Kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm:

Tập trung phục hồi kinh tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch COVID-19

07/12/2021 - 09:26

PNO - Sáng 7/12, kỳ họp lần thứ tư, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc.

Phát biểu khai mạc tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhận định đây là kỳ họp rất quan trọng để các đại biểu đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những nỗ lực của thành phố trong thời gian qua trên mọi lĩnh vực; đồng thời, tìm ra hướng đi mới phù hợp, nhất là trong giai đoạn thành phố tích cực hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc

Chủ tịch HĐND TPHCM cho hay, năm năm qua, kinh tế thành phố tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế thành phố đóng góp trên 22,2%. Công tác quản lý và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Ngành giáo dục, y tế có nhiều bước phát triển. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách, có công và chất lượng đời sống người dân từng bước được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

“Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư, GRDP năm 2021 trên địa bàn thành phố ước giảm 5,06% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Có thể thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thành phố tăng 5,66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến quý III là thời gian thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm đến 24,39% so với cùng kỳ.

Bắt đầu từ quý IV, khi thành phố dần mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước trở lại với nhịp độ bình thường, nhưng theo dự báo thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ… sẽ tiếp tục giảm” - bà Nguyễn Thị Lệ thông tin.

Các đại biểu biểu quyết nhất trí với chương trình làm việc của kỳ họp lần thứ tư
Các đại biểu biểu quyết nhất trí với chương trình làm việc của kỳ họp lần thứ tư

Trong chương trình làm việc, kỳ họp sẽ dành nhiều thời gian thảo luận và thông qua các quyết sách quan trọng, hình thành chính sách để củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở; chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19; chính sách về giáo dục, đào tạo; chính sách về định mức phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu và các giải pháp nhiệm vụ trọng tâm, nhằm ổn định xã hội, khuyến khích đầu tư để phục hồi, phát triển kinh tế thành phố sau đại dịch; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cũng tại phiên khai mạc kỳ họp, ông Lê Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND TPHCM - đã trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TP năm 2021 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với năm mới 2022. Qua các dự báo và số liệu, dịch COVID-19 có thể tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có TPHCM.

Để phục hồi kinh tế sau một năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thành phố bắt buộc kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm từng bước mở cửa, tiến đến trạng thái "bình thường mới".

UBND TPHCM nhìn nhận, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tại nước ta, kinh nghiệm, năng lực và khả năng ứng phó với dịch COVID-19 được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã giảm sút. Dịch bệnh cùng tác động bất lợi của thiên tai gây nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh không được kiểm soát để mở cửa trở lại.

"Điều kiện tiên quyết để phục hồi nền kinh tế là kiểm soát tốt dịch COVID-19 nhằm từng bước mở cửa trở lại, tiến đến trạng thái bình thường mới. Các phần việc cần có lộ trình, tiêu chí rõ ràng để người dân, doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, thích ứng, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch" - Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nêu rõ.

Kỳ họp lần thứ tư, HĐND TP khóa X dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9/12.
Kỳ họp lần thứ tư, HĐND TPHCM khóa X dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ 7 đến 9/12

Theo UBND TPHCM, một lợi thế đồng thời là điều kiện then chốt để TP tự tin mở cửa, từng bước phục hồi kinh tế năm 2022 là tỷ lệ người dân đã tiêm vắc xin COVID-19 cao; các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Đối với vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, độ phủ vắc xin cũng được nâng lên đáng kể, tạo điều kiện cho việc giao thương, phân phối sản phẩm thông suốt. Đặc biệt, việc Quốc hội đồng ý nâng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố từ 18% lên 21% sẽ tạo tiền đề, nguồn lực giúp TPHCM phát triển.

Theo UBND TPHCM, chủ đề dự kiến của năm 2022 sẽ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Sau một năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, TPHCM đề ra 19 chỉ tiêu cho năm mới. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn cần đạt 6-6,5%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học, công nghệ của xã hội đạt trên 0,75% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt trên 86%...

Tuyết Dân - Tam Bình

 
TIN MỚI