NTK Nguyễn Hoàng Tú - Con tằm 'dệt mộng ươm tơ'

29/12/2019 - 08:17

PNO - Nếu ví Nguyễn Hoàng Tú là một con tằm thì con tằm đó đang từng ngày say mê nhả những sợi tơ óng ả, bền đẹp nhất dù nó phải chịu không ít đau đớn.

Một quãng nữa thôi, chiếc kén mở bung, con tằm ấy sẽ mang dáng hình mới, trạng thái mới và cất đôi cánh tuyệt đẹp nhiều màu sắc, thỏa sức bay đi.

Chiếc áo dài và giấc mơ của Tú

Trung tuần tháng 12/2019, nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Hoàng Tú có vài tuần triển lãm bộ sưu tập (BST) mới nhất của anh tại Việt Nam, đặt trong không gian và ánh sáng được kiến tạo từ hai gương mặt trẻ tài năng khác là nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long và kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tân.

NTK Nguyen Hoang Tu - Con tam 'det mong uom to'
NTK Nguyễn Hoàng Tú

Hình biến là BST thứ hai của Tú tại thị trường Pháp, thông qua công ty agency Thời trang Boon. Ở Tú toát ra sự mâu thuẫn và phức tạp rất phổ biến của những người luôn phải xoay trở giữa một bên là kinh doanh, bên còn lại dành cho nghệ thuật. Nhưng sự mâu thuẫn đó thay vì làm người đối diện cảm thấy xa lạ, Tú lại toát ra nét dễ thương, có lẽ nhờ nụ cười thật hiền, bản tính chân thật và quan trọng nhất, là tình yêu trong veo Tú dành cho thời trang. “Thú thật, tôi chỉ biết mỗi thời trang. Yêu đương cũng không. Ngày trước tôi cũng yêu một người, rồi nhận ra rằng, mình chẳng thể nào dành thời gian cho bạn như với thời trang”.

Là NTK Việt Nam duy nhất vào Top 12 cuộc thi Audi Star Creation 2014, một trong bốn sự kiện chính của lễ hội Thời trang châu Á (Asia Fashion Exchange - AFX), trang phục của Nguyễn Hoàng Tú ghi dấu ấn nhờ kỹ thuật 3D tinh tế, những đường cắt táo bạo, chi tiết thủ công tỉ mỉ kết hợp với kiểu dáng tối giản trên các chất liệu quen thuộc của người Việt Nam như organza, lụa… Elle Fashion Show 2015 đã giúp NTK sinh năm 1990 củng cố niềm tin về một thương hiệu thời trang mang tên anh. Thương hiệu Nguyễn Hoàng Tú trở nên quen thuộc với người yêu thời trang Việt, đồng thời vươn ra thế giới.

“Khi được bạn bè giới thiệu và chỉ ra các quy chuẩn cần có nếu muốn đưa thương hiệu ra thị trường thế giới, một mình tôi mày mò tìm hiểu để có thể đáp ứng đủ điều kiện họ đặt ra, từ kỹ thuật, gu thẩm mỹ cho đến tốc độ. Phải làm đúng mùa, đúng quy cách. Bao nhiêu tiền kiếm được từ Việt Nam, tôi đều đưa về cho agency để họ xây dựng thương hiệu tại thị trường quốc tế, tham gia Fashion Week, giới thiệu thiết kế đến các buyer (các nhà phân phối-NV) toàn thế giới. Từng bước như vậy, rất vất vả và khó khăn”.

NTK Nguyen Hoang Tu - Con tam 'det mong uom to'

Bên cạnh các BST theo mùa tại Việt Nam, Nguyễn Hoàng Tú còn thiết kế BST tham gia hai mùa Paris Fashion Week. Tú cũng hợp tác với các local brand Việt Nam như Hnoss tạo ra các thiết kế ready-to-wear. “Tôi muốn kể câu chuyện thời trang của mình bằng trải nghiệm, bằng sự khám phá. Tôi muốn tạo ra những thiết kế mà mọi người nhìn vào đó sẽ phải đặt câu hỏi, sẽ phải suy nghĩ và tìm câu trả lời: tại sao lại như vậy? Tạo ra cái mới, sáng tạo không ngừng trên hai vệt màu quen thuộc để chúng không trở nên nhàm chán là thách thức với tôi”.

Giấc mơ thời trang của Tú không đến ngẫu nhiên, nó được bồi đắp và nung nấu từ những ngày Tú còn là một cậu bé, nghịch ngợm vải vóc của mẹ - một nghệ nhân may áo dài. Nhờ khéo tay, chịu khó, Tú trở thành thợ phụ cho mẹ rồi đâm “sợ việc may vá” bởi mỗi mùa khai trường xuyên suốt ba tháng hè trước đó, Tú phải phụ mẹ may áo dài. “Cứ may đi may lại một phom dáng áo dài nên đâm ra chán. Tôi muốn được sáng tạo nhiều hơn. Áo dài quý nhất là tà áo, nên đều phải luông bằng tay mới giữ được sự bồng bềnh. Vì vậy, công việc của tôi mỗi ngày phải luông tay 5 chiếc áo dài, thời gian còn lại sau khi đi học về là phụ mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.

Khi tôi lớn hơn một chút, mẹ chỉ cho tôi thấy rằng, muốn làm ra một BST hoàn chỉnh thì phải biết tường tận mọi công đoạn, từ khâu chuẩn bị đến thành phẩm. Từ một đứa rất sợ may vá tôi bắt đầu mê mẩn. Càng làm nhiều, tôi lại thích khám phá vải vóc. Tôi không còn thích đi chơi nữa, chỉ thích đến những chỗ có vải để thỏa sức ngắm và nghiên cứu, chọn lựa", Tú hồi tưởng.

NTK Nguyen Hoang Tu - Con tam 'det mong uom to'

Mẹ không chỉ khơi cho Tú tình yêu với vải vóc, với đường kim mũi chỉ, mẹ còn “truyền dạy” cho Tú một cách rất tự nhiên, những kỹ thuật, phương thức may truyền thống, từ cách luông áo dài bằng sợi chỉ bên trong, kết hợp hai miếng vải lại với nhau cho đến cữ lộn dây khuy nhằm đảm bảo một dây khuy đẹp, không bị giãn theo thời gian. 

Nhiều lúc mệt quá, muốn bỏ hết nhưng nghĩ đến những người thợ đã tin tưởng, gắn bó với mình, nghĩ đến mẹ, tôi lại tiếp tục đứng mũi chịu sào. Tôi đã đi quá xa để có thể dừng lại nên tôi phải cố gắng hơn nữa. Thời điểm này, tôi chưa được phép ngơi nghỉ”.

Câu chuyện kinh doanh 

Khi bắt đầu thực hành thời trang và có những sản phẩm đầu tay, Nguyễn Hoàng Tú xác định rõ con đường anh cần đi và muốn đi là thời trang cao cấp. Tú nói, luôn có hai áp lực đè nặng lên vai anh. Thứ nhất là áp lực từ bản thân. Thứ hai là tiền, luôn luôn là như vậy với người làm công việc sáng tạo. “Cân bằng được việc kinh doanh và sáng tạo là thử thách rất khó với tôi. Tôi hy vọng trong tương lai, có thể mở rộng kinh doanh và tìm được người phụ trách mảng này để tập trung vào sáng tạo”.

“Những gì ban đầu tôi hình dung khi bước vào thế giới này, hào nhoáng hay có nhiều tiền, tôi đều đã trải qua. Nhưng bản chất của tôi là thích làm cái mới. Tôi giỏi nhất là làm sản phẩm. Vẫn còn rất nhiều thứ tôi muốn làm, tôi muốn bung phá, thử thách. Tôi bị giới hạn nhiều bởi các yếu tố xung quanh, ngại tiếp xúc với khách hàng, báo chí. Nếu nói không thật, tối về tôi lại suy nghĩ. Thành ra, tôi càng thu mình lại, những mối quan hệ cứ thế giãn dần, thưa thớt đi. Tôi cũng muốn cứu vãn nhưng không biết cách nào. Tôi không thể làm những gì mình không thấy thoải mái. Thật may vì tôi vẫn tương tác được với mọi người qua các thiết kế, vẫn có những cuộc gặp gỡ cho tôi thêm năng lượng”. 

NTK Nguyen Hoang Tu - Con tam 'det mong uom to'

Tú luôn bị ám ảnh bởi những chất liệu nhẹ, trong suốt do loại chất liệu này vừa mềm mại, uyển chuyển, vừa quyến rũ, lại mạnh mẽ và đậm tinh thần Á Đông. Tú cũng bị ám ảnh với hai sắc độ màu cơ bản đen - trắng và luôn tìm cách biến hóa. Tú đồng thời cũng bị mê hoặc bởi các chất liệu mới. Đấy là lý do, trong các BST, ngôn ngữ thời trang của Tú thoải mái biến hóa mà vẫn luôn đồng nhất và đầy hấp lực mới mẻ.

“Tôi luôn muốn mang tinh thần Việt Nam, kết hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai vào các thiết kế để tạo ra cái riêng và mang tiếng nói riêng ấy ra thế giới. Một phần vì truyền thống gia đình tôi làm áo dài, một phần vì chỉ khi đối thoại với truyền thống, bạn sẽ tìm được hướng đi lâu dài, đậm tính bản địa. Thời trang không chỉ là áo quần, đó còn là văn hóa. Thế giới đánh giá cao tính bản địa trong các BST. Muốn được như vậy, phong độ qua từng mùa của NTK phải được giữ vững” - Nguyễn Hoàng Tú chia sẻ.

Bài toán chất liệu

Một trong những băn khoăn của Tú là câu chuyện về chất liệu. “Trước đây, trong các thiết kế của mình, tiêu chí đặt ra là sử dụng từ 70-80% nguyên liệu Việt Nam nhưng bây giờ, tôi chỉ biết cố gắng hết mức có thể. Tôi chỉ dùng được lụa Việt Nam, phần lớn là lụa Bảo Lộc và Toàn Thịnh. Vải tổng hợp mình không có, cotton không tốt, lụa cũng không phải tốt nhất nhưng có thể châm chước và xử lý chất liệu lại. Các nguyên liệu còn lại, tôi nhập từ Ý, Nhật, chủ yếu là Nhật. Để có được nguồn cung này, tôi phải trao đổi nhiều với đối tác, thuyết phục họ đồng ý cung cấp sản lượng ít vì thiết kế cao cấp không thể bán được sản lượng lớn”.

NTK Nguyen Hoang Tu - Con tam 'det mong uom to'

“Trong khi đó, trao đổi với đối tác Việt Nam cực kỳ khó. Họ đâu biết tương lai mình liệu sẽ đem được quyền lợi gì cho họ. Thị trường chuộng sản xuất công nghiệp, mình phải chấp nhận, đâu thể nào buộc họ sản xuất vải riêng 1, 2 cây để cung cấp cho mình. Tiền chi phí không đủ bù tiền sản xuất. Mình có thể năn nỉ họ bán 1, 2 cây vải một màu/loại vải là ít nhất, chứ đâu thể mua 20m để làm hàng mẫu gởi ra quốc tế, giới thiệu, đo lường thị trường xem họ có chấp nhận hay không. Các NTK trẻ như tôi không đủ kinh phí để mua một lần 3-5 cây vải, sản xuất hàng loạt. Một cái khó khác là dệt ở Việt Nam, cây vải đầu tiên đến cây vải thứ hai, màu có thay đổi chút xíu. Đến cây thứ 10 lại khác chút nữa. Điều này, theo quy chuẩn thời trang quốc tế là không thể chấp nhận được”.

Mùa thời trang đầu tiên của Nguyễn Hoàng Tú tại Paris, báo chí quốc tế đều rất ấn tượng với các thiết kế thủ công mượt, đậm chất Việt Nam mà vẫn phả vào đó hơi thở hiện đại. Các tạp chí thời trang thi nhau mượn sản phẩm của Tú để chụp ảnh. Thế nhưng, thành công về mặt truyền thông không đồng nghĩa với thương mại. Một phần nguyên nhân đến từ việc sợ không đảm bảo đồng nhất chất liệu, Tú đã vét hết tiền để mua vải thay vì mua số lượng giới hạn làm mẫu thử.

NTK Nguyen Hoang Tu - Con tam 'det mong uom to'

Tú nói, anh được truyền cảm hứng từ những bước đi của NTK Nguyễn Công Trí và Phương My, dẫu hành trình của Tú hoàn toàn khác biệt. Nhưng để thời trang Việt ra thế giới, còn cần thêm nhiều cái tên Việt Nam nữa. Càng nhiều cái tên, càng nhiều cơ hội tạo sự chuyển dịch đồng bộ và phát triển bên trong, và khâu đầu tiên chính là nguyên liệu. 

“Thành công với đa số mọi người là vật chất, ở số tiền họ kiếm được, ở nhà cửa, xe cộ hoặc được công nhận vị trí trong xã hội. Thành công với tôi là khi đạt được một điều gì đó hoàn toàn mới, làm được một cái gì đó nho nhỏ để thế giới nhớ đến Việt Nam thông qua các thiết kế của mình. Vì sao ư? Vì tôi đi nhiều nơi, nhắc đến Việt Nam, ít người biết đến đất nước mình, người Việt mình”. NTK Nguyễn Hoàng Tú

Hoàng Linh Lan

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI