Nữ cán bộ và những công trình vì dân

14/12/2020 - 06:29

PNO - Những công trình tuy chẳng tầm vóc, quy mô, nhưng lợi ích cho dân thì hiện hữu hằng ngày, ngay trước mắt. Phía sau những công trình đậm chất “dân sinh” ấy là những người phụ nữ cũng rất gần gũi, ân cần.

Quyết liệt vì những tuyến hẻm xanh

Bà Nguyễn Thị Thiệt, một cán bộ về hưu đang sinh sống tại Q.7, kể: “5 năm trước đây, vào mùa mưa, mỗi lần về xã Phú Xuân, H.Nhà Bè công tác là mỗi lần tôi lo sợ đường ngập nước, xe chết máy, cống rãnh, kênh rạch hôi thối… Khi con trai tôi mua nhà ở đây, tôi ra sức cản. Nào ngờ, chỉ mấy năm thôi mà đường sá nay thênh thang, ngăn nắp”. Cũng như bà Thiệt, hàng ngàn hộ dân ở xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, khi nhắc đến những con hẻm được nâng cấp khang trang đều cảm thấy “như một giấc mơ”. 

Một trong 34 tuyến hẻm ở xã Phú Xuân, H.Nhà Bè được mở rộng, nâng cấp khang trang
Một trong 34 tuyến hẻm ở xã Phú Xuân, H.Nhà Bè được mở rộng, nâng cấp khang trang.

Chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, toàn xã có đến 34 tuyến hẻm được nâng cấp, mở rộng. Theo đó, nhà cửa hai bên hẻm cũng được sửa chữa khang trang hơn. Sự thay đổi đó, ngoài sự đồng thuận của dân còn có sự quyết liệt của “đầu tàu” là bà Hồ Thị Thanh Sương - Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân. Bằng sự quyết liệt và kiên trì trong chỉ đạo, bà Sương cùng Đảng bộ, chính quyền xã đã thành công trong việc vận động nhân dân ủng hộ việc nâng cấp, mở rộng hẻm. Thành công ấy được đánh giá rất cao và được giới thiệu cho toàn huyện cùng học tập. 

Bà Thanh Sương chia sẻ: “Công việc không dễ, phải có sự ủng hộ của cả tập thể mới thành công. Nếu ở nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi nâng cấp, sửa chữa, làm mới, mở rộng được 39 tuyến hẻm, thì từ đầu năm 2020 đến nay, xã đã làm được thêm 34 tuyến hẻm mới. Tôi cảm thấy vui vì người dân đồng thuận, chung tay. Không có dân thì không biết làm sao cho được!”.

Để có kết quả này, bà Sương đã phải vận dụng nhiều cách thức như phân công cán bộ phụ trách, đôn đốc, cử lực lượng nòng cốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư “nêu gương” dời rào, mở hẻm… Từng con hẻm có kế hoạch nâng cấp đều được rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn người làm việc ở cơ quan nhà nước hoặc có chức vụ để vận động trước, sau đó mới đến những hộ khác. Cán bộ làm, dân tự khắc noi theo.

Hội Nông dân H.Củ Chi trao tặng con giống cho nông dân khó khăn
Hội Nông dân H.Củ Chi trao tặng con giống cho nông dân khó khăn.

Việc vận động dân cũng được phối hợp chặt chẽ với Hội Phụ nữ các cấp từ xã, ấp cho đến tổ nhân dân để dùng sự mềm mỏng, kiên trì, gần gũi mà thuyết phục lòng người. Chính các dì, các chị là những người nắm bắt được bao khó khăn, thiếu kinh phí sửa chữa, nhà không đủ diện tích xây dựng… của các hộ dân và phản ánh kịp thời giúp xã tìm nguồn vốn vay cho dân, đồng thời đề xuất xã “bảo lãnh” cho người dân được sửa lại nhà… 

Âm thầm góp sức giúp dân làm giàu

Những ngày đầu tháng 12, các thành viên trong gia đình anh Tống Hoài Phương - nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Trung Lập Hạ, H.Củ Chi - rất phấn chấn trong ngôi nhà mới. Căn nhà được xây dựng đơn sơ với kết cấu tường gạch, nền gạch tàu, mái tôn… nhưng là niềm ao ước bấy lâu của người nông dân chân chất. Căn nhà được xây dựng nhờ vào sự hỗ trợ của các thành viên câu lạc bộ Nông dân sản xuất giỏi xã Trung Lập Hạ với kinh phí 40 triệu đồng, góp phần sửa chữa nhà ở cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. 

Mới đây, Hội Nông dân H.Củ Chi lại nhận được tin vui khi anh Phạm Thành Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện, hội viên Chi hội Nông dân ấp 6A, xã Tân Thạnh Đông - đạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo nhà nông” cấp thành phố năm 2020 và tiếp tục tham gia cuộc thi cấp trung ương với mô hình “Trang trại sản xuất rau thủy canh bằng phương pháp khí canh trụ đứng” quy mô công nghiệp lớn đầu tiên ở Đông Nam Á do anh sáng chế. Cùng với đó, đến nay Hội Nông dân huyện đã thành lập 73 điểm tư vấn, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ, đổi mới cây con giống, vật tư gắn với các dự án hỗ trợ vốn, học nghề… Các dự án này nhận được sự tin cậy và đồng hành của các kỹ sư, nhà nông.

Thành lập các mô hình tư vấn, cung ứng vật tư hỗ trợ nông dân
Thành lập các mô hình tư vấn, cung ứng vật tư hỗ trợ nông dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó chủ tịch Hội Nông dân H.Củ Chi - cho hay: “Ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ phó chủ tịch Hội Nông dân huyện, tôi trăn trở khi thấy người nông dân tuy chịu khó lao động nhưng lại ít tham gia Hội, chưa nắm bắt kịp các ứng dụng mới. Tôi đã cùng với Ban Thường vụ Hội từng bước nâng chất hoạt động Hội bằng cách củng cố nội dung tập hợp; nâng chất lượng và uy tín của các chi hội trưởng, thực hiện mô hình 1+1 (một hội viên giới thiệu một nông dân vào Hội). Nội dung các buổi sinh hoạt cũng được quan tâm, tập trung chính vào câu chuyện thực tế là các chính sách hỗ trợ người nông dân… đã tạo tiền đề để người nông dân làm giàu”. 

Thiên Ân - Tinh Châu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI