Oscar 2021: Tấm gương phản chiếu những nỗi buồn nước Mỹ

28/04/2021 - 07:16

PNO - Ngoài những vấn đề của người già, dân nhập cư, bức tranh mùa giải Oscar năm nay nhìn qua lăng kính các phim được đề cử còn khắc họa nhiều hiện thực lo âu khác của nước Mỹ,

Sự lên ngôi của bộ phim Nomadland cùng câu chuyện được kể trong những tác phẩm được đề cử Phim hay nhất tại giải Oscar 2021, đã cho thấy một hiện thực đời sống xã hội Mỹ chẳng còn lung linh như cụm từ “giấc mơ Mỹ”. Nhưng kết quả mùa giải năm nay cũng mang đến một giấc mơ ngọt ngào cho điện ảnh châu Á.

Có một nước Mỹ nhiều âu lo

Vượt qua bảy đối thủ, Nomadland của đạo diễn Chloé Zhao đã chiến thắng hạng mục Phim truyện hay nhất. Trong phim, câu chuyện của Fern, một phụ nữ từng có cuộc sống ổn định, có gia đình, nhà cửa, việc làm, bắt đầu cuộc sống vô gia cư sau khi bị mất việc, chồng chết, cùng những người sống du mục giống cô, vẽ ra một hiện thực khắc nghiệt nơi xứ cờ hoa. Ở đó, biến động kinh tế, thất nghiệp, ly hôn… khiến những người ở tuổi trung niên hoặc chớm già phải chọn cách sống rày đây mai đó, làm những công việc thời vụ với mức lương thấp, để có tiền duy trì cuộc sống vốn đã rất dè sẻn của mình.

Chloé Zhao, Youn Yuh Jung đem lại niềm tự hào châu Á
Chloé Zhao, Youn Yuh Jung đem lại niềm tự hào châu Á

Nếu như Nomadland đề cập những khó khăn trong cuộc sống những người già, thất nghiệp thì The Father khắc họa bi kịch của tuổi già trong đời sống gia đình. Nhân vật Anthony trong phim là một ông lão giàu có, bị mất trí ở tuổi 80. Ông có cô con gái, Anne, nhưng tình cảm hai cha con không mấy gắn kết, một phần vì căn bệnh mau quên của ông. Khác với các nước Á Đông, cha mẹ thường sống chung với con cái khi già, văn hóa Mỹ đề cao sự độc lập, nên con cái thường tách biệt khỏi cha mẹ khi trưởng thành. Nhưng cũng vì vậy mà khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình bị đào sâu hơn. Câu chuyện trong The Father mang tính điển hình, như một lời nhắc nhở về thân phận của những người già cô độc đang sống trên đất Mỹ, và về tình yêu thương, trách nhiệm của người làm con đối với cha mẹ già. 

Người Mỹ còn gặp nhiều khó khăn, âu lo trên đất Mỹ huống gì dân nhập cư. Bộ phim Minari dẫu lấy bối cảnh thập niên 1980, nhưng vấn đề phim phản ánh vẫn là vấn đề muôn thuở của cuộc sống những người nhập cư châu Á trên đất Mỹ. Đó là mặc cảm vì bị kỳ thị chủng tộc, “sốc” văn hóa, áp lực hòa nhập cộng đồng, dẫn đến đánh mất bản sắc dân tộc, nhưng đó cũng là sự tự tin, tinh thần vượt khó của người châu Á.

Đặt trong bối cảnh gần đây ở Mỹ xảy ra tình trạng báo động về nạn kỳ thị người gốc Á, chuyện phim Minari không hề cũ, và càng nhắc mọi người nhớ rằng nước Mỹ không phải là thiên đường như trong mộng tưởng của người nhập cư. 

Ngoài những vấn đề của người già, dân nhập cư, bức tranh mùa giải Oscar năm nay nhìn qua lăng kính các phim được đề cử còn khắc họa nhiều hiện thực lo âu khác của nước Mỹ, đó là vấn đề sắc tộc (phim Judas and the Black Messiah), vấn đề công lý (The Trial of the Chicago 7), nạn hiếp dâm (Promising young woman) - những nỗi đau nhức nhối âm ỉ suốt bao năm qua trong lòng xã hội nước Mỹ. Nhìn chung, những tác phẩm trong mùa giải lần này như một tấm gương phản chiếu những nỗi buồn nước Mỹ: tình trạng bạo lực, kinh tế khó khăn, chính trị nhiều rối ren bất ổn, kỳ thị chủng tộc leo thang, căng thẳng vấn đề nhập cư…

Châu Á lên ngôi - phải chăng để xoa dịu nỗi đau 

Oscar không chỉ là giấc mơ của người làm phim Mỹ, mà còn là niềm ao ước của cả những người làm phim trên thế giới. Trong khi nạn kỳ thị người châu Á đang bùng nổ ở Mỹ, thì kết quả giải thưởng phải chăng là một cái tát vào mặt những kẻ kỳ thị.

(Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải): Chloe Zhao, Youn Yuh Jung đem lại niềm tự hào châu á và tác phẩm Nomadland, The Father phản ánh hiện thực xã hội nhiều âu lo của nước Mỹ
(Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải): Chloe Zhao, Youn Yuh Jung đem lại niềm tự hào châu á và tác phẩm Nomadland, The Father phản ánh hiện thực xã hội nhiều âu lo của nước Mỹ

Cú hat-trick Phim truyện hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nữ chính xuất sắc nhất của phim Nomadland đã đưa Chloé Zhao đi vào lịch sử giải thưởng điện ảnh Mỹ với thành tích nữ đạo diễn châu Á đầu tiên thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc, và là người phụ nữ đầu tiên được bốn đề cử trong cùng một mùa giải. Người phụ nữ 39 tuổi gốc Trung Quốc không chỉ làm rạng danh phái nữ trong ngành công nghiệp điện ảnh nói chung, (cô là nữ đạo diễn thứ hai sau Kathryn Bigelow của phim The Hurt Locker giành tượng vàng Oscar trong gần 100 năm lịch sử của giải này), mà còn là niềm tự hào cho những nhà làm phim châu Á.

Nhưng trong khi những người yêu điện ảnh khắp thế giới hoan hỉ với thành tích vô tiền khoáng hậu của Chloé Zhao, thì ở quê nhà cô, chiến thắng này không được đón chào. Các báo, đài lớn ở Trung Quốc đều không đưa tin về giải thưởng của Chloé Zhao, những lời chúc mừng cô trên các trang mạng xã hội cũng bị gỡ. Tất cả chỉ vì trong một bài phỏng vấn cách đây tám năm trên tạp chí Mỹ Filmmaker, Chloé Zhao đã phát biểu “đụng chạm” quê nhà khi cho rằng ở đó “khắp nơi là những lời dối trá”. 

Không như Chloé Zhao bị quê nhà “hắt hủi”, chiến thắng của nữ diễn viên lão thành Youn Yuh Jung tại Oscar 2021 khiến cả nước Hàn phát rồ. Điện ảnh Hàn đã càn quét và lập kỳ tích tại mùa giải năm ngoái với siêu phẩm Parasite (bốn giải) và giờ đây nhờ ngôi sao 74 tuổi, nước này tiếp tục ngẩng cao đầu trên đất Mỹ với thành tích nữ diễn viên châu Á thứ hai (sau Miyoshi Umeki - người Nhật, phim Sayonara, 1957) và là người Hàn đầu tiên chạm tay vào tượng vàng giành Oscar cho hạng mục diễn xuất.

Ngoài Chloé Zhao và Youn Yuh Jung, điện ảnh châu Á cũng có quyền ngẩng cao đầu với đề cử dành cho Steven Yeun (phim Minari) và Riz Ahmez (phim Sound of metal)- hai gương mặt gốc Á đầu tiên có tên ở hạng mục Nam chính suất xắc nhất. Tiếc là may mắn chưa mỉm cười với họ vì một Anthony Hopkins “gừng càng già càng cay” với nét diễn xuất thần diễn như không diễn trong The Father

Quang Huy

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI