Những ngày tết cũ

29/01/2020 - 08:15

PNO - Ngày tết hồi đó, nhà tôi luôn có giò xào và chả lụa sắp hai bên song hành trong dĩa khi dọn ra cho khách nhấm nháp với củ kiệu.

Nếu có một định nghĩa về thời gian tôi thường nghĩ, khó ai có thể nói về nó một cách chính xác hơn ba tôi dù ông đã ra người thiên cổ lâu hơn quãng thời gian mà ông thường ngâm nga (mỗi khi buồn hay vui). Thời “oanh liệt” của ba có lẽ chỉ còn đọng lại trong mỗi câu hát mà buổi thiếu thời hầu như lúc nào nó cũng vẳng bên tai tôi, chẳng cần nhìn tôi cũng biết bàn tay ba đang nhịp theo câu hát ả đào: “Mười lăm năm thắm thoát có xa gì, ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu…”. Và, tôi có thể hình dung ra gương mặt ông không buồn cũng chẳng vui, mắt không nhìn xa xăm để nhớ về quá khứ mà là chấp nhận để đi. 

Là con độc nhứt một trong một gia đình tương đối khá giả. Dạng con cầu tự, mười ba tuổi những con phố nhỏ ở Thành Nam, cửa hàng bán gạo của bà tôi và công việc trông coi đồng áng của ông tôi đã làm cuồng chân cuồng cẳng ba tôi để rồi, đứa con trở thành nỗi ngóng chờ, thắc thỏm của mẹ cha. Hà Nội, Hải Phòng những thành phố ông đến để ăn học rồi rong chơi, tung hoành ngang dọc, đốt tiền ông bà. Nam Định chỉ còn là nơi ông trở về khi mệt mỏi hay rỗng túi và chưa kịp nằm ấm chỗ ông đã vội ra đi. Để rồi sau đó, ông đi mãi, vĩnh viễn rời bỏ vòng tay của mẹ cha, chôn giấu nhiều nỗi niềm, nuốt xuống nhiều cay cực, nghiệt ngã của cuộc đời để chỉ nhìn về phía trước.

Trên con đường dài “thiên lý” ba tôi rất thích kết bạn “anh, em” với nhiều người, nhất là những người cùng làng và đặc biệt người cùng họ. Những người bạn của ba tôi nhiều vô kể, mẹ tôi thường xuyên ca cẩm về việc ông luôn mời khách về nhà ăn cơm mà chẳng bao giờ báo trước. Đặc biệt, những người bạn của ba tôi có đủ thành phần từ giới trí thức cho đến người thợ, nông dân. Những người bạn đáng yêu của ba luôn để lại ấn tượng đậm nét trong ký ức chúng tôi mỗi khi nghĩ về quá khứ. Nhất là những ngày giáp tết nhà tôi rôm rả khi có sự hiện diện của các bác ấy mà ba tôi nhờ đến để gói giò xào. Cho đến giờ nhắc lại những khoanh giò xào ấy tôi vẫn thấy thèm chảy nước miếng. Chỉ là thịt đem xào và gói thành giò thế thôi, chẳng gia vị, nêm nếm cầu kỳ nhưng sao nó ngon lạ lùng. Ngon đến mức, sau này, anh em chúng tôi gọi luôn những người bạn của ba là “mấy bác giò xào”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lớn lên đi xa, trưởng thành, tôi mới biết giò xào là khúc biến tấu của giò thủ, hay rộng hơn là sự kết hợp của giò (lụa – cách gói) và giò (thủ - cách xào). Do giò thủ phải chọn lựa nguyên liệu kỹ càng và nhiều gia vị (mộc nhĩ, hành, tiêu…), lại thêm có người không ăn được thịt thủ hay còn gọi là thịt đầu heo (tai, mũi, lưỡi, má…), chế biến giò thủ phải thật kỹ (cạo rửa thịt thật sạch, bóp qua muối cho hết mùi hôi…) nên món giò xào được nhiều người ưa chuộng (bởi tính an toàn của thịt heo mà không phải là thịt đầu).

Trời còn mờ tối, mẹ tôi đã nhẹ nhàng trở dậy xách giỏ đi chợ. Lá chuối bà đã hơ và lau sạch từ tối hôm trước sắp lớp lang, gọn gàng trong cái nia. Mua bán xong mẹ tôi về nhà đã thấy mấy bác giò xào ngồi chờ quanh bếp. Ba tôi chẳng bao giờ đụng tay đến chuyện cái bếp, con dao. Ông có nhiệm vụ đi nhắn mấy bác giò xào đến nhà cho đúng ngày, rồi sau đó bỏ mặc mấy ông bạn tay thớt, tay dao, ông ra đứng trước nhà cho hai tay vào túi quần ngắm xe qua, người lại và… chờ tết. Thỉnh thoảng bắt được người bạn tri kỷ nào đi ngang, ông lại kéo vào nhà chỉ để khoe mấy bác giò xào đang sắp đặt, gói ghém… rồi hẹn ngày tết đến nhâm nhi (cái này ba tôi cũng thật đặc biệt, ông chẳng biết uống một hợp rượu, nhưng rất biết cách đãi đằng).

Giỏ thịt mẹ tôi mua về được mấy bác giò xào nhanh chóng thái miếng (không mỏng và cũng không quá dày). Phải là thịt đùi, có mỡ có nạc mới ngon. Người sắp lá chuối, người thái thịt, người bắc bếp. Phải thao tác nhanh mới có được cây giò ngon. Bỏ thịt vào chảo đang nóng (không cho mỡ), đảo nhanh, thịt săn lại, nêm xíu muối rồi đảo ít nữa cho thịt thật chín xong trút ra rổ có lót miếng lá chuối. Một bác nhanh tay lấy đũa gắp từng miếng thịt bỏ vào lá chuối đã chuẩn bị sẵn.

Cái khéo của người thợ là đây. Phải sắp làm sao để khi cắt khoanh giò ra, phần thịt thành vòng tròn màu sẫm, kế đến là phần mỡ màu trắng và cuối cùng là da, tất cả phải tròn đều như hình vành khăn. Cây giò gói xong được chuyển sang cho người đang ngồi chờ bó nẹp. Hai cái nẹp gỗ bó ép thật chặt vào cây giò xào. Vừa nẹp vừa lăn. Cuối cùng cây giò được dựng đứng trong thau cho mỡ từ từ rỉ ra. Ngày hôm sau, nước mỡ trong giò sẽ ra hết, miếng giò sẽ giòn khay kháy, ăn không bao giờ ngán!

Ngày tết hồi đó, nhà tôi luôn có giò xào và chả lụa (phải là chả lụa quê mẹ tôi khi ăn thơm mùi nước mắm) sắp hai bên song hành trong dĩa khi dọn ra cho khách nhấm nháp với củ kiệu. Như một ngẫu nhiên, hai món “tủ” của ba và mẹ (giống như kiểu rau muống và giá) đã làm nên hương vị những cái tết thật đầm ấm và đầy ắp tình thương yêu!

Giờ đây, trong đủ loại món ăn ngày tết, giò xào không còn là điều háo hức với chúng tôi như những ngày tết cũ, ở đó những cây giò xào không chỉ ngon bởi tay nghề người thợ mà còn là tình cảm quý mến bạn bè đồng hương của ba, tấm lòng người xa quê với nhau và còn bởi không khí gia đình ấm cúng...

Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI