Quốc hội đồng ý chi 14.000 tỷ đồng nâng cấp hệ thống y tế

11/01/2022 - 16:23

PNO - Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua sẽ chi 14.000 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống y tế và sẽ không giảm thuế 2% với lĩnh vực công nghệ thông tin, chứng khoán, sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Quốc hội thông qua gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế
Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế 

Chiều 11/1, tại buổi làm việc cuối cùng Kỳ họp bất thường thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo, đa số ý kiến đồng ý với mục tiêu, chỉ tiêu của gói hỗ trợ. Một số ý kiến đề nghị đánh giá rõ hơn tác động của chương trình, xây dựng các kịch bản về lạm phát, nợ xấu và giải pháp dự phòng rủi ro. 

"Uỷ ban thường vụ Quốc hội  (UBTVQH) xin tiếp thu, giao Chính phủ trong điều hành, theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Báo cáo đã tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề. Cụ thể, về chính sách miễn, giảm thuế: bổ sung một số mặt hàng không được áp dụng mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như: “công nghệ thông tin; chứng khoán; các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”; sửa đổi, bổ sung nội dung: Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam “cho kỳ tính thuế năm 2022”. 

Về chính sách chi đầu tư, phát triển: sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các nội dung về y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đồng thời đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình.

Về chính sách tiền tệ: sửa đổi, bổ sung nội dung: “Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn”; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, “trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế”.

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng làm rõ một số ý kiến của ĐBQH. Một số ý kiến cho rằng mức giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% còn thấp, đề nghị giảm ở mức 3%; giảm từ 2-5% thuế GTGT đối với một số mặt hàng. Theo UBTVQH, mức giảm 2% thuế suất thuế GTGT là phù hợp nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và bảo đảm trong điều kiện hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị thực hiện bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận, đáp ứng điều kiện vay vốn. UBTVQH khẳng định, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều nội dung hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp như giảm, giãn, hoàn thuế, phí, tiền thuê đất...; đồng thời Nghị quyết đã giao Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo Nghị quyết.

Liên quan tới dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án. Tuy nhiên, UBTVQH giải thích, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được tách thành các dự án độc lập song công tác tổ chức thực hiện, giải phóng mặt bằng còn chậm. Do đó, nếu tách giải phóng mặt bằng ra khỏi Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ không thể đẩy nhanh tiến độ dự án. UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ nguyên nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, sẽ lưu ý Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng Đề án thí điểm tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án.

Tại phiên làm việc, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Dự thảo Nghị quyết với hơn 85% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 - 31/12/2023. Riêng đối với chính sách tài khóa quy định tại các điểm 1.2 và 1.3 khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết (chính sách đầu tư phát triển, chính sách tài khóa khác) được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023.

Chi 14.000 tỷ đồng nâng cao hệ thống y tế

Theo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua, ngoài chính sách về miễn, giảm thuế, ngân sách nhà nước sẽ tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Trong đó có bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị COVID-19; cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 5.000 tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình;

Hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm, hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua... 

Ngoài ra, các chính sách tài khóa khác gồm: hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021); tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Về chính sách tiền tệ, sử dụng tối đa 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc - xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết. 

Các chính sách khác gồm sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Minh Quang

 
TIN MỚI