Trải nghiệm bất ngờ trước giờ Sài Gòn chộn rộn cách ly

31/03/2020 - 20:34

PNO - Trong phút chốc, tôi có cảm giác mình sắp gánh một trọng trách phải giải cứu số rau củ la liệt trên tấm trải kia…

Vào đúng cái lúc thông tin cách ly xã hội lan tới chợ Hoàng Hoa Thám (P. 13, Q. Tân Bình, TP.HCM) thì tôi đang ở hàng rau. 

Anh chị bán rau la lối con nhỏ bên cạnh, sợ thông tin không chính thức. Tôi bèn góp chuyện: “Hình như lúc em ra khỏi nhà là đã có cái văn bản đấy. Cách ly xã hội toàn quốc, từ 0h ngày ¼ anh chị ơi”.

Thế là đôi anh chị đang dọn dẹp cùng ngẩn ra nhìn tôi. Hiếm khi nào trong đời, lời tôi lại có trọng lượng đến vậy. Sau phút đứng hình, họ bắt đầu lo lắng: “Đậu que vườn ngon thế, sao cô không lấy hết đi. Rau xà lách ráo nước, cất trữ thoải mái đó cô. Nhà tôi Hóc Môn, có lẽ từ mai không thể lên chợ”.

Quán sá Sài Gòn đã đồng loạt đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Ảnh: Hoàng Nhiên
Quán sá Sài Gòn đã đồng loạt đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Ảnh: Hoàng Nhiên

Trong phút chốc, tôi có cảm giác mình sắp gánh một trọng trách giải cứu số rau củ la liệt trên tấm trải kia. Tôi trả 60 ngàn cho mấy món đã chọn rồi nói: “Dạ thôi, em sợ không để lâu được. Em mua chừng này được rồi”.  Tôi xỏ qua mấy dãy hàng hoá ngó nghiêng trước khi rời chợ. Chợ vắng mà ế. Hàng quán eo xèo.

Chẳng có gì vội vã, lâu lắc tôi mới được ra đường, nên sàng tiếp mấy trục phố xá, ngó chỗ nào thân quen nay then cài cửa đóng cũng thấy lòng thắt lại, thậm chí nước mắt lã chã. Thương quá Sài Gòn những ngày này. Phải lưu lại cảm xúc đặc biệt để sau nhìn lại mà biết ơn những ồn ào bình thường mà quý báu. 

Chợt nhớ lời nhắn của con trai, tôi vào Bách Hóa Xanh ngay đường Trần Mai Ninh, tìm loại gạo nở xốp để làm món cơm chiên cho ngon, sẵn tiện mua thêm ít thịt heo, xúc xích, vì tủ lạnh cũng ngót ngót rồi. 

Một chị bịt kín xém phi thẳng vào tôi. Bực bội, tôi tính cự vì chị không giữ khoảng cách, lỡ truyền virus cho nhau thì sao, nhưng rồi tôi né sang lối khác. Lát sau gặp lại chỗ quầy bánh ngọt, chị đứng bên nói chan chứa: "Mua được gì thì mua ngay đi em. Từ mai không được ra khỏi nhà rồi". À thì ra chị này hớt hải vì lo cái lệnh cách ly nọ.

Tôi thì rất thong thả, vì tính tôi vốn vậy. Bữa nọ, mấy đứa em tôi than lo "Lo quá, cảm tưởng mọi thứ tối tăm, không lối thoát". Rồi chị đồng nghiệp bảo đang stress vì tin tức xấu khắp nơi, vì hình dung thảm họa. 

Người Sài Gòn hối hả trước giờ thành phố chuẩn bị
Người Sài Gòn hối hả trước giờ thành phố chuẩn bị "cách ly xã hội" để chống dịch hiệu quả hơn. Ảnh: Trung Thanh

Tôi cũng có một hai lần xây xẩm với các con số ca nhiễm mới, rồi ngạc nhiên bởi sự nhạy cảm hiếm thấy ấy. Nhưng cũng may triệu chứng đông máu lướt qua khá nhanh. “Rồi chúng ta sẽ ra sao hả chị? Bạn em đã mất việc”- đứa em hay chat hỏi tôi giữa đêm. Cô gái ấy, làm công việc di chuyển nhiều, từ đầu mùa dịch hơi một chút mỏi mệt đã nghi mình nhiễm bệnh.

Tôi nói như tôi nghĩ: “Chẳng sao cả. Bệnh dịch thì chúng ta sống kiểu bệnh dịch. Chiến tranh loạn lạc người ta cũng vẫn sống đấy thôi. Mất việc cũng không chết được đâu”. 

Tôi luôn cho rằng con người có bản năng sinh tồn và thích nghi. Bản năng ấy của tôi hình như tốt hơn mặt bằng chung. Sinh ra thời kỳ cả nước khó khăn, lớn lên đứa trẻ nào cũng quen với thiếu thốn mà không hề biết là nó thiếu thốn. Bạn bè tôi cũng thế, ai chẳng từng nghèo, từng khổ. Nhưng họ khác tôi cái chỗ là họ cứ hay quên. Hoặc họ quá sợ phải quay trở lại quãng khó khăn ấy chăng?

Ngày mai hay suốt 15 ngày tới, siêu thị, Trung tâm thương mại, Coopfoods, Satrafood, Bách Hóa Xanh, Vinmart, các cửa hàng tiện lợi như B’s Mart, Ministop... các hàng quán bán thực phẩm thiết yếu vẫn mở cửa. Chúng ta vẫn có thể ra đường đi mua thức ăn hay thuốc men, chỉ là hạn chế ra ngoài nếu không thật cần thiết. Người lao động các ngành sản xuất vẫn làm việc. Chỉ các ngành dịch vụ không thiết yếu thì tạm ngưng. Dịch vụ thiết yếu cũng cố gắng chuyển qua hình thức online để giảm thiếu sự tiếp xúc giữa người với người.

Người dân tranh thủ đi mua thực phẩm chuẩn bị cho đợt cách ly nhiều ngày. Ảnh: H.N
Người dân tranh thủ đi mua thực phẩm chuẩn bị cho đợt cách ly, hạn chế ra đường.  Ảnh: H.N

Ngoài đường lúc này, lực lượng shipper hiện rất nhộn nhịp, áo xanh áo đỏ áo cam, nam có nữ có. Cạnh tiệm pizza Company Đồng Đen (Bàu Cát, Tân Bình) đang là cả chục bác shipper. Trước quán cà phê take away đối diện lác đác vài bác. Thấy người quen, từ bên này đường họ í ới gọi qua bên kia. Chúng ta rồi sẽ dựa rất nhiều vào lực lượng này. Nếu họ cũng buồn bã và sợ hãi, thì có lẽ việc chuyển hàng hoá tới từng nhà cũng khó khăn đáng kể. 

Bữa nọ tôi hỏi cậu nhân viên tính tiền tiền ở Vinmart Phạm Phú Thứ, rằng cậu bán hàng cho khách, cầm tiền qua lại suốt mùa dịch thì có sợ không? Cậu nói: “Em trẻ nên bệnh này chắc k sao. Em ở nhà thuê, sống một mình, không có người già cùng nhà nên không ngại chị ạ. Chịu khó sát khuẩn tay và mang khẩu trang cẩn thận thôi”. 

"Bán tới khi nhà nước cấm thì nghỉ", bà bán bánh mì đường Bảy Hiền bảo bữa giờ trời thương nên khách không hề giảm. Cô nước cam kế bên thì nói do miền Tây hạn hán, cam không ra trái, rồi do dịch dã người ta uống cam nhiều để tăng đề kháng nên cam cao giá gấp đôi, mà "Em không lên giá lúc này, vì ngại. Vẫn 10 ngàn đồng một ly".

Tôi đề xuất từ mai mua món nước khác để cô ấy không lỗ vốn, nhưng cô nói: “Thôi chị và các cháu uống cam đi cho khoẻ ạ. Qua mùa này cam rẻ, em bán có lãi, bù qua bù lại không sao đâu”.

Sài Gòn là thế đó. Cứ làm người ta xúc động từ những điều rất nhỏ. Từ đêm nay, chúng ta sẽ tiết kiệm số lần ra đường và nhứt định sẽ tôi ghé mua thêm chậu bông tường vi về chăm bẵm.

Hoàng Hương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI