Sài Gòn ai cũng thương!

“Ôm” Sài Gòn vào lòng

18/07/2021 - 09:03

PNO - Dù là người Sài Gòn lâu năm hay chỉ “ký gửi” một phần cuộc đời tại đây, hẳn ai cũng xốn xang khi nhìn thấy một Sài Gòn trầm mặc hơn trong những ngày qua. Đêm xuống, thành phố vẫn sáng đèn nhưng đã bớt tiếng người, tiếng xe cộ lao xao…

Họa sĩ Lê Sa Long: Vẽ để cảm ơn, vì Sài Gòn đã cưu mang tất thảy

Họa sĩ Lê Sa Long sinh ra ở Đồng Tháp, lớn lên tại Bình Định và gắn bó một phần đời nặng tình với Sài Gòn. Khoảng thời gian chừng 30 năm sống ở mảnh đất này đủ thấm vào máu thịt anh một phần nào đó sự hào hiệp, nghĩa tình của người dân nơi đây.

Họa sĩ Lê Sa Long bắt đầu vẽ tranh về Sài Gòn những ngày giãn cách xã hội từ khoảng giữa tháng 5/2021. Những ngày đó, anh rong ruổi khắp các con đường lớn, vào từng con hẻm nhỏ để ghi nhận hơi thở cuộc sống của người Sài Gòn. Đi đến đâu, nếu thấy những hình ảnh gợi nhiều xúc cảm, anh đều ký họa lại.

Đến giữa tháng 6/2021, khi dịch bệnh căng thẳng hơn, những chuyến đi của anh được thay bằng việc “chu du” trên mạng xã hội. Anh đọc thông tin từ báo chí, các nội dung tích cực được chia sẻ từ bạn bè, đồng nghiệp.

“Tôi ở Sài Gòn đã lâu. Với chừng đó thời gian, có thể tạm gọi tôi là người Sài Gòn. Vậy nhưng thực tâm, đâu đó, tôi cũng vẫn là dân nhập cư được Sài Gòn cưu mang. Những lần đi ngoài đường, thấy và nghe giọng nói các vùng miền, tôi thương họ hơn vì biết họ cũng giống tôi về gốc gác - những người tha phương lập nghiệp. Tôi vẽ để tri ân, cảm ơn và động viên Sài Gòn - mảnh đất bao dung với mọi người”, họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ.

Trong tranh, Lê Sa Long ký họa chân dung những nhân vật anh ấn tượng, vẽ lại vài góc phố thân quen và các hoạt động thiện nguyện, cưu mang nhau giữa những ngày gian khó. Anh vẽ gian hàng 0 đồng, chợ 0 đồng, tủ lạnh cộng đồng cho những ai dư dả đến cho và ai cần đến lấy…

Anh vẽ thêm vài góc phố sầm uất bậc nhất Sài Gòn nhưng giờ yên ắng đến lạ. Rồi anh vẽ chân dung một chiến binh nhí năm tuổi tự mình đến khu điều trị COVID-19, vẽ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy đang bồng bệnh nhân nhí trên tay ru ngủ như từng làm với con thơ của mình…

Vẽ, với Lê Sa Long không đơn thuần là đưa câu chuyện ngoài đời lên tranh mà có cả cảm xúc của một con người biết rung cảm trước những nghĩa cử, nghĩa tình trong cuộc sống.

“Tôi tin Sài Gòn thân thương sẽ vượt qua cơn “cúm” này thôi. Vì sao ư? Vì Sài Gòn là Sài Gòn. Thế thôi!”, Lê Sa Long nói.

Họa sĩ Lê Sa Long đã vẽ được 40 bức và vẫn đang hoàn thiện nhiều tác phẩm khác để đến ngày Sài Gòn kiểm soát được dịch bệnh, anh sẽ tổ chức một buổi triển lãm và in thành sách, bán và trích một phần kinh phí để hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Blogger Nguyễn Kỳ Anh: Sài Gòn “ốm” rồi, nhưng sẽ khỏe lại thôi

Trong một lần trò chuyện với Nguyễn Kỳ Anh, người bạn 9X này cho biết bạn đang ở nơi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và vừa có ca F0 được lực lượng y tế chuyển đi. Kỳ Anh lo nhưng vẫn giữ niềm tin: “Sài Gòn sẽ nhanh khỏe lại thôi!”.

Làm công việc thiết kế nội thất kiêm blogger du lịch, Nguyễn Kỳ Anh đã quen với những chuyến xê dịch lẫn chiếc máy ảnh chuyên dụng để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, tận mắt chứng kiến cũng như đọc được trên mạng những hoàn cảnh mưu sinh nơi hè phố đang dần kiệt sức vì dịch, Kỳ Anh thấy mình cần làm một điều gì đó để giúp họ.

“Sài Gòn giãn cách, cuộc sống của những người vô gia cư, những hoàn cảnh nghèo khó lại càng khổ cực. Tôi quyết định, sau mỗi ngày làm việc, sẽ xách máy ảnh đi chụp lại những hoàn cảnh đó và đăng lên Facebook, kèm địa chỉ và thông tin cụ thể để mọi người có thể đến giúp đỡ”, Kỳ Anh chia sẻ.

Nhờ chú thích đầy đủ về nhân vật và địa điểm tạm gọi là “ngôi nhà ngoài phố” của các hoàn cảnh khó khăn mà dự án Saigon Moments của Kỳ Anh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Kỳ Anh nói, sau khi đăng tải bộ ảnh, anh vẫn thỉnh thoảng trở lại để nhìn ngắm các cô chú ấy từ xa. Trong những lần đến “thăm” đó, anh thấy có nhiều người đã được giúp đỡ. Có thể các nhà hảo tâm đến nhờ gợi ý từ dự án của Kỳ Anh hoặc từ một nguồn thông tin khác, nhưng điều đó đâu còn quan trọng khi chúng ta biết rằng trưa nay hay ngay bây giờ, những con người khó khăn đó không bị đói và ngày mai cũng sẽ có những người khác đến tiếp sức.

Ngoài những bức ảnh “biết nói”, Kỳ Anh còn có cách chú thích vừa đủ thông tin, vừa giàu cảm xúc để nhen nhóm nơi người xem lòng trắc ẩn.

Khi chụp chú Hùng bán vé số, bị mù một mắt và cụt một bàn tay, Kỳ Anh viết: “Chú Hùng, đâu rồi ánh mắt, bàn tay?”.

Hay với chú Ninh, một người bán vé số có con bị bại não và người vợ tần tảo, hết mực lo cho gia đình, dòng chú thích là: “Chú Ninh, chú thương bả lắm!”…

Dự án Saigon Moments của Kỳ Anh trong những ngày qua tạm dừng vì lệnh giãn cách của thành phố. Tuy nhiên, dự án sẽ tiếp tục khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sẽ có nhiều hình ảnh hơn, không chỉ về COVID-19 mà còn nhiều khoảnh khắc khác của Sài Gòn thân thương.

Ngoài ra, Kỳ Anh dự định thực hiện video để tăng yếu tố nghệ thuật và ghi nhận chân thật hơn trong từng khung hình.

“Tôi không làm dự án này vì bản thân, chỉ đơn giản là tôi muốn làm việc này và đã ấp ủ rất lâu”, Kỳ Anh chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Khoa Trần: Sẽ nhanh thôi, Sài Gòn trở lại là chính mình

Với nhiếp ảnh gia Khoa Trần, hình ảnh Sài Gòn vắng lặng, lạ lẫm hơn vì dịch COVID-19 không còn quá mới lạ vì năm ngoái đã từng xảy ra. Nhưng dù đã một lần “sống khác” vì dịch, anh vẫn thấy đâu đó nỗi buồn và phần nào tồn tại cảm xúc tiêu cực. 

Giữ lại những nỗi buồn vì chắc ai cũng trải qua niềm xúc cảm như thế, Khoa Trần rong ruổi chụp Sài Gòn về đêm, hình ảnh anh nhớ đến nhiều nhất.

“Các bức ảnh được thực hiện trong khoảng bốn đêm đầu những ngày Sài Gòn bắt đầu chống dịch (khoảng đầu tháng 6/2021 - PV). Khi đó, các tòa nhà đã bớt sáng đèn, đường phố thưa thớt, chợ Bến Thành, hồ Con Rùa vắng lặng… Là một người con Sài Gòn, tôi nhớ lắm không khí Sài Gòn đêm tấp nập, lung linh và tin rằng nhanh thôi, Sài Gòn sẽ trở lại là chính mình - một thành phố không ngủ”, Khoa Trần chia sẻ.

Những góc phố quen, những địa điểm mang hơi thở, tâm hồn Sài Gòn, khi lên ảnh của nhiếp ảnh gia Khoa Trần trở nên lung linh, màu sắc hơn vì được “vẽ” thêm biểu tượng; hình ảnh hoạt hình đáng yêu, ngộ nghĩnh.

“Bộ ảnh đã đi được nửa đoạn đường. Vẫn còn nhiều góc đã chọn sẵn, nhiều hình ảnh để “vẽ” thích hợp, nhưng do tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, tôi đành tạm ngưng. Hy vọng sau khi dịch qua, tôi sẽ lại tiếp tục bộ ảnh bằng những hình ảnh nhộn nhịp của Sài Gòn”, Khoa Trần hẹn.

Những ngày này, ai cũng thương Sài Gòn, bằng cách này hay cách khác. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI