Người Đảng viên "dân vận khéo"

12/08/2016 - 05:43

PNO - “Cấp trên khen tôi dân vận khéo, bà con chòm xóm thì bảo cô Thúy nói gì nghe cũng xuôi tai. Riêng mình, tôi biết, muốn được dân đồng thuận thì trước tiên việc làm đó cần phải đúng”.

Nguoi Dang vien
Bà Phan Thị Thúy (trái) đang trao đổi với Chi hội trưởng KP.4 về công tác của Tổ hội 106.

Tổng kết 40 năm làm công tác Hội, bà Phan Thị Thúy, sinh năm 1938, Tổ trưởng tổ Phụ nữ (PN) 106, P.7, Q.Phú Nhuận nói vui rằng: “Cấp trên khen tôi dân vận khéo, bà con chòm xóm thì bảo cô Thúy nói gì nghe cũng xuôi tai. Riêng mình, tôi biết, muốn được dân đồng thuận thì trước tiên việc làm đó cần phải đúng”.

Phương châm ấy đã giúp bà Thúy điều hành tổ Hội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; giúp HV, PN có nơi sinh họat, gửi gắm những tâm tư, tình cảm, ổn định cuộc sống, gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Ít ai biết 40 năm gắn bó cùng công tác Hội, bà Thúy còn có nhiều cương vị công tác khác nhau như cửa hàng trưởng cửa hàng rau quả, trưởng phòng hành chính Ngân hàng Đông Á… Bà Thúy tâm sự: “Khi ấy, quả là tôi vô cùng bận rộn, nhưng khi tham gia sinh hoạt Hội, thấy Hội mang lại nhiều lợi ích cho chị em, nhưng nhiều người ngán ngại đứng mũi chịu sào, vậy là tôi xung phong phụ trách tổ PN”.

Bà Thúy hồi tưởng, những năm đầu đất nước thống nhất, việc Hội ít, chủ yếu là triển khai chủ trương, chính sách với nội dung khá khô khan, cứng nhắc. Vì vậy, để dễ bắt chuyện với chị em, bà Thúy luôn xen vào đó những đề tài gần gũi như cách nuôi dạy con, việc giữ vệ sinh cá nhân phòng dịch bệnh, bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình… Nhờ khéo léo quan sát, bà Thúy hiểu rõ thay đổi tâm tư tình cảm và nhu cầu thường nhật của họ trong cuộc sống.

Thấy chị em băn khoăn việc con cái thất học, bà Thúy đích thân tổng hợp danh sách các em nhỏ mù chữ cư ngụ ở tổ, liên hệ với Trường bổ túc văn hóa của quận (giờ là Trung tâm Giáo dục thường xuyên) để gửi các em theo học. Khi thấy nhiều người trong cả tổ than việc nước giếng nhiễm bẩn, bà Thúy bàn phương án xin cấp nước sạch. Cả tháng trời bà Thúy chạy vạy xin ý kiến lãnh đạo, công ty cấp nước rồi lập danh sách gần 40 hộ dân để đăng ký “vào nước”. Thay vì đóng nhiều tiền để lắp đặt đường ống, đồng hồ, thì năm 1999, tổ 106 của bà Thúy, mỗi hộ chỉ góp 1,5 triệu đồng. Việc này có được là nhờ các hộ được bàn kỹ và thống nhất cách làm.

Có nước sạch dùng, người dân lại rỉ tai bà Thúy: “Hẻm mình chật chội, lại xuống cấp. Nắng đi đã khó, trời mưa lầy lội nhếch nhác vô cùng. Hơn nữa, nếu chẳng may có sự cố xảy ra chắc khó thoát hiểm…”. Bà Thúy nghe thấm ý, gật gù, liền họp tổ. Sau đó, hẻm được mở rộng, xây dựng sạch đẹp, đi lại dễ dàng.

Bà Thúy kể: “Năm 2000, thành phố chỉ lác đác vài con đường, con hẻm được mở do dân hiến đất theo phương thức tự nguyện 100% hoặc nhà nước và nhân dân cùng làm. Tôi thấy báo, đài bàn chuyện này nhiều lắm, nên tìm hiểu rồi đến từng hộ thủ thỉ, tâm tình với chị em. Được dân ưng rồi, lại phải thay dân lên phường xin chủ trương, đề nghị hỗ trợ di dời cổng nhà, hàng rào… Khi chính quyền ủng hộ, lại phải tỉ tê với từng nhà về kinh phí hỗ trợ. Người dân nào “chưa thông”, mình phải giải thích cho thuyết phục”.

Chính nhờ nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng xác đáng của người dân, đặt mình vào những trăn trở đó, lại bắt trúng tâm lý người PN nắm quyền lực “mềm” của mỗi gia đình, bà Thúy vận động được hầu hết người dân tham gia các phong trào Hội.

Đầu năm 2015, khi bà Thúy thông báo “nghỉ hưu” việc Hội (bà đã về hưu 20 năm trước, nhưng tiếp tục tham gia công tác Hội), nhiều HV, PN tiếc nuối vì “có bà sinh hoạt Hội mới vui”.

Đứng trên con hẻm 118 hôm nay, ngước nhìn những ngôi nhà phố đẹp đẽ, khó ai có thể hình dung được nơi đây một thời nhếch nhác, từng là nơi tập trung nhiều tệ nạn xã hội. “Công trình đó là công sức của bà con tổ tôi”- bà Thúy tự hào khoe vậy. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, nếu không có sự khéo léo, dày công vận động, cống hiến của bà Thúy, hẳn đã không có kết quả như vậy.

Bà Phan Thị Thúy (sinh ngày 23/3/1938)

- Tổ trưởng PN P.7, Q.Phú Nhuận.

- Thời gian công tác Hội: 40 năm.

- Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của PN Việt Nam” năm 2012.

- Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng” năm 1999.

- Huy hiệu Thành phố năm 2005.

- Bằng khen “Gia đình văn hóa nhiều năm liền trong CVĐ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của UBND TP.

- Danh hiệu “PN xuất sắc” 5 năm (2006 - 2011) trong phong trào thi đua “PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN Q.Phú Nhuận trao tặng.

- Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2010 do UBMTTQ Quận cấp.

- Giấy khen “Đã có thành tích vận động nhân dân hiến đất mở hẻm từ năm 2006 - 2008”.

Hạnh Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI