Nhạc Trịnh trong “thời chuyển giao”

23/04/2022 - 12:49

PNO - Trong những đêm nhạc Trịnh gần đây, ngoài một số giọng ca quen thuộc, từng định danh với các sáng tác của Trịnh Công Sơn, nhiều gương mặt trẻ đã xuất hiện. Họ mang đến tinh thần mới mẻ, mở ra “thời chuyển giao” giữa các thế hệ yêu nhạc Trịnh.

Tinh thần mới, trải nghiệm mới

Trong chương trình Đêm nhạc Trịnh - Nối vòng tay lớn diễn ra vào ngày 24/4 sắp tới tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngoài những giọng ca quen thuộc như ca sĩ Cẩm Vân, Hồ Trung Dũng, Lê Hiếu… sự xuất hiện của giọng ca trẻ Juky San (tên thật Trần Dung, sinh năm 1998) được chú ý. Juky San thuộc lứa ca sĩ gen Z, thường thể hiện những nhạc phẩm pop ballad trẻ trung. Trải nghiệm của nữ ca sĩ với nhạc Trịnh chưa nhiều, cũng chưa từng thể hiện nhạc Trịnh trên các sân khấu trước đây, nên sự góp mặt của Juky San trong đêm nhạc khiến khán giả tò mò.

Không chỉ Juky San, thời gian qua, nhiều giọng ca trẻ khác cũng “đá chéo sân” khi xuất hiện tại các đêm nhạc Trịnh như Avin Lu (Lương Anh Vũ), Thịnh Suy (Đỗ Quốc Thịnh), Samuel An… Họ hát nhạc Trịnh với một tinh thần mới, cách xử lý ca khúc cũng khác với nhạc Trịnh mà khán giả các thế hệ đã nghe. Khi hát nhạc Trịnh, đa phần những người trẻ đều lo lắng, vì cho rằng trải nghiệm về cuộc đời và âm nhạc của họ chưa đủ sâu để thể hiện trọn vẹn.

Avin Lu tại đêm nhạc 21 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Avin Lu tại đêm nhạc 21 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Trên sân khấu chuỗi đêm nhạc Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ tại TP.HCM, Thịnh Suy có phần thể hiện rất tốt trong những giai điệu đầu tiên. Nhưng về sau, vì áp lực tâm lý, nam ca sĩ bị quên lời. Thịnh Suy xin lỗi khán giả và cảm thấy nuối tiếc về phần trình diễn của mình. Avin Lu cũng xuất hiện trong đêm nhạc đó, và có đôi chỗ giọng ca trẻ này cũng mắc lỗi quên lời giống bạn. Avin Lu nói anh bị áp lực trước đêm nhạc, nhưng được nhạc sĩ Đức Trí - Giám đốc chương trình - cho biết các sáng tác Avin Lu thể hiện được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào những năm ông ngoài 20 tuổi với những rung động, lối suy nghĩ của một người trẻ. Vì thế, đừng ngần ngại hát theo cảm nhận riêng.

Tại chương trình âm nhạc 21 năm nhớ Trịnh Công Sơn tổ chức vào dịp đầu tháng Tư vừa qua, ngoài ca sĩ Hiền Thục và ca sĩ Tấn Sơn, những giọng ca còn lại đều rất trẻ. Sự xuất hiện của họ cũng đúng theo tinh thần nhạc Trịnh “thời chuyển giao” mà phía gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mong muốn. Ông Nguyễn Trung Trực - đại diện gia đình nhạc sĩ - cho biết: “Tôi với Trinh (bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ - PV) và gia đình nói với nhau rằng đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị chuyển giao cho một thế hệ mới - thế hệ trẻ với phong cách mới, ví như rap của Hà Lê và một số phong cách khác nữa. Chúng tôi ủng hộ người trẻ thể hiện nhạc Trịnh theo phong cách tiệm cận với những xu hướng âm nhạc đương thời”.

“Thời chuyển giao” trong ý chia sẻ của ông Nguyễn Trung Trực là mới cả về hình thức âm nhạc và mới trong độ tuổi người thể hiện. Nhiều năm qua, có nhiều nghệ sĩ làm mới nhạc Trịnh, nhưng từ phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hà Lê với dự án Trịnh Contemporary để lại dấu ấn đặc biệt và thành công nhất. Thời điểm đó, Hà Lê kết hợp nhạc Trịnh với rap và vũ đạo, luyến láy theo lối R&B, biến Biển nhớ, Diễm xưa, Nhớ mùa thu Hà Nội… trở thành những phiên bản khác lạ.

Thịnh Suy- Con mắt còn lại 

 

 

Mọi sáng tạo đi từ chữ "hiểu"

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng từ lâu, nhiều khán giả mặc định âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho người nghe ở tuổi trung niên trở lên, với đủ trải nghiệm cuộc đời. Nhận định đó có thể xuất phát từ việc các ca sĩ thể hiện nhạc Trịnh đều là những giọng ca có tên tuổi, hoặc nơi mà nhạc Trịnh vang lên không có nhiều người trẻ xuất hiện. 

Với nhạc sĩ Đức Trí, nhận định này khiến nhiều giọng ca trẻ gặp áp lực khi thể hiện nhạc Trịnh nhưng cách nghĩ đó không đúng, vô tình tạo ra rào cản: “Tôi hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều muốn âm nhạc của mình được người trẻ thể hiện, vì giọng ca mới mang đến tinh thần mới, giúp ca khúc trẻ trung hơn. Dù vẫn có một bộ phận khán giả yêu mến tinh thần nhạc Trịnh bấy lâu, khó chấp nhận cái mới, nhưng tôi vẫn ủng hộ giọng ca trẻ hát nhạc Trịnh, vì âm nhạc phải có sự nối tiếp, phù hợp với xu hướng hiện tại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều vào những năm ông ngoài 20, 30 tuổi, với tình yêu, cách nghĩ, lý tưởng của một người trẻ, nên không có lý do để mặc định nhạc Trịnh dành cho khán giả lớn tuổi”.
 

MV Biển Nhớ:

 


 

Nhạc sĩ Đức Trí là Giám đốc âm nhạc của Em và Trịnh - Chuyện những nàng thơ diễn ra vào Đêm nhạc Trịnh - Nối vòng tay lớn sắp tới. Anh cho rằng điều ca sĩ trẻ lo lắng nhất khi hát nhạc Trịnh là lời nhạc, vì có nhiều câu chữ đặc biệt, không lặp lại nhau. Anh vẫn khuyên người trẻ nếu cảm thấy chưa thể thuộc nhuần nhuyễn, có thể xem lời và hát để tự tin hơn, không cần phải quá ngại ngùng.

“Khán giả sẽ dễ chấp nhận khi thấy ca sĩ nhìn lời để hát trọn vẹn nhạc Trịnh, hơn là việc bạn lên sân khấu với nhiều nỗi lo và quên lời. Mỗi chữ trong lời nhạc đều được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cân nhắc, mang ý nghĩa riêng, nên sai lời là điều khó chấp nhận, đặc biệt với những khán giả yêu mến nhạc Trịnh từ lâu”, ông Nguyễn Trung Trực đồng tình với nhạc sĩ Đức Trí.

Nhạc Trịnh ở thời chuyển giao đang xuất hiện nhiều ứng viên tiềm năng. Họ trẻ về tuổi đời, nhưng tử tế và tôn trọng đúng mực những giá trị cốt lõi của nhạc Trịnh. Thường ngày, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn hay tiếp những người trẻ đến để bày tỏ nguyện vọng được sáng tạo nhạc Trịnh. Gia đình cố nhạc sĩ luôn ủng hộ, cởi mở và hỗ trợ họ. Tuy nhiên, có một lưu ý mà ông Nguyễn Trung Trực cũng như gia đình gửi gắm, là mọi sự sáng tạo phải dựa trên nền tảng hiểu và yêu: “Người trẻ hát nhạc Trịnh hay chọn làm mới nhạc Trịnh bằng nhiều cách khác nhau, nên hiểu nhân cách, cách sống, cách nhìn cuộc đời bằng ánh mắt bao dung, rộng lượng và triết lý sống tóm tắt trong hai chữ “thôi kệ” của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi luôn động viên, cổ vũ người trẻ như một phần của tinh thần chuyển giao thế hệ, còn lại là cách các bạn trẻ sáng tạo, thể hiện sự hiểu và yêu mến nhạc Trịnh như thế nào. Chúng tôi hoàn toàn không đưa ra khuôn khổ, hay chủ đích giới hạn sự sáng tạo”.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI