Phải tăng giá cước theo giá xăng dầu, doanh nghiệp vận tải lo mất khách

18/05/2022 - 10:30

PNO - Giá xăng dầu lập “đỉnh” mới khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa tại TP.HCM điêu đứng.

Không muốn cũng phải tăng cước 

Ông Dương Tiến Thự - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vận tải du lịch taxi 27/7 - cho biết: Dù giá xăng dầu tăng liên tục nhưng các doanh nghiệp (DN) thành viên vẫn cố gắng cầm cự, hơn sáu năm nay không dám tăng cước. Thế nhưng đợt tăng giá xăng ngày 11/5 vừa qua đã vượt ngưỡng chịu đựng của các chủ xe nên buộc phải tăng cước 3 - 4%. Theo ông Thự, những năm qua, doanh thu của taxi truyền thống sụt giảm nghiêm trọng do sự cạnh tranh của taxi công nghệ, sau đó là hai năm dịch bệnh. Thua lỗ triền miên nên lượng xe của HTX đã giảm từ 700 - 800 xe đến nay chỉ còn gần 100 xe. Thực sự các DN không muốn tăng giá cước vì tăng giá thì càng mất khách, nhưng không tăng thì lỗ chồng lỗ.

Nhu cầu đi lại giảm mạnh sau dịch cộng với giá nhiêu liệu liên tiếp tăng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn (ảnh chụp hành khách đi xe liên tỉnh ở Bến xe Miền Đông) - ẢNH: MINH AN
Nhu cầu đi lại giảm mạnh sau dịch cộng với giá nhiêu liệu liên tiếp tăng khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn (ảnh chụp hành khách đi xe liên tỉnh ở Bến xe Miền Đông) - Ảnh: Minh An

Còn ông Tạ Long Hỷ - Giám đốc taxi Vinasun - cho biết, DN đang cố cầm cự và phải tính đến phương án điều chỉnh giá cước nếu xăng tiếp tục đà tăng. Hiện giá xăng ở mức cao, tài xế than lỗ nên công ty buộc phải tăng tỷ lệ doanh thu cho tài xế lên mức cao nhất là 64%, công ty chỉ còn 36% để duy trì cho hàng loạt hoạt động quản lý, tổng đài, bảo dưỡng, sửa chữa xe…
Các DN vận tải hàng hóa cũng “đau đầu” vì hiện vẫn chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh. Chi phí bão dưỡng xe tăng do xe nằm không gần một năm, giá các chi phí đầu vào như lốp xe, nhớt, mỡ tăng 20 - 30%. 

Ông Lương Hoàng Trung - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ cơ khí, ô tô vận tải số 116 - cho biết: Nhiên liệu chiếm hơn 40% chi phí vận tải. Trước tình hình giá xăng dầu tăng hiện nay, DN buộc phải tăng cước ít nhất 7 - 10%. Hiện các DN vận tải hàng hóa chỉ mới phục hồi được khoảng 50 - 60% công suất hoạt động so với trước dịch, nếu tăng cước thì càng mất khách nhưng họ không còn lựa chọn nào khác.

Cước vận tải hàng hóa tăng không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của DN mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa dịch vụ, đến đời sống người dân. Do đó, ông Lương Hoàng Trung kiến nghị Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu hiệu quả, bởi đây là yếu tố đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả của tất cả lĩnh vực. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí bảo trì đường bộ cho DN vận tải hàng hóa và hành khách đến hết năm nay thay vì chỉ đến tháng 6/2022.

Chủ xe buýt nợ nần chồng chất 

Ông Phùng Đăng Hải - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM - cho biết: 27 chủ xe chạy tuyến xe buýt số 56 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học Giao thông Vận tải) hiện đang rất khó khăn, nợ nần chồng chất. Sản lượng hành khách của tuyến này sụt giảm nhiều năm nay. Hiện lượng khách đi xe buýt chỉ đạt 40 - 50% năng lực vận chuyển. Từ đầu năm đến nay, do chưa thỏa thuận được mức khoán trợ giá với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nên các chủ xe vẫn chưa nhận được tiền trợ giá. Giá xăng dầu tăng tới tấp, cộng với việc nhiều chủ xe vay ngân hàng mua xe phải trả nợ vay hằng tháng khiến các chủ xe lao đao. Theo ông Hải, thời gian qua HTX đã cho các chủ xe tạm ứng một phần chi phí hoạt động, đến nay hầu như xã viên nào cũng nợ HTX từ 200 - 400 triệu đồng, chưa kể nợ ngân hàng và vay mượn người quen.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương - chủ một xe buýt chạy tuyến 56 - cho biết: Từ năm 2019, chị đã phải cầm nhà, vay mượn người quen 700 triệu đồng để trả trước 30% tiền mua xe, còn lại 70% vay nợ ngân hàng. Hai năm dịch bệnh không có doanh thu, đến cuối năm 2021 khi hoạt động trở lại thì lượng khách sụt giảm trong khi giá nhiên liệu tăng liên tục. “Chi phí đổ dầu hằng tháng của một xe buýt đội từ hơn 40 triệu đồng lên gần 60 triệu đồng, chưa kể tiền trả lương cho tài xế, tiếp viên, tiền trả vay mua xe. Tôi phải vay mượn khắp nơi để trang trải nhưng đến nay cũng không còn chỗ để mượn nữa. Giờ tôi chỉ mong bán lại xe để có tiền chuộc nhà”, chị Sương than thở.

Theo ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ nhiệm HTX 19/5 - sau dịch bệnh, các tuyến xe buýt của HTX cũng bị sụt giảm hành khách nghiêm trọng. Đối với các tuyến có trợ giá được ngân sách bù đắp một phần chi phí nhiên liệu tăng nên có thể cầm cự được, còn các tuyến không trợ giá thì DN thua lỗ nặng.

Lượng khách đi lại liên tỉnh giảm mạnh

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện lượng khách đi xe khách liên tỉnh tại các bến xe sụt giảm rất nhiều so với thời điểm trước dịch bệnh. Trong đó, tổng lượng khách đến và đi tại Bến xe Miền Đông cũ giảm khoảng 80%, Bến xe Miền Đông mới giảm khoảng 97%, Bến xe Miền Tây giảm 60%, Bến xe An Sương giảm 77%, Bến xe Ngã Tư Ga giảm 68%. Các DN kinh doanh xe khách cho rằng sau dịch bệnh, người dân có tâm lý ngại đi xe công cộng do sợ nguy cơ lây nhiễm cùng với nhu cầu đi lại giảm mạnh là nguyên nhân của tình trạng này.
Đầu tháng Tư vừa qua, DN xe khách đã buộc phải tăng giá vé do xăng dầu tăng cao. Trong đó, một số DN tăng giá vé khoảng 26% đối với các tuyến miền Đông, miền Bắc và tăng 10 - 20% đối với các tuyến miền Tây.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI