Nhớ những ngày rủ nhau đụng lợn ăn tết

20/01/2023 - 06:08

PNO - Năm nào cũng thế, cứ khoảng 27, 28 tết là mấy anh em trong thôn lại rủ nhau làm thịt lợn đụng. Thịt ấy chia ra, nhà nào cũng có phần.

Văn hóa đụng thịt lợn đã có từ lâu, nhất là ở các gia đình miền Bắc. Sau này, trong Nam cũng có nhiều nhà đụng thịt. Nếu tết thường gợi nhớ về bánh chưng, bánh tét, hoa mai hoa đào, mứt ngọt, củ kiệu, dưa hành thì với gia đình tôi, cứ đụng thịt mới là tết.

Nhà nào nuôi lợn, thường sẽ để dành một con ngon, tầm 70 – 90kg, nuôi từ khoảng đầu năm. Rồi đến sát tết, theo tục ăn đụng, mỗi nhà cử vài người đến mổ lợn, cứ tính theo nhà mà chia ra. Phần thịt lợn có thể dành làm đủ món suốt mùa tết như ba chỉ gói bánh chưng, thịt xay giò chả, tai má cuốn giò thủ, phần sườn nấu canh, làm thịt nướng…

Đụng thịt khiến tết thêm vui, không khí khi ấy rộn ràng lắm. Mỗi người một chân một tay, thoăn thoắt làm từ sáng sớm. Cánh đàn ông khỏe thì chặt thịt, chia phần. Phụ nữ ngồi làm sạch thịt, khéo tay thì làm giò lụa, chả lụa, làm nem chua. Một con lợn chia ra rất nhiều phần, những phần tí tí như mỡ, da cũng được tận dụng, chế biến sơ. Chỗ mỡ ấy chiên cho tươm trong, mẹ để dành vào hũ, qua tết là có hũ mỡ lợn kho cá rất ngon. Rồi da đem cho đám trẻ chiên phồng, ăn vui miệng.

Thịt được chia đều cho mỗi nhà để làm nhiều món khác nhau (Ảnh minh họa)

Thịt được chia đều cho mỗi nhà để làm nhiều món khác nhau (Ảnh minh họa)

Thịt đụng không chỉ là cùng nhau ăn vui, tạo không khí tết mà chỉ những thôn làng, anh em đoàn kết mới có hoạt động này. Sau buổi đụng thịt, mỗi nhà lại về sắp xếp phần thịt của mình, rôm rả kể chuyện. Mấy câu chuyện đó cũng xoay quanh giống nhau, nào là con lợn hôm nay nạc hay mỡ, áng chừng bao nhiêu cân, chỗ lòng non hôm nay luộc vừa tới, phần dồi làm nhân ngon hơn năm ngoái, chú A, cô B hôm nay xí phần đùi trước, đem về cho con gái mới sinh em bé hầm đu đủ ăn…

Tình làng nghĩa xóm, tình anh em thể hiện rất nhiều qua mỗi lần đụng thịt như thế. Cả năm làm việc vất vả, nên ở mấy ngày sát tết này, mọi người thương mến nhau nhiều hơn. Ai có rượu ngon đem đến, cánh đàn ông ngồi thưởng thức mấy món lòng dồi sau buổi đụng. Cánh phụ nữ và con nít thì rôm rả vừa ăn vừa khen thịt sườn nướng mật ong, từng miếng vàng ươm, thơm lừng. Sau buổi ăn ấy, ai còn đói thì sẵn có chén cháo lòng húp cho đỡ xót dạ.  

Cứ thế dù nhà ai chia phần nhà nấy, người ta vẫn có buổi ăn chung. Câu chuyện nối dài thêm, rồi dự tính năm sau đụng heo nhà nào cho thơm ngon chắc thịt, dự tính luôn cả chuyện mỗi nhà có mấy cân giò, mấy ký thịt, đã chia đều chưa. Nhà nào có người già, em bé thì phần thêm một ít chỗ thịt mềm, hoặc gửi kèm tim về nấu cháo, óc về gói lá mướp non mà chưng…

Năm nào sát tết, tôi cũng gọi điện về hỏi mẹ đã làm thịt đụng chưa? Năm nay đụng ở nhà nào… để còn canh ngày về cho vui. Đối với người lớn, đụng thịt trước tết là một văn hóa không thể thiếu thì với người trẻ xa quê như chúng tôi, đụng thịt cũng gợi nhớ những ngày ấu thơ gian khó, thiếu thịt nên mỗi nhà hùn hạp nhau chia chung mà ăn tết, là thuở còn vất vả ăn chén cháo lòng cũng thấy ngon.

Thịt ba chỉ đem gói bánh chưng cho những ngày sát tết (Ảnh minh họa)

Thịt ba chỉ đem gói bánh chưng cho những ngày sát tết (Ảnh minh họa)

Có lẽ vì thế nên bây giờ đủ đầy hơn thì chúng tôi vẫn nhớ những ngày đụng thịt, dẫu cho việc mua thịt ở ngoài dễ dàng hơn rất nhiều, tiện lợi hơn rất nhiều. Chỉ cần vào siêu thị dạo một vòng là có thể mua đủ các phần thịt theo ý thích, thế nhưng so làm sao được với cảm giác chạy lăng xăng, phụ người này, giúp người kia, vui vẻ xách phần thịt của mình về, cùng nhau ăn uống.

Năm nay tết nhanh quá, nhưng tôi đoán là trên khắp dải đất hình chữ S, vẫn có nhiều nhà đụng thịt. Tôi dễ dàng hình dung ra khung cảnh gọi nhau í ới, phụ nữ ngồi nhặt rau, chia thịt, đám trẻ lăng xăng thèm thuồng nhìn mấy anh lớn xiên thịt vào nướng…

Tết này, tôi lại về quê đụng thịt và sẽ ăn một bữa thật ngon cùng những người mình rất thương mến.

H.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI