Thời trang nhân vật trong phim truyền hình: Không chỉ hợp mà còn phải đẹp

08/09/2021 - 20:06

PNO - Phim truyền hình Việt thời gian qua đã có nhiều bước tiến lớn về mặt chất lượng, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu người xem, nhưng phần phục trang vẫn chưa gây ấn tượng mạnh.

Ngoài kịch bản, diễn xuất, thì thời trang của nhân vật cũng là điểm nhấn lôi kéo khán giả xem phim. Với phim truyền hình hiện nay, vấn đề phục trang không còn gói gọn trong việc phải phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, xuất thân của nhân vật, mà người xem còn mong muốn được đẩy lên thành một yếu tố thu hút về mặt thẩm mỹ. 

Chọn trang phục tinh tế: Chìa khóa của thành công

Trong phần hai của bộ phim Hương vị tình thân, tuy tạo hình của các nhân vật ít nhiều thay đổi, nhưng có một điểm người xem vẫn thấy nuối tiếc từ phần một đến nay là cách chọn trong phục của nữ chính Phương Nam. Nếu như ở phần một, thời trang của Nam là áo len mặc ngoài sơ mi hoặc áo sơ mi khoác ngoài áo thun ôm, quần jeans dáng skinny đi kèm đôi bốt - không chỉ nhìn khá ngột ngạt, mà còn làm lộ rõ khuyết điểm của diễn viên. Sang phần hai, Nam cũng “lỗi mốt” không kém với áo gi lê hoặc phối áo sơ mi khoác ngoài kèm thắt lưng to bản. Đi kèm vẫn là chiếc quần bó và mang bốt. 

Cùng diện hai món đồ cơ bản là quần jeans và áo sơ mi, nhưng cách phối đồ của  nhân vật Tuệ Nhi trong 11 tháng 5 ngày (phải) đẹp mắt hơn hẳn nhân vật Nam trong  Hương vị tình thân (trái)
Cùng diện hai món đồ cơ bản là quần jeans và áo sơ mi, nhưng cách phối đồ của nhân vật Tuệ Nhi trong 11 tháng 5 ngày (phải) đẹp mắt hơn hẳn nhân vật Nam trong Hương vị tình thân (trái)

Tất nhiên khán giả không đòi hỏi nhân vật Nam váy áo điệu đà hoặc thay đổi phong cách liên tục, vì điều này không phù hợp với tính chất công việc cũng như tính cách của cô, nhưng chí ít cách phối trang phục cũng cần có yếu tố thẩm mỹ. Số lần Nam mặc đẹp dù chỉ với quần jeans, áo sơ mi hoặc áo thun (như đoạn cô đi du lịch với Long hay khi về quê ông Sinh) đếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, những diễn tiến xoay quanh nhân vật Nam giàu cảm xúc bao nhiêu, thì thời trang của nhân vật này làm khán giả tụt “mood” bấy nhiêu.

Đối lập với Nam, thời trang của nữ chính Tuệ Nhi trong phim 11 tháng 5 ngày lại ghi điểm với khán giả dù nhân vật của cô khá khó ưa. Dĩ nhiên Nam và Nhi có xuất thân nhân vật khác nhau, nhưng kể cả khi trang phục của Nhi cũng chỉ có quần jeans, quần tây, áo thun, áo kiểu như Nam, thì cách phối đồ của nữ chính trong 11 tháng 5 ngày vẫn rất thời trang. Điều này khiến người xem có thêm sự hứng thú khi theo dõi phim.

Một nhân vật nữ khác có thời trang gây ấn tượng trong phim Ngày mai bình yên là dì Mai. Những bộ cánh nhân vật này mặc có phong cách khá đa dạng, lúc nữ tính, lúc năng động. Quần áo đôi khi đa sắc màu, nhưng vẫn phù hợp với lứa tuổi. 

Không thể phủ nhận ngoài kịch bản, diễn xuất, thì phục trang cũng là yếu tố thu hút người xem. Nhân vật có tạo hình ấn tượng, đẹp mắt chắc chắn sẽ góp phần làm cho vai diễn thành công hơn. Nhìn lại những bộ phim phát gần đây, có thể thấy phần trang phục đã bắt mắt hơn, cho dù chỉ là tuyến vai phụ. Như những bộ váy áo sang trọng của nhân vật Thủy, trang phục công sở của Tuyết trong Mùa hoa tìm lại; những bộ suit thanh lịch của Tuệ Lâm trong Tình yêu và tham vọng; váy áo “sang chảnh” của Minh Châu trong Hướng dương ngược nắng, những bộ cánh gợi cảm của Nhã trong Về nhà đi con. Những bộ trang phục này thậm chí còn gây sốt và được nhiều khán giả tìm mua.

Mong ước nâng tầm phục trang 

Hiện nay phần trang phục cho diễn viên phim truyền hình do nhà sản xuất và diễn viên lo. Nếu “mát tay”, nhà sản xuất tìm được nguồn trang phục tài trợ thì diễn viên “nhẹ gánh”, nhưng trường hợp này rất ít. Chủ yếu diễn viên tự lo trang phục (diễn viên chính được hỗ trợ thêm tiền phục trang) bằng cách tự sắm hoặc nhờ người phụ trách phần phục trang cá nhân lo liệu. 

nữ chính trong phim Hương vị tình thân (trái) và nữ chính trong Mùa hoa tìm lại (phải) đều mặc không đẹp
Trang phục của nữ chính trong phim Hương vị tình thân (trái) và nữ chính trong Mùa hoa tìm lại (phải) đều khiến diễn viên "mất điểm" trong mắt khán giả

Chị Tố Trang có kinh nghiệm mười năm phụ trách phục trang phim truyền hình (đã tham gia các phim Trói buộc yêu thương, Hồng nhan, Bồ công anh trong gió…) cho biết: “Sau khi đọc kịch bản, định hình nhân vật, người làm phục trang bàn với đạo diễn thống nhất về trang phục rồi báo lại với diễn viên để họ tự lo. Trang phục cho nhân vật thường dựa vào tính cách, xuất thân, công việc để tính toán chất liệu, màu sắc, kiểu dáng phù hợp. Ví dụ nhân vật hiền lành màu sắc nghiêng về gam trầm, nhân vật có cá tính màu sắc sẽ nổi bật một chút. Vóc dáng của diễn viên cũng là yếu tố cần quan tâm để tìm chất liệu phù hợp”. 

So với điện ảnh được đầu tư mạnh về mọi khâu, phim truyền hình trong nước gặp khó khăn hơn về phục trang. Do là phim nhiều tập, nên số trang phục cần nhiều, trong khi kinh phí sản xuất lại có hạn. Phim truyền hình Việt thời gian qua đã có nhiều bước tiến lớn về mặt chất lượng, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu người xem, nhưng phần phục trang vẫn chưa gây ấn tượng mạnh.  

Không chỉ những bộ phim nói về thời trang mới khiến khán giả quan tâm tới trang phục của nhân vật, mà phục trang từ lâu đã được coi là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của bộ phim. Một khi chưa thể đạt đến tầm tạo ra xu hướng ăn mặc, mua sắm cho công chúng như phim truyền hình của các nước phát triển như Hàn Quốc, Mỹ… thì người xem chỉ mong muốn trang phục trên phim Việt phải đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ, chứ không chỉ dừng ở việc phù hợp với nhân vật.

Trailer Hương vị tình thân: 

 

 

Một cô thôn nữ như Lệ trong Mùa hoa tìm lại, hay một nữ kỹ sư như Nam trong Hương vị tình thân vẫn có thể mặc đẹp chỉ với những trang phục cơ bản, chứ không phải cách phối đồ lỗi mốt, nhàm chán. 

Trang phục của diễn viên chưa đẹp không thể không có trách nhiệm của đoàn phim, cụ thể là tổ phục trang. Cho nhân vật ăn mặc phù hợp chưa chắc đã đẹp và ngược lại, nên vừa hợp, lại vừa đẹp là điều người xem mong muốn nhất.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI