Tìm đủ cách để chia sẻ việc làm, giúp nhau buôn bán

09/05/2022 - 06:37

PNO - Tập hợp những chị em có tay nghề nhưng không có điều kiện đi làm để chia sẻ việc làm, hay san sẻ không gian kinh doanh để hỗ trợ những chị em buôn bán nhỏ lẻ… là cách mà nhiều chị em đang thực hiện để hỗ trợ nhau.

Thành lập nhóm để chia sẻ công việc

Vốn là chủ tiệm may lành nghề tại chợ Nguyễn Hữu Hào, P.6, Q.4, nhưng chị Bùi Thụy Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4, P.16, Q.4 - đành trả mặt bằng, dọn về nhà để vừa làm nghề vừa lo cho hai đứa cháu còn nhỏ, bị mẹ bỏ rơi. Nhà chật hẹp, lại nằm sâu trong hẻm, nên chị Hiền chỉ có thể làm nghề một mình.

Năm 2015, chị Hiền tham gia công tác địa phương, trở thành cộng tác viên của chương trình Vùng Q.4. Nhiệm vụ của chị là giới thiệu và theo sát những đứa trẻ từ 0 - 16 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt hoặc khó khăn trên địa bàn nhận sự hỗ trợ từ chương trình. “Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy có nhiều chị em giống mình, họ có tay nghề nhưng vì phải ở nhà chăm sóc người thân mà không có thu nhập, khiến nghèo khó cứ chất chồng”, chị Hiền tâm sự. 

Từ thực tế là chị có nguồn hàng dồi dào nhưng lại không đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu của khách, chị Hiền nảy ra ý tưởng: Tại sao mình không tập hợp những chị em khó khăn cùng làm để cùng có thu nhập lo cho gia đình. Từ ý tưởng đó, năm 2018 chị thành lập “Nhóm may gia đình” tại P.16. Nhóm gồm 11 thành viên, chủ yếu là các chị em thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nghề may, được chương trình Vùng hỗ trợ phương tiện sinh kế để vươn lên. 

Khách vào trà sữa Béo được phục vụ… phở từ quán ăn bên cạnh
Khách vào trà sữa Béo được phục vụ… phở từ quán ăn bên cạnh

Ban đầu, đa số nguồn hàng đều do chị Hiền nhận về rồi phân cho các thành viên. Các chị vững tay nghề nhận phần cắt, các chị còn lại được chị Hiền chỉ dẫn thực hiện việc ráp thành phẩm. Phần việc của ai người nấy tự mang về nhà làm. Mỗi tháng nhóm sẽ họp một lần để tổng kết hoặc giải quyết những vấn đề phát sinh.

Để hỗ trợ nhóm, bốn năm qua Hội LHPN P.16 đã kết nối giới thiệu nhiều nguồn hàng gia công như đồng phục, áo thun, áo sơ mi, quần tây các loại. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng chủ động tìm nguồn hàng, nhận may đồng phục, áo thun cho công nhân… Nhờ vậy mà nguồn hàng khá phong phú, các thành viên có việc làm đều đặn, thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi chị khoảng 3 - 5 triệu đồng. “Thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp chúng tôi xoay xở, cải thiện phần nào những khó khăn trước mắt và đặc biệt là có thời gian chăm sóc gia đình. Cũng nhờ đó mà tôi nuôi được hai đứa nhỏ ăn học” - chị Quỳnh Như chia sẻ. 

Vào quán trà sữa có thể gọi... một tô hủ tíu

Đến quán trà sữa Béo tại 444 Nguyễn Bình (ấp 1, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè), khách không nhất thiết phải uống trà sữa, cà phê, hoặc gọi các món điểm tâm trong quán, mà có thể gọi một tô hủ tíu, một đĩa bánh cuốn, đĩa xôi từ các quán ăn bên ngoài. Chủ quán trà sữa chẳng những không phiền lòng mà còn vui vẻ phục vụ khách một ly trà đá miễn phí.

Trà sữa Béo là thương hiệu khởi nghiệp của chị Phạm Thị Thùy Trang - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Phú Xuân. Sau một thời gian kinh doanh, nhận thấy mô hình có triển vọng, đầu năm 2022, chị Trang đã đầu tư một mặt bằng rộng hơn với gần 400m2 tại mặt tiền đường Nguyễn Bình để có không gian vui chơi cho trẻ em khi các gia đình đưa con em đến. Thấy mặt bằng quán rộng, sân vườn gần như không sử dụng hết vào các buổi sáng, trong khi những quán ăn xung quanh thì nhỏ hẹp, không có chỗ cho khách ngồi, chị Trang đã nghĩ đến việc chia sẻ điều kiện cho các chị em buôn bán khác. Chị chủ động đến gặp các chị em bán đồ ăn sáng để nói ý định của mình. Đề nghị đó khiến nhiều người mừng rỡ. 

Chị Trang yêu cầu các chị em, khi bưng đồ ăn đến quán phải dùng khay, tô sứ, đũa gỗ, phải có khăn ăn và tính tiền luôn với khách. Nhân viên của quán sẽ phục vụ trà đá miễn phí. Yêu cầu đó có vẻ hơi khó với một số chị em nhưng là cần thiết để thu hút khách. “Mỗi ngày tôi bán khoảng 60 tô, trong đó khách từ trà sữa Béo khoảng 20 - 30 tô, cao điểm từ 6g30 - 8g30. Nhờ quán trà sữa Béo mà tôi bán được nhiều hơn và cũng hết sớm hơn trước” - chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ quán hủ tíu gần đó, cho biết. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI