ như… kẻ dưới, tha hồ mắng mỏ, chửi bới, xúc phạm. 

Cũng là xe cộ trên đường, cũng là vi phạm luật giao thông mười mươi nhưng khi gậy giao thông vừa mới gõ vào cửa xe là lập tức cô Thùy Dương tót xuống, lao vào, xô lấn, túm áo, mày tao. Cô Dương gào lên, mày tên là gì, mày ăn lương của dân, là của tao đóng thuế, tao nói mày một tiếng, mày xin lỗi ngay…

Ngày 17/7, “chú” Liêm thanh minh, do lúc đó nóng giận, tôi có nói quá lời. 

Tối 17/7, cô Dương cũng đã có lời xin lỗi anh cảnh sát giao thông mà cô Dương túm áo, chửi rủa. Cô Dương nói do trời mưa, đường tắc, chở theo bốn con nhỏ nên bị ức chế mà sinh ra nóng giận. 

Hóa ra là chỉ tại trời tại đất, tại cơn nóng (giận) bất thường mà đâm ra cớ sự. Còn lại, thói cậy quyền, cậy thế; tính hung hăng, hống hách; coi thường, thách thức luật pháp; văn hóa ứng xử thấp kém, thô bạo thì vô tội. Nhưng cũng chỉ trong cơn “nóng giận” ấy mà suy nghĩ, lời nói, tính cách, ứng xử, gộp lại là nhân cách làm người mới có điều kiện bộc lộ, phơi bày. 

Lại nói đến một nét trong văn hóa tâm lý người Việt, là tốt khoe xấu che. Những gì đã và đang mỗi ngày xảy ra trên phố, qua hai vụ việc nói trên, chú Liêm và cô Dương đang “khoe tốt”, vậy “xấu che” còn ở mức độ nào nữa? Hay đã đến lúc, người ta coi đường là nhà, phố xá là bếp núc, mặc sức phô bày những bộ cánh nhàu nhĩ, những lời mạt sát… bình dân, những gương mặt hằn học, xấu xí? 

Để mỗi tối trên đường trở về, ngang qua từng dãy nhà sáng lóa, tôi lại hoang mang, đằng sau những cánh cổng ấy, còn đó hay đã giấu đi những bộ mặt sừng sộ, những lời chửi mắng tục tĩu, những nhân cách đã cùn mằn, tha hóa…

Cứ thế, trong nhà ngoài phố, không hiểu chuyện gì đang xảy ra… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI