Trong 10 năm, TP. Thủ Đức sẽ là nền kinh tế thứ ba cả nước?

19/01/2021 - 20:33

PNO - Chiều 19/1, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề “Xây dựng TP. Thủ Đức thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, TP kinh tế tri thức, hạt nhân phát triển vùng kinh tế 4.0 phía Nam”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân báo cáo chuyên đề về triển vọng khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP. Thủ Đức.
Ông Nguyễn Thiện Nhân báo cáo chuyên đề về triển vọng khu đô thị sáng tạo tương tác cao TP. Thủ Đức

Báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã cung cấp cho các đại biểu những thông tin khoa học, nền tảng, cơ sở để TP quyết tâm xây dựng TP. Thủ Đức.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sau 35 năm đổi mới (1986 - 2020), kinh tế TPHCM tăng trưởng 9,3%/năm, cao hơn 1,4 lần bình quân cả nước (6,54%). Tuy nhiên, trong 10 năm qua, tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng kinh tế TP so với cả nước đã giảm mạnh khi từ mức cao hơn 1,65 lần giai đoạn 2001 - 2010 chỉ còn gấp 1,17 lần từ năm 2011.

10 năm qua, TP không thể thực hiện được yêu cầu của Bộ Chính trị là đưa tốc độ tăng trưởng bình quân so với cả nước trở lại mốc 1,5 - 1,65 lần như trước đây. Giải pháp đưa ra chính là tăng năng suất lao động. Từ 2018, Thường trực Thành ủy đặt vấn đề làm sao năng suất lao động TP trong 10 năm tới phải ở mức 8 - 10%/năm, (giai đoạn 2016 - 2020 mức bình quân là 5,17%/năm).

Cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện ở TP. Thủ Đức.
Cơ sở hạ tầng ở TP. Thủ Đức không ngừng được hoàn thiện

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua nhiều nghiên cứu, phân tích, đánh giá chỉ ra con đường đột phá tăng năng suất lao động của TPHCM thời kỳ 2020 - 2030/2045 chính là từ ngành công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin - truyền thông. Sau 20 năm, đây đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất Việt Nam, có mức tăng trưởng cao nhất, có năng suất lao động cao nhất và giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Sau 20 năm phát triển, quận 2, 9 và Thủ Đức đã hình thành một số tiền đề, cấu phần quan trọng cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, có thể hình thành hệ sinh thái của kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, quận 9 có Khu công nghệ cao với hơn 140 dự án có tổng đầu tư hơn 7 tỷ USD; quận 2 có Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quy hoạch trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam; Thủ Đức có “làng đại học” với 100.000 sinh viên, hơn 2.000 giảng viên trình độ tiến sĩ...  

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, một đô thị sáng tạo, tương tác cao, phải có các loại hạ tầng đặc thù và kết nối chặt chẽ với nhau, quan trọng nhất là hạ tầng kinh tế 4.0. TP. Thủ Đức hiện đã có được các cụm đại học, khu công nghiệp - công nghệ cao, dịch vụ viễn thông 5G; còn lại sẽ được bổ sung vào quy hoạch là công viên phần mềm, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, khu thực nghiệm công nghệ cao, trung tâm tính toán hiệu năng cao (siêu máy tính).

Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, quận 2, quận 9 và Thủ Đức hoàn toàn có đủ các điều kiện trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, thành trung tâm kinh tế tri thức của TPHCM. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “TP. Thủ Đức, không phải sáp nhập cơ học 3 quận mà sáp nhập lại để hình thành tổ chức mới từ đó phát triển cao hơn”.

Nếu phát triển đúng hướng, sau 5 - 10 năm nữa, năng suất lao động của TP. Thủ Đức sẽ gấp 3 lần năng suất lao động của TPHCM, với dân số và lực lượng lao động chiếm 10% của TP, giá trị đóng góp GRDP của TP. Thủ Đức vào kinh tế TPHCM là 30%, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam, trở thành nền kinh tế thứ 3 cả nước, chỉ sau TPHCM và Hà Nội.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết việc thành lập TP. Thủ Đức là mục tiêu, nhiệm vụ và cả giải pháp đột phá của Đảng bộ TPHCM. Trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái xuyên tạc mục tiêu này, đồng thời tiến hành điều tra xã hội học về nhận thức, kỳ vọng của người dân về việc xây dựng TP. Thủ Đức.

Tam Bình - Phong Vân

 

 
TIN MỚI