Trong những địa danh gắn liền với lịch sử kháng chiến của dân tộc, ít ai ngờ rằng giữa Thảo Cầm Viên Sài Gòn - nơi tưởng chừng chỉ gắn với thiên nhiên lại có một di tích lặng lẽ mà hào hùng: Quán Nhan Hương - căn cứ bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn suốt hơn một thập niên đấu tranh ác liệt.
 |
Tọa lạc bên trong Thảo Cầm Viên (quận 1), Quán Nhan Hương là cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn từ năm 1963 – Ảnh: Thanh Tâm |
Lợi thế "nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất"
Năm 1963, trước yêu cầu cấp thiết của công cuộc cách mạng trong lòng đô thị, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định lựa chọn một địa điểm vừa kín đáo, vừa thuận tiện cho việc tiếp cận các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Thảo Cầm Viên trở thành lựa chọn lý tưởng. Tại đây, đông đảo người dân và cả sĩ quan Mỹ, quân nhân Việt Nam Cộng hòa thường xuyên lui tới, giúp cán bộ cách mạng dễ dàng trà trộn, gặp gỡ mà không bị nghi ngờ.
Căn cứ bí mật hình thành dưới lớp vỏ là một quán ăn đơn sơ mang tên Nhan Hương, được dựng lên bởi ông Nguyễn Văn Tửng, sinh năm 1913, tại Trà Vinh - một cơ sở của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Ông Tửng dùng chính số tiền tích cóp cả đời để xây dựng quán, lấy tên vợ quá cố của mình đặt cho quán, vừa để tưởng nhớ vừa tránh gây chú ý. Các nhân viên phục vụ đều là người nhà, một lòng tin tưởng và tuyệt đối trung thành với cách mạng.
 |
Không gian quán thời xưa được tái hiện sống động với mô hình thực khách, quân lính, người phục vụ và các món ăn đặc trưng – Ảnh: Thanh Tâm |
Dưới lớp áo quán ăn bình dân, Nhan Hương là nơi gặp gỡ, trao đổi, chuyển giao tài liệu giữa các chiến sĩ biệt động và cán bộ chỉ huy. Hằng ngày, quán tiếp đón đủ mọi tầng lớp từ người dân đến sĩ quan Mỹ và nhân viên tình báo Sài Gòn.
Lợi dụng những cuộc ăn nhậu, không ít thông tin tình báo quan trọng đã được “nhân viên phục vụ” khéo léo khai thác và chuyển về cấp trên kịp thời.
Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quán Nhan Hương trở thành một trong những hậu cứ quan trọng cho các trận đánh lớn vào Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu, Đại sứ quán Mỹ… Với vị trí chiến lược, quán góp phần không nhỏ vào việc che giấu lực lượng, triển khai kế hoạch, đảm bảo liên lạc thông suốt giữa các mũi tiến công.
 |
Một khu vực trong quán hiện nay được dành làm nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh và vũ khí của lực lượng biệt động – Ảnh: Thanh Tâm |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, nguyên cán bộ Phòng Quân báo Miền (A54), từng nhiều năm tiếp cận với quán Nhan Hương, chia sẻ: “Quán Nhan Hương thật sự là một điểm hàng công khai hợp pháp, có lớp bình phong vững chắc phục vụ cho lãnh đạo chỉ huy chiến đấu của biệt động Sài Gòn – Gia Định trong nhiều năm không hề bị lộ. Vai trò của ông Nguyễn Văn Tửng trong việc giữ gìn bí mật là không thể thay thế”.
Bản thân ông Tửng luôn giữ cho mình sự bình tĩnh, điềm đạm. Dù đối diện với đủ loại khách, từ người dân đến sĩ quan, mật vụ, ông vẫn điều hành con cháu phục vụ chuyên nghiệp, không để lộ sơ hở nào. Nhờ vậy, quán Nhan Hương tồn tại âm thầm suốt 12 năm trong lòng địch mà không một lần bị phát hiện.
 |
Mô hình người và cảnh vật trong quán được dựng lại theo kích thước thật, tái hiện vẻ nhộn nhịp của một thời đã qua – Ảnh: Thanh Tâm |
Bồi hồi giữa những ngày tháng Tư lịch sử
Sau năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, quán Nhan Hương dừng hoạt động bí mật. Nơi đây trở thành điểm lui tới của các cựu chiến binh biệt động, như một cách tri ân, tưởng nhớ những ký ức chiến đấu hào hùng năm xưa.
Dù bây giờ chỉ còn lại mô hình giản dị trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, nhưng giá trị lịch sử và biểu tượng về lòng kiên trung, mưu trí vẫn sống mãi trong lòng những người biết đến.
Hiện nay, di tích quán Nhan Hương là một phần quan trọng trong hành trình tìm hiểu lịch sử của du khách tại Thảo Cầm Viên. Không ồn ào, không hoành tráng, nơi đây vẫn kể câu chuyện về những người lính đã dùng trí tuệ, lòng dũng cảm và sự hy sinh âm thầm để góp phần vào chiến thắng của cả dân tộc.
 |
Các tư liệu của biệt động Sài Gòn khi hoạt động tại đây được bảo tồn và giới thiệu – Ảnh: Thanh Tâm |
 |
Với diện tích khoảng 100 m², quán vẫn giữ được phần lớn không gian và nội thất nguyên bản như cách đây gần nửa thế kỷ – Ảnh: Thanh Tâm |
 |
Bên cạnh giá trị lịch sử, không gian quán còn giới thiệu nét sinh hoạt, phong cách ẩm thực đặc trưng của người Sài Gòn xưa – Ảnh: Thanh Tâm |
Anh Dương Thái Duy (25 tuổi, đường Bàu Cát, quận Tân Bình) cho biết: "Khi bước chân vào Quán Nhan Hương - căn cứ bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn năm xưa, tôi thực sự xúc động và tự hào. Giữa lòng Thảo Cầm Viên sôi động, nơi đây vẫn giữ lại không khí trầm lắng, chất chứa những câu chuyện anh hùng thầm lặng.
Tôi không khỏi khâm phục khi biết quán ăn nhỏ bé này từng là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí và là điểm gặp gỡ của các chiến sĩ biệt động. Hình ảnh ông Nguyễn Văn Tửng và những người con của ông âm thầm hy sinh, sống giữa hiểm nguy để giữ trọn niềm tin với cách mạng khiến tôi thấy lòng mình dâng lên một cảm xúc rất khó tả.
Đặc biệt, trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chuyến thăm này càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Là một người trẻ, tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước tinh thần quả cảm của thế hệ cha anh, và nhận ra trách nhiệm gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước, sống có lý tưởng và đóng góp tích cực cho xã hội hôm nay.
Đây không chỉ là một chuyến tham quan, mà còn là hành trình về nguồn, nhắc nhở tôi không bao giờ quên quá khứ và biết trân trọng hòa bình hôm nay”.
Thanh Tâm