Tháng Năm về lại quê Người

19/05/2015 - 08:32

PNO - PN - Tháng Năm, ấy là khi cái nắng đã chuyển màu rực rỡ, nhuộm vàng cánh đồng lúa nặng trĩu bông, là khi những đóa sen vươn lên, tỏa hương thơm ngát… và cũng là khoảng thời gian mà cách đây 125 năm, có “người mẹ đã sinh cho đời...

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo con đường tỉnh lộ 540 tôi đi từ “làng Trù quê mẹ” sang “làng Sen quê cha” - xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng chào đời, nơi gia đình, xóm làng đã ấp ủ yêu thương. Bà Nguyễn Thị Tần, 67 tuổi, đang tất bật xếp những bộ quần áo in hình “Kỷ niệm về thăm quê Bác” để chuyển cho các cửa hàng lưu niệm.

Thang Nam ve lai que Nguoi

“Tôi về làm dâu nhà này thì Bác đã đi làm cách mạng lâu rồi. Chỉ nhớ cha mẹ kể lại, năm xưa, bà Hoàng Thị Loan, mẹ Bác vẫn hay gửi các con sang đây chơi để đi làm. Sau này, có lần Bác về thăm quê, tôi đã cố lội đồng chạy về đứng ở phía sau để được nhìn Bác một lần. Hình ảnh người thật giản dị, nhân từ!”.

Quê Chủ tịch Hồ Chí Minh bây giờ còn có thêm những mái tranh khác được phục dựng. Mái tranh, hàng cau, bờ rào dâm bụt, gốc dâu già… như cất giữ, ghi dấu những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng.

Nơi đây, trong buổi “nước mất nhà tan”, đã sớm hun đúc trong tâm hồn Nguyễn Sinh Cung tình yêu đồng bào, yêu đất nước tha thiết, nung nấu quyết tâm tìm một con đường mới cho dân tộc. Từ mái tranh nghèo ấy, Bác đã ra đi, mang theo tiếng ru của mẹ, lời dạy của cha, bôn ba khắp năm châu bốn biển.

Trong hai lần Bác về thăm quê hương, cụ Nguyễn Sinh Quế là người được vinh dự giao nhiệm vụ đón Bác. Hơn 80 tuổi, qua thời gian, cùng những di chứng khốc liệt khi tham gia kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt tù đày, cụ Quế vẫn minh mẫn kể lại: “Năm 1957, lúc đó tôi chỉ được biết mình sẽ chuẩn bị đón vị khách đặc biệt, chứ không ngờ là Bác về thăm quê. Bác vẫn nhớ tất cả, nhớ tên của những người trong làng, nhớ cả cái ngõ được làm lại chứ không giữ nguyên hướng như ngày xưa, nhớ tấm phản hồi nhỏ Bác nằm, nhớ từng cây ổi, cây bưởi, cây cau… rồi hỏi han, trò chuyện với bà con. Lần thứ hai Bác về là năm 1961”.

Người con làng Sen ấy, sau nửa thế kỷ mới được trở về quê hương. Dân làng tập trung vây quanh Người. Những đứa trẻ được ưu tiên xếp hàng ngồi gần Bác nhất. Bác trò chuyện với bà con, gần gũi, thân thương. Ông Nguyễn Sinh Quế nhớ lời bác dặn, vận động nhân dân trồng cây xà cừ hai bên đường vào làng, đến giờ, những cây ấy đã thành cổ thụ, tỏa bóng mát rượi… Người dân Kim Liên, ai cũng muốn Bác về thăm quê nhiều hơn, nhưng rồi Bác không không kịp về nữa…

Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa, và khu di tích Kim Liên còn là Di tích Quốc gia đặc biệt (bao gồm quê nội, quê ngoại Bác Hồ và phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ, cụm di tích Núi Chung). Tháng Năm, nhiều đoàn người về thăm quê Bác. Đó là những học sinh giỏi, là cháu ngoan Bác Hồ. Đó là những bạn sinh viên, tháng Năm này, nhớ đến ngày sinh nhật Bác. Đó là đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc, lặn lội xa xôi, về đây đứng lặng trước mái tranh nghèo…

Ngày ngày, nắng cũng như mưa, kể cả lễ, tết... cán bộ thuyết minh khu di tích Kim Liên vẫn tận tâm phục vụ từ sáng sớm đến khi những người khách cuối cùng ra về. Tình cảm của đồng bào với Bác Hồ là nguồn động viên to lớn để họ ngày ngày nhắc lại câu chuyện về Bác, về làng Kim Liên vẫn luôn nghẹn ngào xúc động.

Hơn 20 năm làm thuyết minh ở quê Bác, chị Hoàng Thị Đảm chia sẻ, công việc thuyết minh đòi hỏi luôn phải bồi dưỡng kiến thức văn hóa xã hội, khả năng ứng xử nhanh, không để xảy ra sai sót. Đồng bào, các vị khách đến đây, không phải để nghe những câu chuyện đã được ghi trong sách vở, mà còn hỏi rất nhiều về quê Bác, về người dân, về cả những đổi thay của xứ Nghệ… “Kỷ niệm thì nhiều lắm. Bao nhiêu đoàn khách của Trung ương, quốc tế, nhiều vị nguyên thủ, nhiều lãnh đạo, và hàng vạn đồng bào, tất cả đều nhìn gần gũi, thân thương như người thân của gia đình Bác, đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất” - chị Đảm nói.

Chị Đảm vẫn nhớ như in một ngày tháng Năm cách đây khoảng chục năm. Sau khi tiếp một đoàn khách, chị thấy một người đàn ông cứ nán lại mãi, rồi bật khóc trước bàn thờ Bác.

Chị lặng lẽ tiến lại gần, người đàn ông nói, không phải như chỉ để cho chị nghe: “Lúc còn chiến tranh, con tôi đã viết thư về cho bố mẹ kể trên đường hành quân vào miền Nam, con đã được vào thăm quê Bác, được đứng trong nhà Bác rồi, bố mẹ ạ! Nó bảo chờ đến ngày hòa bình, nó sẽ về thăm quê Người một lần nữa và nhất định sẽ đưa bố mẹ đi cùng. Vậy mà nó đã không chờ được. Hôm nay, tôi về đây làm theo ý nguyện của con”.

HỒ LÀI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI