Sở cũng giao nhiệm vụ cho Phòng Học sinh, sinh viên tham mưu kế hoạch tổ chức các hoạt động trong giờ ra chơi nhằm tạo điều kiện để học sinh gắn kết với nhau, rèn luyện thể dục thể thao. Các hoạt động này dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong năm học 2025-2026.
Học sinh sẽ dần quen
Chị Ngọc Linh - phụ huynh học sinh lớp Tám tại phường Cầu Kiệu - cho biết, chị rất ủng hộ đề xuất này vì con gái chị gần như không thể sống thiếu điện thoại di động (ĐTDĐ). Chị kể: “Khoảng 1 năm trước, tôi từng cấm con mang điện thoại lên trường. Nhưng một thời gian thì con giận dỗi, đòi phải cho mang vì các bạn đều có. Kết quả là con cứ lo chơi điện thoại, không có bạn bè. Về nhà cất tập sách lại ôm máy tính. Nhắc nhở thì con nổi nóng, tôi cũng không biết làm sao”.
 |
Học sinh Trường THPT Trường Chinh (phường Đông Hưng Thuận) chơi thể thao trong giờ ra chơi |
Em Huyền My - học sinh một trường THPT tại phường Tăng Nhơn Phú - cũng cho biết: “Tự bản thân em cũng thấy mình hơi mất kiểm soát khi sử dụng ĐTDĐ. Cứ nghĩ là chỉ dùng để giải lao một chút nhưng khi nhìn lại thì đã dùng rất lâu. Em rất sẵn sàng nếu trường cấm sử dụng điện thoại, để em có thêm thời gian nói chuyện với bạn bè, hoặc cùng nhau giải bài tập thay vì chỉ dán mắt vào màn hình. Cấp III cũng là giai đoạn học tập quan trọng nên em nghĩ quy định này là cần thiết”.
Còn em H.T.K. - học sinh một trường THCS tại phường Đức Nhuận - giải thích: “Em nghĩ cấm trong giờ học thì được, còn giờ ra chơi thì em muốn được giải trí theo sở thích của mình. Nếu em cần tìm hiểu bài vở, tra cứu thông tin mà không có điện thoại thì phải làm sao?”.
Từ trước đến nay, ngành giáo dục TPHCM chưa có quy định cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ, nhất là trong giờ ra chơi. Việc cấm hay không do các trường chủ động thống nhất trong nội bộ và thông báo với phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, thực tế nhiều trường đã cấm học sinh dùng điện thoại trong khuôn viên trường từ nhiều năm nay như: THPT Trường Chinh (phường Đông Hưng Thuận), THPT Thạnh Lộc (phường An Phú Đông), Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM, THPT Nguyễn Thượng Hiền (phường Tân Sơn Nhất), THCS Lê Văn Tám (phường Bình Thạnh)…
Ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc - chia sẻ, ban đầu khi trường thông báo, nhiều học sinh thất vọng, phản đối nhưng rồi các em cũng quen.
Giờ chơi vui hơn
Ủng hộ đề xuất trên, bà Lê Thị Thoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Kiều (phường Đông Hưng Thuận) - giải thích: học sinh mang theo điện thoại rất dễ dẫn đến tình trạng so sánh lẫn nhau hoặc mất tập trung trong giờ học. Nhưng vì trước đây chưa có quy định nên trường không thể cấm, chỉ khuyến khích phụ huynh không cho con sử dụng.
“Ở bậc tiểu học, học sinh đến trường là có giáo viên đón, khi tan học phải có cha mẹ đến mới được ra khỏi cổng. Nếu quá giờ mà chưa có người đón, bảo mẫu sẽ chủ động gọi điện cho phụ huynh nên học sinh không cần có điện thoại” - bà nói.
Tại trường này, trong giờ chơi, học sinh có rất nhiều không gian để thư giãn như: khu trò chơi dân gian, khu vui chơi trẻ em, góc đọc sách ngoài trời, góc trải nghiệm STEM, khu vườn tuổi thơ để các em có thể tự chăm sóc cây cối…
Bà Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (phường Tân Định) - cho rằng khi có quy định trong toàn ngành, các trường sẽ mạnh dạn thực hiện hơn. Trước đây, khi làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (phường Bến Thành), bà đã áp dụng quy định này gần 5 năm. Mỗi lớp sẽ có 1 tủ riêng để học sinh gửi điện thoại nếu có mang theo, đến cuối giờ thì nhận lại. Trường cũng có điện thoại công cộng, học sinh dùng hoàn toàn miễn phí. Trường THCS Trần Văn Ơn cũng đã không cho phép học sinh dùng điện thoại trong trường từ nhiều năm qua.
Ông Lương Văn Định chia sẻ thêm, cùng với quy định cấm sử dụng ĐTDĐ, nhà trường phải tạo thêm điều kiện để các em vui chơi như: mở cửa thư viện, tăng cường sách báo, tạo sân chơi vận động thu hút học sinh… Đặc biệt, trường đã bố trí 10 máy tính nối mạng ở phòng thư viện, học sinh thoải mái tra cứu thông tin khi cần.
“Giờ ra chơi bây giờ rất sinh động, sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn… lúc nào cũng đông học sinh. Không những vậy, học sinh còn tự sáng tạo ra các trò chơi tập thể. Các em chủ động giao tiếp, vận động nên sức khỏe tốt hơn. Đồng thời giảm hẳn tình trạng nói xấu, tạo bè kết phái trên mạng. Nhiều vụ đánh nhau ngoài đời chính là xuất phát từ đây” - ông nói.
Cũng theo ông, đây là chuyện mà cả hệ thống phải làm chứ không chỉ ban giám hiệu hay giáo viên chủ nhiệm. Thầy cô bộ môn, quản sinh, nhân viên tạp vụ nếu thấy học sinh dùng lén ĐTDĐ đều phải nhắc nhở. Ngoài ra, nhà trường phải thông báo và thống nhất với phụ huynh ngay từ đầu năm để có sự đồng hành.
Thực hiện từng bước để học sinh không bị “sốc” Giai đoạn thiếu niên (từ 12-18 tuổi) là giai đoạn “não 2 hệ”: hệ khen thưởng phát triển nhanh trong khi hệ điều hành chịu trách nhiệm tự chủ, kiềm chế còn non nớt. Việc liên tục tiếp xúc với điện thoại, mạng xã hội kích hoạt hệ khen thưởng, khiến não bộ dễ nghiện và khó tập trung vào nhiệm vụ dài hơi. Chưa kể, những lượt thích trên mạng xã hội hoặc cảm giác hơn thua ở các trò chơi điện tử cũng tác động mạnh, tạo ra cơ chế “thèm” và hành vi lặp lại để tìm kiếm cảm giác hưng phấn. Như vậy, có cơ sở cho việc tạm thời cách ly trẻ khỏi điện thoại thông minh, giúp não bộ cân bằng các kích thích. Tuy nhiên, việc siết quy định đột ngột, nhất là sau giai đoạn nghỉ hè có thể gây ra cảm xúc tiêu cực, thậm chí chống đối hoặc gây hấn. Do đó, cấp quản lý có thể giao chỉ tiêu chung và các trường sẽ xây dựng quy tắc phù hợp với tình hình cụ thể. Đồng thời cho phép học sinh tham gia vào quá trình này, như khảo sát các em về số ngày, số giờ nên cấm... để giảm cảm giác ép buộc. Nếu có thể, phân phối theo từng giai đoạn, ví dụ: trong 1 tháng đầu sẽ cấm 50% thời gian trong tuần, 1 tháng sau tăng lên 70 - 80%, sau đó là cấm 100% tổng thời gian đi học. Ngoài ra, nhà trường cần giáo dục học sinh về kỹ năng sử dụng điện thoại, quản lý thời gian, hành vi số lành mạnh… chứ không đơn thuần là “cấm”. Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An - Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Ứng dụng tâm lý JobWay |
Trang Thư