Sửa Luật Điện lực cho tư nhân tham gia để phá thế độc quyền của ngành điện

10/01/2022 - 12:31

PNO - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, việc Chính phủ đề cập trong sửa đổi Luật Điện lực là nhằm phá vỡ thế độc quyền.

 

 

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đề nghị thận trong khi để doanh nghiệp tham gia xây dựng truyền tải điện không sẽ gây mất an ninh
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đề nghị thận trọng khi để doanh nghiệp tham gia xây dựng truyền tải điện

Sáng 10/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. 

Trong đó, nhiều đại biểu đã góp ý nhiều nội dung liên quan đến việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải. Khẳng định việc cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết, song ĐBQH lưu ý, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần phải cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. 

Đặc biệt, dù đang trong vòng thảo luận, song ĐBQH chỉ ra, trước đây đã có doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, đó là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).

"Vào tháng 10/2020, doanh nghiệp này đã khánh thành đường dây 500 kV từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Ninh Thuận. Tôi nghĩ rằng những đóng góp của doanh nghiệp là đáng trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức được rằng, hiện nay, yêu cầu cấp bách của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và Nghị quyết của Đảng là định hướng vô cùng quan trọng, cần thiết được thể chế hóa bằng pháp luật thì mới được phép áp dụng. Việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp với quy định của pháp luật", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng. 

Nữ đại biểu đề xuất cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và thuộc loại do Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện. Bên cạnh đó, quy định rõ về mặt thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư; quy định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp được phép đầu tư. Về tính an toàn của hệ thống, theo dự thảo luật thì sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành và việc này sẽ dẫn đến thực tế trong cùng một hệ thống sẽ có những chủ thể vận hành khác nhau. 

“Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy, hệ thống lưới điện truyền tải cần có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay. Nếu không thận trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống. Vì vậy, tôi cho rằng cần cân nhắc thận trọng, tránh gây ra hậu quả sau này”, nữ ĐBQH lưu ý.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) cũng lo ngại xã hội hóa, phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh. Đại biểu cho rằng nếu Nhà nước quản lý vận hành tốt sẽ không ảnh hưởng mà còn có lợi cho dân. Vì vậy, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn độc quyền của Nhà nước, công đoạn tư nhân được tham gia xã hội hóa, phải có quản lý rõ ràng, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển hệ thống lưới điện quốc gia.

 

Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long khẳng định, doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng truyền tải điện nhằm phá vỡ thế độc quyền
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng truyền tải điện nhằm phá vỡ thế độc quyền

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, việc sửa đổi Luật Điện lực tại Kỳ họp lần này được Chính phủ “đặt vấn đề” để phá thế độc quyền ngành điện.

Còn để thể chế hóa đầy đủ, đặc biệt là các nội dung quy định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị thì còn khá nhiều vấn đề. “Ví dụ như câu chuyện về năng lượng sạch, giá hợp đồng điện, hiện có rất nhiều nội dung. Chính phủ cũng đang có sửa đổi, bổ sung Luật điện lực, Bộ Công thương đang tiếp tục hoàn chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến liên quan đến góp ý trực tiếp của các đại biểu Quốc hội”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Minh Quang

 
TIN MỚI