Những dấu ấn đậm nét của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

24/05/2025 - 08:22

PNO - Trọn đời hoạt động cách mạng, từ một kỹ sư địa chất cần mẫn đến vị trí nguyên thủ quốc gia, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Từ kỹ sư địa chất đến nhà quản lý kinh tế am hiểu thực tiễn

Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997). Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (15/10/1997). Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

Trong gần ba thập kỷ công tác tại ngành bản đồ địa chất (1959-1986), ông đã khảo sát khắp các vùng rừng núi, nghiên cứu địa chất, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ông là đồng tác giả công trình “Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000” (xuất bản năm 1981, hợp tác Việt Nam - Liên Xô), có ý nghĩa chiến lược trong quản lý tài nguyên. Ông cùng các đồng sự cũng thực hiện “Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000” (xuất bản năm 1988). Hai công trình này được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

Trên cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam, ông tổ chức triển khai toàn diện công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản trên cả nước, đồng thời củng cố hệ thống tổ chức ngành địa chất trong bối cảnh đất nước thống nhất, và hỗ trợ Lào, Campuchia xây dựng các liên đoàn địa chất.

Trong thời gian giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1987-1992) và Phó Thủ tướng Chính phủ (1992-1997), ông góp phần đổi mới tư duy quản lý kinh tế, giúp đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước ổn định và phát triển. Ông đặc biệt thúc đẩy quan hệ hợp tác với Liên bang Nga sau khi Liên Xô tan rã, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng; duy trì hoạt động Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Việt - Nga.

Ông cũng trực tiếp chỉ đạo và tham gia xây dựng nhiều đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư nước ngoài (1987), Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Đất đai (1993), Luật Dầu khí (1993)… cùng nhiều nghị định, quyết định chiến lược, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển kinh tế đa thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Một nguyên thủ quyết liệt cải cách, thúc đẩy hội nhập

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8/1998 đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8/1998 đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trên cương vị Chủ tịch nước (1997-2006), trong giai đoạn đất nước chuyển mình mạnh mẽ, ông Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp sâu sắc về đối nội và đối ngoại.

Về đối nội, dưới sự lãnh đạo của ông cùng tập thể lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các cải cách thể chế, cải cách bộ máy và thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đặt nền móng cho công cuộc hiện đại hóa, hội nhập. Ông đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền con người, yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy công bằng và minh bạch trong tư pháp.

Về đối ngoại, ông góp phần mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Các chuyến công du nước ngoài, gặp gỡ nguyên thủ các nước hay đón tiếp lãnh đạo quốc tế tại Việt Nam đều để lại dấu ấn về một nguyên thủ trí tuệ, bản lĩnh và hòa nhã.

Đặc biệt, chuyến thăm Liên bang Nga tháng 8/1998 của Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin lần đầu tuyên bố coi Việt Nam là đối tác chiến lược tại Đông Nam Á.

Ông luôn thể hiện lập trường kiên định trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, thúc đẩy ngoại giao hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Nhà lãnh đạo gần dân, tận tụy

Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói chuyện với đồng bào các dân tộc xã Phong Dụ, huyện miền núi Tiên Yên (Quảng Ninh), năm 1997. Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói chuyện với đồng bào các dân tộc xã Phong Dụ, huyện miền núi Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, năm 1997. Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhận định: “Giai đoạn ông Trần Đức Lương làm Phó Thủ tướng, đất nước rất khó khăn. Ông đã rất cố gắng, nỗ lực cùng Chính phủ, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài để đưa đất nước vượt qua giai đoạn ấy, ổn định chính trị, kinh tế dần phát triển, vị thế quốc gia đi lên”.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là nhà lãnh đạo am hiểu thực tiễn, luôn thẳng thắn, dám nói, dám làm và không ngại phê bình sai sót. Ông sống chân thành, gần gũi, tận tình chỉ bảo cấp dưới, được những người từng cộng tác kính trọng và quý mến.

TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đánh giá: thời kỳ 1997-2006 là giai đoạn “sôi động” của cải cách hành chính. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần định hướng và thúc đẩy tiến trình này. “Từ ông, nền hành chính bắt đầu chuyển từ quản lý sang phục vụ, đặt nền móng cho cải cách thể chế theo hướng chủ động, minh bạch, giảm cơ chế xin – cho, phát huy nguồn lực xã hội”, ông Phúc nói.

Về đối ngoại, ông để lại dấu ấn với nhiều sự kiện lớn như Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 (1997), Hội nghị ASEM 5 (2004)… Những hoạt động này đã nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế đầu thế kỷ XXI.

Trong hai nhiệm kỳ trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có những đóng góp quan trọng vào các thành tựu phát triển nổi bật của đất nước. Đó là những dấu ấn bền vững, góp phần vào tiến trình đổi mới và phát triển toàn diện của Việt Nam.

Do có những công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Tiểu sử nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương:

Tiểu sử, thông tin, quá trình công tác của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Đồ họa: Uông Ngọc
Tiểu sử, thông tin, quá trình công tác của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Đồ họa: Uông Ngọc

P.V (t/h)

 
TIN MỚI