Ở một xứ đồng tiền nặng hàng tấn

02/04/2021 - 21:01

PNO - Yap (hay Wa’adb) - hòn đảo thuộc quần đảo Caroline, tây Thái Bình Dương, Liên bang Micronesia - thu hút du khách không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, những bộ váy bện dây độc đáo sặc sỡ bảy sắc cầu vồng, nụ cười hồn hậu mà còn bởi những đồng tiền khổng lồ bằng đá từng là đơn vị tiền tệ của người dân địa phương.

Theo chia sẻ của người bản địa, đồng tiền đá khổng lồ đã được họ sử dụng hàng thế kỷ qua, lâu đến mức không ai còn nhớ rõ chúng ra đời chính xác từ khi nào. Chúng được làm từ đá vôi của đảo Palau, cách đảo Yap 400km về phía tây nam. Lý do khiến những đồng xu này to và nặng như thế bắt nguồn từ thực tế “nghèo nàn” kim loại quý hiếm. Đảo Yap không có đá vôi. Khi các thủy thủ của Yap đến Palau, họ đã tìm thấy rất nhiều đá vôi trong mỏ đá. Đây được xem là một kho báu với người xứ Yap, có giá trị trao đổi hàng hóa. Lâu dần, đây được xem là tiền tệ của đảo. Họ bắt đầu khai thác mỏ để làm những đồng tiền bằng đá, kích thước nhỏ có tên là “hòn đá Rai”.

Tuy nhiên, vì đường xa cách trở và cư dân Palau cũng không thể chấp thuận việc một số dân cư của hòn đảo khác đến khai thác tài nguyên thiên nhiên trên đảo của họ, các thủy thủ bàn với thủ lĩnh đảo Yap đúc những đồng tiền đá vôi càng to càng tốt. Chúng được đục lỗ tròn ở giữa để dễ vận chuyển hơn. Thực tế, có những đồng tiền nặng và to đến mức phải cần đến sức của 20 người đàn ông khỏe mạnh mới khiêng nổi nó.


Phàm đã là tiền tệ thì phải được lưu hành mua bán. Tuy nhiên, vì kích thước quá to nên việc mua bán diễn ra theo hình thức… truyền miệng. Sau thỏa thuận, hàng hóa sẽ theo chân người mua về nhà, còn tiền đá có khi trải qua ba đời mua bán vẫn còn ở nơi người chủ đầu tiên.

Việc trao đổi bằng tiền đá khổng lồ này chỉ kết thúc khi David O’Keefe - thuyền trưởng người Mỹ gốc Ireland - bị đắm tàu và được dân đảo Yap cứu giúp. Để trả ơn dân đảo, ông đã giúp đỡ người dân nơi đây lấy những đồng tiền Rai từ Palau. Sự xuất hiện của David O’Keefe cũng đã mở đường cho đồng USD đặt chân đến Yap, trở thành đơn vị tiền tệ lưu thông chính trên đảo đến tận hôm nay.

Dù vậy, tiền Rai vẫn hiện diện cùng đời sống của dân bản khi xuất hiện khắp nơi trên đảo như một kho báu lộ thiên, tạo thành cảnh quan độc đáo cho vùng đất này. Theo thống kê của BBC, hiện có khoảng 13.000 đồng tiền đá cổ với đủ kích thước vẫn hiện hữu trên đảo, đường kính nhỏ nhất là 30cm và to nhất là 350cm. Trong các nghi lễ truyền thống, những đồng tiền đá này vẫn được sử dụng, như sự bày tỏ lòng thành, tưởng nhớ đến tổ tiên và nguồn cội. 

Văn Khoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI