Người Việt tàn phá sức khỏe ngày tết: Trẻ ăn kẹo thay cơm!

17/02/2018 - 06:00

PNO - Cả một năm chăm bẵm con nhỏ bỗng tiêu tan vì nhiều gia đình cho bé “ăn kẹo thay cơm” trong những ngày tết.

Sáng bánh, trưa kẹo, cả ngày… nước ngọt!

Chuẩn bị tới tết, trong khi con trẻ háo hức thì chị Nguyễn Thanh Phương (Ba Đình, Hà Nội) lại không giấu tâm trạng lo lắng. “Mùng 3 Tết năm ngoái, con gái 4 tuổi bỗng dưng kêu đau bụng liên tụng và bụng chướng lên. Suốt 1 ngày, cháu không ăn uống được gì, cứ nạp vào là lại nôn ra khiến cả nhà tưởng cháu bị ngộ độc nên phải đưa đi cấp cứu”, chị Phương kể lại.

Nguoi Viet tan pha suc khoe ngay tet: Tre an keo thay com!
 

Kết quả sau khi khám, các bác sĩ kết luận, con gái của chị bị rối loạn tiêu hóa dẫn tới đầy hơi, đau bụng. Nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc thay đổi chế độ ăn uống của trẻ. Lúc này, chị Phương mới nhận ra, đây chính là hậu quả của việc sáng ăn bánh, trưa ăn kẹo và cả ngày uống nước ngọt của cô con gái nhỏ.

“Bình thường gia đình tôi rất hạn chế cháu ăn bánh kẹo vì biết không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên ngày lễ tết bánh kẹo bày ra trước bàn, đi tới nhà ai cũng được dúi cho một vài nắm vào túi nên không thể nào ngăn cấm”, chị Phương thở dài.

Cũng giống như chị Phương, chị Thanh Nhàn (Hà Đông, Hà Nội) than thở, mỗi dịp tết đến là trẻ con trong nhà lại “ăn kẹo thay cơm”. Trong khi đó, giờ ăn cơm cũng bị “di lệch”, không thành bữa khiến trẻ ăn uống càng thất thường. Đây là lý do mà cứ sau mỗi dịp Tết, chị lại khổ sở để “huấn luyện” cho con trở lại nếp sinh hoạt cũ bởi hầu hết trẻ đều biếng ăn và liên mồm… đòi kẹo!

Theo bác sĩ Doãn Thị Tường Vi - Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng lâm sàng (Hà Nội), tình trạng như gia đình chị Nhàn, chị Phương không hiếm gặp. Thực tế, sau mỗi dịp tết, số lượng trẻ tới khám dinh dưỡng tại Viện này thường tăng lên mà nguyên nhân chính là do trẻ mải chơi hoặc ăn vặt quá nhiều nên bỏ bữa chính.

Nguoi Viet tan pha suc khoe ngay tet: Tre an keo thay com!
 

Bỏ ngay suy nghĩ “nhịn 1 bữa cũng không sao”

Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi phân tích, những ngày lễ tết, người lớn trong nhà bận rộn với cỗ bàn, chúc tụng nên thường ít quan tâm hơn đến bữa ăn của trẻ. Do đó, trẻ cũng hay bị bỏ bữa, dẫn tới tình trạng đói lúc nào thì ăn và tiện gì ăn nấy. Những thực phẩm dễ kiếm và hợp khẩu vị của trẻ nhất, lúc này là bánh kẹo và nước ngọt.

“Những thực phẩm này giàu năng lượng, khiến trẻ có cảm giác no bụng nhưng lại nghèo dinh dưỡng khiến giảm cân, ảnh hưởng sức khỏe, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi cho hay.

Để đảm bảo sức khỏe của trẻ không bị “tàn phá” trong những ngày lễ tết, BS Tường Vi khuyến cáo: “Cần hạn chế trẻ ăn kẹo ngọt và nước có ga vì đây chính là thủ phạm khiến trẻ bỏ bữa. Trong dịp Tết, các món ăn đều rất giàu chất đạm, chất béo dễ khiến cho trẻ ngán, không muốn ăn. Thay vào đó nên chế biến cho trẻ những món ăn luộc hấp, nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi”.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cố gắng duy trì nếp sinh hoạt của trẻ, không nên suy nghĩ rằng, trẻ “nhịn ăn một bữa cũng không sao”, vì đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ tìm đến bánh kẹo nhiều hơn mỗi khi đói bụng.

Còn theo Ths. BS Đinh Ngọc Hoa - chuyên khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), thực đơn của trẻ ngày tết rất nhiều, cùng với bánh kẹo là vô số món ăn giàu đạm, giàu chất béo nhưng thiếu rau xanh. Vì thế trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là táo bón.

Nguoi Viet tan pha suc khoe ngay tet: Tre an keo thay com!
 

 “Khi bé bị táo bón, bên cạnh rau xanh, có thể bổ sung thêm men vi sinh. Bởi bất cứ trường hợp rối loạn tiêu hóa nào cũng đều có nhiện tượng mất cân bằng rối loạn vi khuẩn ruột. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ thường nhầm lẫn men tiêu hóa và men vi sinh khi tự ý mua thuốc”, bác sĩ Hoa chia sẻ.

Cụ thể, men tiêu hóa do enzyme do tuyến tiêu hóa cơ thể tiết ra, có nhiệm vụ phân cắt thức ăn thành những mảnh nhỏ để hấp thu. Men vi sinh, bản chất là các vi khuẩn có lợi trong cơ thể, tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn nhờ lên men.

Do đó, men vi sinh sử dụng cho các em bé có bằng chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy. Còn men tiêu hóa chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ trong một 1 số trường hợp đặc biệt như suy dinh dưỡng, còi xương… khi chức năng cơ thể không sản xuất được men tiêu hóa đó.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI