Những câu chuyện mang hồn châu thổ

16/05/2021 - 06:46

PNO - Dương Út vốn là nhà báo, đôi chân anh ruổi rong khắp nẻo châu thổ sông Cửu Long. Mỗi chuyến đi, mỗi nhân vật hay đề tài của anh đều gắn với con người và mảnh đất này. Trong từng con chữ mà anh góp nhặt luôn ẩn hiện sự hào sảng, chân chất, đậm đà mùi vị phù sa sóng nước Nam bộ.

Với nghề báo, từ năm 2013 đến nay, Dương Út đã sở hữu khá nhiều giải thưởng (1 giải A báo chí toàn quốc; 2 giải B, 2 giải C, 1 giải khuyến khích của tỉnh Đồng Tháp; 1 giải C báo chí An toàn giao thông…). Tuy nhiên, mãi đến nay, Dương Út chỉ mới phát hành hai tập sách. Cuốn đầu tiên là Nhặt từng con chữ do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2019 và tập phóng sự Miền Tây dung dị do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành năm 2020. 

27 bài phóng sự hầu hết viết về miền Tây, con người, văn hóa, cảnh vật… khiến bạn đọc thêm thương nhớ miệt đồng bưng nổi tiếng chín cửa sông. Tập phóng sự bao gồm hai phần. Phần 1 gói gọn trong chủ đề “Ánh sáng giữa đời thường” với 12 bài viết về những con người mà cuộc đời gắn trọn hai chữ “thiện lành”. Đó có thể là bà giáo già về hưu mang cái tên như bao nhiều người miền Tây lấy thứ mà gọi cho thuận miệng: bà Tám. Bà Tám nổi danh xứ Long Hậu, Lai Vung bởi luôn có mặt ở bất cứ nơi đâu để “hòa giải”.

Từ chuyện tranh chấp đất đai giữa xóm giềng, vợ chồng lục đục, đến chuyện lặn lội đi thảo đơn cho các hộ nghèo vay vốn… bà cũng ôm vào mình. 81 tuổi đời, ngồi ngó lại những việc đã làm, bà vẫn cho rằng đó chỉ là những điều nhỏ nhặt để giữ sự thuận hòa cho xóm làng. Chẳng nề hà công sức, hằng ngày bà vẫn cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ đi gieo những điều nghĩa nhân. Câu chuyện bà Tám cũng như câu chuyện của rất nhiều người miền Tây lấy xóm làng làm gốc, lấy điều nghĩa nhân làm kim chỉ nam mà sống, mà gắn kết trọn vẹn với phù sa châu thổ miệt bưng biền. 

Hay như anh Trần Duy Đôn, anh Trần Thanh Hiền - các nhân vật trong phần 2 “Gửi tình vào đất” của tập phóng sự - rời thành phố với nhiều lời mời chào hấp dẫn để về Hồng Ngự miệt giáp ranh biên giới sản xuất nông nghiệp sạch, cùng niềm mong mỏi góp chút sức lực cho quê nhà. Còn nhiều lắm những con người miền Tây lam lũ bốn mùa mà vẫn bám vào sông nước và các nghề truyền thống như trồng cam, trồng lúa, làm nông sản sạch, làm nước mắm… để từng ngày đem nông sản miền Tây hòa nhập vào thị trường lớn. Có người từ anh nông dân bán mãng cầu xiêm ở lề đường nay vươn mình thành giám đốc xuất khẩu ra thị trường thế giới. Miền Tây phù sa sóng nước cứ vậy mà dung dị ôm lấy những đứa con của mình. Dẫu lở hay bồi, họ cũng cố gắng vươn mình cùng nhịp phát triển của châu thổ sông Cửu Long. 

Dương Út khéo léo đem đến cho bạn đọc một miền Tây thật gần gũi, chất phác và hồn hậu. Tập phóng sự toát lên sự dung dị đúng nghĩa của dân miệt thứ đồng bưng. Các nhân vật của Dương Út rất đặc biệt trong tâm thế bình thường. 

Dương Út tốt nghiệp thạc sĩ ngôn ngữ học, chọn nghề báo để dấn bước trên con đường hiện thực hóa lý tưởng. Mỗi câu chuyện Dương Út kể trong Miền Tây dung dị là một lát cắt chân thật để bạn đọc thêm thương quý mảnh đất ấy. Để rồi giữa những mỏi mệt của cuộc đời thì tìm về miền Tây, nghe giọng nói hồn nhiên, nghe điệu cười vô tư, nghe người miền Tây dạ thưa ngọt ngào, nghe cái dung dị thảnh thơi đó lan tỏa trên bạt ngàn dừa xanh, sóng lúa, phù sa… Nghe rồi để thấy lòng nhẹ tênh tựa sắc nước mây trời châu thổ sông Cửu Long.

Trúc Thiên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI