Những điểm trừ du lịch Tây Bắc khiến du khách một đi không trở lại

17/11/2020 - 06:45

PNO - Những dịch vụ cơ bản như nhà vệ sinh, an toàn thực phẩm... cùng với nạn chèo kéo khách trở thành những hình ảnh thiếu thiện cảm với không ít du khách khi đến Tây Bắc.

Thiếu đủ thứ

Theo các DN lữ hành tại TPHCM đang khai thác các tour đi và đến các tỉnh Tây Bắc, một trong những vấn đề du khách than phiền nhiều nhất là điều kiện vệ sinh. Từ các điểm dừng chân, khách sạn 2-3 sao, điểm tham quan, homestay... rất nhiều khu vực vệ sinh không đảm bảo.

Bà Nguyễn Ngọc Trang, Phó giám đốc phụ trách lữ hành Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sẵn sàng trả tiền vé để đảm bảo công tác vệ sinh, cũng như các dịch vụ cơ bản như người thuyết trình. Tuy nhiên, một số điểm du lịch tại Tây Bắc hiện đã bỏ thu tiền vé và gần như chất lượng vệ sinh tại những điểm này bị bỏ mặc theo. 

Bên cạnh đó, nỗi lo về an toàn thực phẩm cũng luôn thường trực. Đến Tây Bắc, đa phần du khách sẽ lựa chọn các dịch vụ ăn uống, trải nghiệm ẩm thực địa phương nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn chung với các khu ăn uống cộng đồng.

Đền Hùng (Phú Thọ) một điểm du lịch thu hút khá nhiều khách du lịch tại tỉnh này. Ảnh: Quốc Thái
Đền Hùng một điểm du lịch thu hút khá nhiều khách du lịch tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Quốc Thái

Chuyện di chuyển và nạn chèo kéo khách tại nhiều điểm đến cũng gây ra khá nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, tại Sapa đang thực hiện cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm thị xã. Tuy nhiên, không ít xe lớn vẫn vô tư ra vào vì được các khách sạn tại Sapa "bảo kê". Các doanh nghiệp kiến nghị, nếu đã cấm phải cấm triệt để, đồng thời quy định các khách sạn phải có xe trung chuyển đưa đón khách.

"Cũng tại Sapa đoàn khách của tôi có 21 người, mà có đến 45 người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đeo bám từ lúc khách xuống xe cho đến khách lên xe rời đi... Đoàn phải cắt ngắn lịch trình vì du khách khó chịu”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành bức xúc.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, TGĐ Công ty Du lịch Saco nêu thực trạng du lịch Tây Bắc thiếu phòng khách sạn trầm trọng. Tại Hà Giang doanh nghiệp của ông có khi phải đặt phòng trước gần 1 tháng. Thêm vào đó, một số địa điểm đến rất được khách ưa thích nhưng địa phương lại không đầu tư hạ tầng cơ bản phục vụ du khách. Chẳng hạn, khách rất thích thăm quan ông Nho Quế nhưng gần như muốn tham quan họ buộc phải đi bộ từ Mã Pí Lèng, trong khi đường xuống rất nguy hiểm, những người đi bộ có thể trượt chân. Một quãng đường đàng hoàng theo ông Tấn có thể không mất quá nhiều chi phí đầu tư, nhưng lại thu hút thêm rất nhiều khách.

Hội nghị liên kết du lịch TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vừa diễn ra hai ngày 14-15/11 tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Quốc Thái
Hội nghị liên kết du lịch TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra cuối tuần qua tại Phú Thọ. Ảnh: Quốc Thái

Gợi ý từ các doanh nghiệp phía Nam

Ông Bùi Anh Tiến - Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Điện Biên cho rằng để giải quyết được bài toàn dịch vụ của các DN lữ hành dẫn khách đến Tây Bắc được đảm bảo các điều kiện tối thiểu thì các đơn vị vận hành tại chỗ như homestay, khách sạn, điểm dừng chân, các công ty du lịch địa phương cần được các công ty, DN lữ hành đảm bảo số lượng du khách nhất định để các đơn vị vận hành mạnh dạn đầu tư các công trình, vận hành sẽ đảm bảo được chất lượng dịch vụ.

Các điểm đến cần nâng cấp hơn về điều kiện vệ sinh, các dịch vụ cơ bản để phục vụ du khách. Ảnh: Quốc Thái
Các điểm đến cần nâng cấp hơn về điều kiện vệ sinh, các dịch vụ cơ bản để phục vụ du khách. Ảnh: Quốc Thái

Theo ông Tiến, rất cần tiến hành tổng hợp thông tin các doanh nghiệp lữ hành phía Nam đặc biệt tại TPHCM có kinh nghiệm tổ chức, nguồn vật lực mạnh, sau đó chuyển về các đơn vị tại địa phương như Hiệp hội du lịch, Sở văn hoá các tỉnh thành... giúp các doanh nghiệp địa phương dễ nắm bắt thông tin, thực hiện các chương trình liên kết.

"Để dịch vụ du lịch Tây Bắc tốt hơn, bền vững... các địa phương trong vùng đang rất cần nguồn nhân lực lao động được đầu tư bài bản", ông Tiến thừa nhận.

Đồng quan điểm, ông Cao Văn Tùng – Giám đốc Trung tâm Du lịch trong nước BenThanh Tourist cho rằng để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phía Nam cũng rất cần có các đầu mối thông tin từ các doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch các tỉnh thành Tây Bắc cung cấp thông tin về tour tuyến, các điểm đến mới, thời tiết… thường xuyên.

Bà Huỳnh Phan Phượng Hoàng, đại diện Vietravel cho rằng, Tây Bắc cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Dựa vào giá trị cảnh quan và văn hóa bản địa, mỗi tỉnh cần xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp để tăng tính hấp dẫn cho khách du lịch. Từ đó, các tỉnh cùng kết nối, xây dựng các tour du lịch đặc trưng của toàn vùng.

Bên cạnh đó, để sản phẩm liên kết có lợi thế cạnh tranh, các đối tác trong vùng cùng nhau cam kết giữ nguyên chất lượng dịch vụ và giảm giá thành xuống từ 30–50% đến giữa năm 2021.

“Để thu hút khách đến và kích cầu du lịch hiệu quả, nên chăng, chúng ta cũng cần áp dụng giải pháp chia sẻ lợi nhuận như một số quốc gia khác đang áp dụng. Theo đó, các địa phương và doanh nghiệp lữ hành cùng hợp tác, cam kết nếu đưa khách về tham quan, mua sắm sẽ được địa phương “hoàn trả” từ 30.000-50.000 đồng/khách; nếu khách lưu trú thì sẽ nhận được 100.000 đồng/phòng/đêm. Chương trình chỉ áp dụng cho tour trọn gói”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng đề xuất

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI