Nghị quyết về cơ chế đặc thù chưa giúp TP.HCM thoát phận 'bò sữa'

07/12/2018 - 05:57

PNO - Vừa giao dự toán ngất ngưởng, vừa “ban cho” một tỷ lệ nguồn thu để lại thấp tè, cộng với cơ chế tự chủ nhưng vướng đủ thứ quy định… khiến TP.HCM khó có thể làm gì hơn để tự chủ phát triển.

Phát biểu tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa IX chiều 6/12, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - bùi ngùi xin phép “nói thêm” về hai chỉ tiêu gần đạt kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ giải ngân dự án trọng điểm đạt… 2%

Dù thu ngân sách nhà nước năm 2018 là 369.621 tỷ đồng, đạt 98,1% dự toán nhưng TP.HCM chỉ được phép giữ lại 18%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, theo ông Phong, là do năm nay, trung ương giao dự toán khá cao. Ví dụ, thu từ khu vực kinh tế đạt 147.875 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái, nhưng cũng chỉ đạt 89,5% dự toán.

Nghi quyet ve co che dac thu chua giup TP.HCM thoat phan 'bo sua'
 

Ngoài ra, nhiều yếu tố khách quan cũng tác động đến nguồn thu như vướng mắc về thủ tục, doanh nghiệp (DN) có phần e ngại đầu tư nên nguồn thu từ tiền sử dụng đất giảm, tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chính sách nhập khẩu ô tô, xăng dầu, chia sẻ hàng hóa với cảng Cái Mép - Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng tổng hợp ở tỉnh Bình Dương theo chính sách của trung ương nên nguồn thu từ xuất nhập khẩu cũng giảm đáng kể.

Chỉ tiêu thứ hai là, năm 2018, phải đạt kế hoạch thành lập mới 46.000 DN, nhưng đến nay, TP.HCM chỉ mới cấp phép thành lập 44.126 DN. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng hộ cá thể chuyển lên DN chưa đạt như đề ra. “Người dân vẫn e ngại do việc chuyển lên loại hình DN đòi hỏi thực hiện nhiều thủ tục hành chính hơn và hoạt động quản lý DN phức tạp hơn. Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh tại TP.HCM ngày càng trở nên đắt đỏ, chẳng hạn như chi phí thuê mặt bằng. Đây là trở ngại rất lớn cho việc thành lập DN” - ông Phong lý giải.

TP.HCM hiện vẫn chịu nhiều vướng mắc để đưa Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (NQ54) sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn thu từ cổ phần hóa theo cơ chế đặc thù của NQ54 chưa thực hiện được, nên chưa có nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng. Lý do tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước bị chậm so với kế hoạch là do các DN nhà nước thuộc sự quản lý của TP.HCM chỉ đóng góp 14,1% vào GRDP của thành phố, chưa đạt so với tỷ lệ 30% của cả nước. Thế nhưng, các DN này lại đóng vai trò định hướng dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực, nên việc cổ phần hóa DN phải được cân nhắc, tính toán chặt chẽ.

Thêm vào đó, việc tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo Công văn số 3515 ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính đã gây đình trệ quá trình đàm phán, tiến độ thực hiện nhiều dự án trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố.

Ông Phong cho biết, một số dự án trọng điểm, quy mô lớn của TP.HCM thi công chậm do vướng thủ tục pháp lý, cơ chế thanh toán, xác nhận về giải ngân vốn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Điển hình như dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2. Các dự án này không giải ngân được do phải chờ Quốc hội thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư... Tính đến ngày 31/10, cả 7 dự án sử dụng nguồn vốn vay lại của Chính phủ chỉ giải ngân được 102 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch (4.884 tỷ đồng).

Nghi quyet ve co che dac thu chua giup TP.HCM thoat phan 'bo sua'
Khu vực trung tâm TP.HCM mãi mãi vẫn là cái công trường lớn khi mà dự án metro 1 cứ thế phơi nắng sương chờ Quốc hội thông qua tổng mức đầu tư - Ảnh: Quốc Ngọc

Ngoài ra, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu. Công tác thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của dự án. Tại kế hoạch vốn năm 2018, TP.HCM giao vốn cho 61 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trọng điểm với tổng số vốn là 4.927 tỷ đồng, đến nay chỉ giải ngân được 1.247 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch. Như vậy, tổng số vốn không giải ngân được lên đến 8.462 tỷ đồng, chiếm 29% kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố.

TP.HCM phải có được sự tự chủ, linh hoạt

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM - nói: “Các nội dung mà ông chủ tịch thành phố nêu trong phát biểu của mình đã cho thấy nguồn thu để lại và cơ chế tự chủ vẫn chưa sòng phẳng với TP.HCM”. Trước tiên, những bế tắc đó một phần là do tỷ lệ để lại từ thu nội địa cho TP.HCM chỉ có 18%. Để triển khai đồng loạt các dự án cho “đầu tàu kinh tế cả nước” thì quan trọng nhất là thời điểm thực hiện. Cả ba yếu tố thời điểm, tốc độ và quy mô mà với nguồn lực để lại chỉ có 18% thì hoàn toàn không thể đủ để thực hiện, nên khó đạt được mục tiêu phát triển đô thị văn minh, hiện đại như mong muốn, trong thời gian ngắn nhất có thể” - ông Thắng nhận định.

Theo ông Thắng, NQ54 dù giao quyền tự chủ tài chính, nhân lực, nhưng chỉ là trên văn bản, bởi vẫn còn các “điều khoản do Quốc hội quy định” mà “người ta” cứ vin vào để kiềm chế sự phát triển của TP.HCM. Chiếm tỷ lệ vướng mắc NQ54 nhiều nhất là các vấn đề liên quan đến Luật Đất đai và Luật Đầu tư công. Hàng trăm dự án xây dựng mang ý nghĩa giải quyết công ăn việc làm, giải quyết nhà ở và kích thích thương mại, dịch vụ tốt hơn cho TP.HCM đang trì trệ vì vướng vấn đề nguồn gốc đất nông nghiệp. Có tới 74% dự án vướng vấn đề này.

“Có những vùng không thể nào canh tác nông nghiệp nữa mà cứ lấy lý do còn một mét vuông đất nông nghiệp xen vào thì chủ đầu tư không thể nhúc nhích gì được trong quá trình chuyển đổi thành đất ở. Đó là sự lãng phí. Dự án dở dang khiến doanh nghiệp lao đao do chịu lãi ngân hàng, Nhà nước thất thoát phí chuyển đổi đất nông nghiệp. Bao nhiêu thứ hạn chế, ách tắc vì Luật Đất đai làm nghẽn đi sự phát triển và khiến NQ54 không hiệu quả” - ông Thắng nói.

Trong khi đó, các dự án hạ tầng cơ sở phục vụ công ích đang vướng Luật Đầu tư công. Luật đòi muốn giải phóng mặt bằng, phải bồi thường thông qua hai giai đoạn giá T1 và T2. T1 là giá khởi đầu, T2 là giá để tiến đến thỏa thuận. Theo quy định, T2 phải sát với giá thị trường nhằm tránh việc kê khai thấp, gây thất thu thuế. Cái này cũng đang bóp nghẽn quá trình giải phóng mặt bằng, khiến các dự án đầu tư công trì trệ. Ông Thắng đặt vấn đề: “Tại sao không cho TP.HCM quyền tự quyết thật sự đối với các dự án thiết yếu, mang ý nghĩa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giúp ích chung cho cộng đồng?”.

Nếu muốn người dân kê khai giá thật, cần gì T1, T2 quá rắc rối, phức tạp. Theo ông Thắng, chỉ cần áp dụng mức thu thuế mang tính hỗ trợ để khuyến khích người dân khai giá thật. “Bên cạnh đó, nên thỏa thuận giá ban đầu theo tỷ lệ trên 5% so giá thị trường, với điều kiện là khi chưa có dự án. Đối với những vùng khó khăn, cứ cho áp dụng 10% hoặc 30% giá thị trường tùy theo đặc điểm để dân đủ điều kiện tìm nơi ở mới. Vấn đề giá chỉ cần xuất phát từ sự đồng thuận, vui vẻ giữa chủ đầu tư và người dân” - ông Thắng đề xuất. Theo ông, để làm được điều hợp tình hợp lý như vậy, đòi hỏi TP.HCM phải có được sự tự chủ, linh hoạt, khi đó NQ54 mới có ý nghĩa.

“Theo tôi, những đề xuất tương tự vậy có thể giao Thủ tướng quyết luôn cho TP.HCM. Và khi được Chính phủ giao quyền, TP.HCM phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đây là một mẫu số chung để có thể triển khai NQ54 một cách hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và đi vào cuộc sống nhanh hơn” - ông Thắng quả quyết.

Tiềm năng “khai phá” TP.HCM đã tới mức bão hòa

Các tiềm năng khai phá TP.HCM gần như đã tới mức bão hòa rồi. Xe chạy mới 200km mà đã thay nhớt thì cũng là một sự lãng phí, nhưng đợi tới mấy ngàn ki-lô-mét mới thay thì lại cũng là sự hủy hoại. Ý của tôi muốn nói là nguồn thu để lại phải thỏa đáng thì thành phố mới đủ sức phát triển và kéo cả nước đi lên tốt hơn được. Ngoài tỷ lệ để lại thấp nhất, có năm, TP.HCM thu vượt dự toán nhưng không được giữ lại đồng nào với lý do tiền đó sẽ phải chuyển hóa vào dòng vốn ngân sách chung cả nước, trong khi các địa phương khác được giữ lại khoản thu vượt, nếu có.

Ông Trần Quang Thắng
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM

Quốc Ngọc

 
TIN MỚI