Nguồn vốn nhỏ, thay đổi lớn

04/06/2017 - 20:27

PNO - Ngày 26/5, Hội LHPN Q.5 (TP.HCM) tổ chức tổng kết 5 năm (2012-2016) công tác vận động, quản lý các loại quỹ tiết kiệm.

Nguon von nho, thay doi lon
Với nguồn vốn hỗ trợ của Hội PN, chị Võ Thị Tùng (bìa trái) đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh mặt hàng trái cây nhập khẩu, mang lại nguồn thu nhập ổn định

Nhận thấy nhiều hộ trong khu phố còn khó khăn về kinh tế, không có tiền để đóng học phí cho con, viện phí cho mình, bà Võ Thị Bình Dân - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ (PN) khu phố 2, P.12 - đã gom góp toàn bộ số tiền khen thưởng, tiền phụ cấp công tác cùng nguồn hỗ trợ của con cháu, học trò cũ, bạn bè… để tạo thành nguồn quỹ tiết kiệm.

Trong 5 năm qua, nguồn vốn ban đầu 8 triệu đồng nay đã tăng lên 30 triệu đồng. Bà đã dùng vốn này hỗ trợ một thanh niên sau cai nghiện năm lượt vay vốn (mỗi lượt 20 triệu đồng), hỗ trợ một số trang thiết bị y tế cần thiết cho một sinh viên y khoa nghèo, lo học phí cho tám học sinh và trợ cấp gạo, tiền cho hai phụ nữ đau yếu. Nhờ sự trợ giúp của bà, đã có ba người trở thành cử nhân, bác sĩ, có công việc ổn định, một người sau cai nghiện tự tạo việc làm nuôi bản thân.

Là phụ nữ đơn thân, một mình nuôi hai con đang độ tuổi đến trường, chị Võ Thị Tùng (ngụ ở đường Nguyễn Trãi, P.2) chật vật kiếm sống với tiệm bán hàng gia dụng. Được sự giới thiệu của Hội PN phường, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm của Hội để chuyển sang kinh doanh trái cây tươi ngoại nhập từ các cơ sở có thương hiệu uy tín. Thấy khả quan, chị kinh doanh thêm các mặt hàng khác như bánh kẹo, nước giải khát và bỏ mối ra nhiều tỉnh thành. Hiện nay, cơ sở của chị ăn nên làm ra, giúp chị có tiền lo cho con gái du học tại Mỹ.

Từ gian khó đi lên với nguồn vốn hỗ trợ của Hội, chị đã bỏ ra tiền ban đầu và vận động một số nhà hảo tâm trong khu phố đóng góp để lập quỹ với tổng tiền hơn 27 triệu đồng. Số tiền này đã giúp 20 lượt chị em có nguồn vốn vay không lãi suất (2-3 triệu đồng/lượt) để buôn bán nhỏ, có “đồng vô đồng ra”, ổn định cuộc sống. “Những gì tôi có được hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân, còn nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, nên tôi muốn góp một chút tấm lòng để chia sẻ trách nhiệm với xã hội” - chị Tùng tâm sự.

Là hội viên PN thuộc diện hộ nghèo, với số tiền 3 triệu đồng vay từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm của Hội, chị Nguyễn Thị Hà (ngụ tại đường Tân Thành, P.12) mở một quán cơm nhỏ. Mỗi tuần, chị tích cóp 450.000đ để trả góp khoản vay, sau gần ba tháng thì trả đủ. Việc buôn bán dần khá lên, nguồn thu nhập ổn định đã giúp gia đình chị thoát nghèo. Hiện nay, ngoài bán quán cơm, chị còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào Hội, đặc biệt là góp chút phần của mình để chăm lo bữa cơm cho người già cả, neo đơn tại địa phương.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ “Hỗ trợ PN phát triển kinh tế”, Hội LHPN Q.5 đã thực hiện đợt thi đua thực hành tiết kiệm với chủ đề “Làm theo gương Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, qua đó tuyên truyền cho chị em thấy được lợi ích của việc tiết kiệm và có ý thức trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Nhiều loại hình tiết kiệm ra đời như tiết kiệm tự nguyện, nuôi “heo đất tình thương”, quỹ tương trợ… với mức tiết kiệm đa dạng, đã thu hút 100% chi hội với 25.975 hội viên tham gia. Nguồn vốn từ các mô hình tiết kiệm ngoài được dùng phát vay cho chị em nghèo làm kinh tế, còn được dùng xây nhà tình thương, chống dột, hỗ trợ PN chữa bệnh hiểm nghèo, mua thẻ bảo hiểm y tế tặng người nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh.

Nói về hiệu quả thực hiện và quản lý các loại quỹ tiết kiệm của hội viên PN trên địa bàn trong 5 năm qua, bà Trần Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội LHPN Q.5 - nhận xét: “Mô hình quỹ tiết kiệm tại chi hội với nguồn vốn không lớn vì chủ yếu từ nguồn tích lũy của hội viên, nhưng lại là nguồn vốn kịp thời, không chỉ giúp chị em thoát nghèo mà còn đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp”. 

THU LÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI