NSƯT Phi Tiến Sơn: Phim "Kiều" không phải bản dịch hình ảnh của "Truyện Kiều"

13/04/2021 - 07:01

PNO - "Tham vọng đưa trọn nội dung "Truyện Kiều" của Nguyễn Du lên phim là bất khả. Điều chúng tôi có thể làm là tôn trọng tinh thần mà tác giả muốn nói".

Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền đã ấp ủ ý tưởng đưa nàng Kiều lên phim hơn 10 năm. Cũng chừng đó thời gian, NSƯT Phi Tiến Sơn đau đáu muốn đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du lên màn ảnh rộng. Kiều vừa ra rạp và nhận hàng loạt ý kiến trái chiều liên quan đến kịch bản.

Phóng viên: Trong Kiều, nhân vật Đạm Tiên (Mai Thu Huyền đóng) được tô đậm, ảnh hưởng lớn đến cục diện phim. Vì sao ông đưa vào phim nhân vật này?

NSƯT Phi Tiến Sơn: Đầu tiên, Đạm Tiên là con người thứ hai của Kiều. Nhân vật này vừa là mơ ước, vừa dự báo tương lai và đại diện cho phần ác bên trong Kiều. Trong nguyên tác, Đạm Tiên là một hồn ma nên tôi nghĩ mình có quyền thay đổi, làm cho nhân vật sống động hơn. Thứ hai, Đạm Tiên không có tính cách rõ ràng. Sự không rõ ràng này phù hợp để tôi tạo ra nhiều tình huống kịch tính cho tác phẩm điện ảnh.

Đạo diễn Mai Thu Huyền và NSƯT Phi Tiến Sơn
Đạo diễn Mai Thu Huyền và NSƯT Phi Tiến Sơn

* Vì sao kịch bản phim chọn lát cắt ở thời điểm Thúy Kiều gặp Thúc Sinh và bị Hoạn Thư ghen tuông? Có phải, Kiều đang muốn “câu khách” với chuyện tình tay ba?

-Tham vọng đưa trọn nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du lên phim là bất khả. Điều chúng tôi có thể làm là tôn trọng tinh thần mà tác giả muốn nói. 

Có hai nội dung cần nắm, một là thông qua tác phẩm, tác giả muốn nói về thân phận phụ nữ, xã hội và thứ hai, đằng sau những áng thơ còn có một Nguyễn Du đầy tâm trạng, cảm xúc, mất tự do chốn quan trường. Làm phim thì phải có câu chuyện, và đây là trích đoạn phù hợp để khai thác, nhưng vẫn giữ được tinh thần chính của phim. 

* Cách ông xây dựng nhân vật Hoạn Thư trên phim có phần đáng thương hơn đáng sợ, sự ghen tuông cũng gia giảm nhiều so với nguyên tác. Điều đó khiến nhân vật trở nên xa lạ…

- Tất cả nhân vật trên phim đều đáng thương. Điều gây ra sự đáng thương này là do xã hội phong kiến chèn ép, đè nén. Với Hoạn Thư, nhiều bạn khi đọc Truyện Kiều sẽ cho rằng nhân vật quá ác. Tuy nhiên, khi xét xử vụ Hoạn Thư và Thúy Kiều, chính người xử cũng nói rằng, ghen tuông là chuyện thường tình, thì chúng ta cần nhìn mọi việc, mọi người bằng ánh mắt cảm thông. Tôi cho ứng xử của Hoạn Thư trên phim là phù hợp.

* Gần đây, nhiều phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học ra rạp và không thành công. Sự thất bại đến từ việc các ê-kíp “nhào nặn” ra đứa con quá xa lạ, không xứng tầm. 

- Nếu tham vọng làm y như nguyên tác, tôi cho rằng không nên. Khán giả cần cái mới, họ không cần xem nhà làm phim “phiên dịch” từng câu thơ, đoạn văn sang hình ảnh rồi lồng âm thanh vào. Nếu cứ làm giống như nguyên tác, đó là sự cẩu thả, lười biếng của người làm phim và cho thấy thái độ coi thường khán giả. 

* Với Kiều, ông và ê-kíp gần như đang đặt cược với khán giả khi đưa ra một tác phẩm có nhiều tình tiết mới. Trong màn cược này, ông nghĩ mình thắng không?

- Tôi muốn mọi người cùng hiểu thêm về từ đặt cược. Hành động đặt cược thể hiện sự phiêu lưu, nhưng quan trọng, tâm thế của người tham gia đặt cược như thế nào? Họ tự tin hay rụt rè? Tôi cho rằng, điều quan trọng là người làm phim phải có tâm, làm hết sức, đứng về phía tác giả. Nhà làm phim phải cố hiểu tác giả, để từ đó giúp tác phẩm có đời sống mới. Khán giả phải được thưởng thức điều gì đó mới mẻ.

* Nhưng điều mới mẻ đó liệu có rủi ro khi được sáng tạo dựa trên một tác phẩm đã mang tầm vóc quá lớn với văn học Việt Nam?

- Tôi từng rất muốn đưa Truyện Kiều lên phim, nhưng nhiều năm trước, tôi e ngại mình chưa đủ kiến thức, sự dũng cảm, chưa đủ mạnh để đặt cược. Còn khi bản thân tìm ra thông điệp sau cùng của tác phẩm, tôi đẩy nhanh tiến độ. Ý muốn làm mới của tôi ở chỗ: nhắc chuyện xưa nhưng khán giả thời hiện đại cũng cảm được. Những nhân vật, chi tiết thêm vào cũng nhằm mục đích thể hiện khát vọng tự do, được là chính mình, mà điều này đã tồn tại từ lâu.

* Trên phim có nhiều cảnh nóng được thể hiện một cách trần trụi, thiếu nghệ thuật. Ông phản hồi gì về điều này?

- Khi thực hiện cảnh nóng, chúng tôi đứng giữa những lựa chọn: tinh tế nhưng cũng phải đủ đô. Kiều và Thúc Sinh phải ân ái đủ đô để Hoạn Thư ghen. Hoạn Thư với Thúc Sinh cũng phải ân ái đủ mãnh liệt để trả thù Kiều. Ở đây, câu chuyện thuộc về liều lượng tâm lý. Trên phim, nếu cảnh quay hơi quá hoặc chưa tới, là do nhà làm phim chưa đo đúng cảm xúc của khán giả.

Trailer phim Kiều:

 

 * Điều khó khăn nhất của ông khi viết kịch bản này là gì?

- Đọc hay thậm chí thuộc lòng Truyện Kiều cũng không có nghĩa bạn hiểu được tác phẩm. Cái khó nhất là tìm ra được một ý tưởng. Tôi không đọc hết Truyện Kiều, chỉ đọc một số chỗ để cảm, vì tôi không làm phim theo kiểu “dịch” từ sách. Tôi đọc thêm nội dung từ các phân tích, ý kiến của các nhà Kiều học, những người dành thời gian nghiên cứu tác phẩm. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất để biết mình muốn làm gì.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Diễm Mi (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI