Mùi lá mai sân trước

30/01/2021 - 11:30

PNO - Bây giờ lại là những ngày cuối năm, nhắm mắt lại ngửi đôi bàn tay mình, như thể đâu đó trong xa xăm thoảng về mùi lá mai năm cũ…

Tháng Chạp có lẽ là tháng được mong chờ nhất trong năm. Thời gian này, người người bắt đầu tính ngày theo lịch âm, với những dấu nhớ: 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, 25 tháng Chạp đi tảo mộ; rồi rộn rã những ngày cuối năm là dọn dẹp nhà cửa, đi chợ tết, chuẩn bị tươm tất mọi thứ để đến ngày 30 cúng ông bà, đón giao thừa…

Đối với tôi, tháng Chạp còn có một dấu ấn đặc biệt mà những năm tháng tuổi thơ ở quê xưa vẫn luôn luôn ghi nhớ. Đó là “nhiệm vụ” tước lá mai vào thời điểm từ 2 tới 3 tuần trước tết.

Mai miền Tây thường lạt từ khoảng 13 tới 17 tháng Chạp - Ảnh minh họa
Mai miền Tây thường được lặt sạch lá từ khoảng 13 tới 17 tháng Chạp, để bung nở đúng ngày tết- Ảnh minh họa

Hai cây mai tứ quý trước sân nhà không biết được trồng từ bao giờ nhưng khi gia đình tôi mua lại mảnh đất cũ trước đó từng là ngôi chùa, đã thấy có sẵn. Khi ấy, chúng đã cao quá đầu người. Những mùa hạ, thu, đông, thật ra tôi ít để ý đến cây mai - thời điểm ấy ra hoa đỏ, có nhụy tròn màu xanh như hạt đậu. Chỉ đến đầu tháng Chạp, niềm háo hức thơ trẻ bừng dậy khi được bắt đầu ra sân tước lá. Có nghĩa là tết sắp đến rồi. 

Tôi thích ngửi mùi lá mai hanh hanh. Vừa tước lá vừa nghêu ngao hát hoặc mở radio nghe cải lương, lòng rộn ràng, mê lắm. Tước lá xong thì canh tưới nước đều đặn để mai nở đúng dịp 29, 30 tết. Sắc vàng làm bừng cả một góc sân quê, người đi trên đường làng cách hai ba khoảnh ruộng vẫn có thể nhìn thấy được.

Màu hoa mai ấy trở thành “chỉ dấu” cho bạn bè, khách lần đầu đến thăm nhà. Lời chỉ dẫn đơn giản vô cùng, chỉ là từ lộ lớn rẽ vào đình Chánh Nhất, đi thêm một đoạn rồi nhìn chếch về góc phải thấy nhà nào có hai cây mai nở vàng… Hồi đó không có máy ảnh, cũng chẳng ai biết “check-in”, hoa mai chỉ lộng lẫy trong ký ức của người ngắm nhìn, điểm tô sắc vàng rực rỡ cho ngôi nhà mái lá quanh năm vốn hiu quạnh. 

Thuở ấy tôi hồn nhiên, chẳng nghĩ ngợi xa xôi, rằng đến một lúc nào đó mình sẽ không còn cơ hội được bắc ghế trên vuông sân bình yên tước lá mai đón tết; không bao giờ còn được ngửi bàn tay vương mùi lá mai sân trước, để được hát nghêu ngao mà lòng tràn đầy hân hoan, háo hức trong không khí xuân về. 

Những chiếc lá rơi xuống thềm xưa bao lâu rồi đã lạc mất vào những chiều muôn năm cũ…
*
Nhà phố má tôi có một cội mai, cây nhỏ chỉ cao đến thắt lưng tôi. Cây mai này được mua từ tết năm trước. Giữa chợ hoa xuân tràn ngập những loại hoa nhiều sắc màu (cúc mâm xôi, hướng dương, đào, cẩm chướng…), má tôi chỉ dừng lại bên những cây mai. 

Ngày tết không ai bán mai tứ quý, chủ yếu là những chậu mai vàng đã đến đúng thời điểm khoe sắc. Mai phố mua về để lọt thỏm trong một góc nhà, hoa bung nở rực rỡ ba ngày xuân, trở thành cây lộc cho cả nhà chơi trò hái lộc lì xì trong ngày mùng Một.

Thấy mai vàng là thấy tết nhưng không còn là ngày xưa với những chiều ra sân tước lá, tưới nước, chờ đợi và mừng rỡ khi thấy nụ hoa đầu tiên xuất hiện, e ấp rung rinh rồi một nắng sớm bung nở vàng rực giữa khu vườn xanh um. Hết tết, má tôi tiếc vẫn giữ lại chậu mai chờ mùa xuân năm sau.

Cây được thay đất mới, chăm tưới mỗi ngày nhưng đến cuối năm lá thưa thớt, má tôi ngồi lặt một lúc là trơ cành khẳng khiu. Hoa vẫn nở vào mùa xuân kế tiếp nhưng không còn được sum suê, tươi tốt như năm đầu tiên. Tôi cũng không “giành phần” tước lá mai với má tôi, để người già trong những ngày cuối năm có được vài lúc thư thả mà nhớ chuyện ngày xưa, rằng “hồi đó nhà mình”…

“Hồi đó nhà mình nghèo mà ăn tết lúc nào cũng vui” là câu cửa miệng mà má tôi hay nhắc mỗi dịp tết đến. Nhà nghèo cả năm ít được ăn ngon mặc đẹp nên mọi thứ đều chờ đến tết. Mỗi đứa con của má sẽ được may hoặc mua cho vài bộ đồ mới. Không khí tết cũng rộn rã khắp cả làng quê, các bà các mẹ trong làng rủ nhau đi chợ mua sắm. Đường ra chợ cũng phải năm, sáu cây số, ai nấy đi bộ mà hồ hởi, xôm tụ. Trong giỏ xách mang về đầy ắp những thịt cá mỡ hành, những tấm lịch xuân, những câu đối đỏ…

Hồi đó, vuông sân nhà là nơi phơi lá chuối, gói bánh tét, tỉa củ kiệu… Rất nhiều đêm giao thừa của những năm tuổi nhỏ, tôi xăng xái đòi canh nồi bánh dù thể nào cũng ngủ quên trước cả khoảnh khắc đón giao thừa. Sớm tinh mơ thức giấc nằm trong mùng đã nghe mùi bánh thơm nức mũi mời gọi ngoài sân. 

“Hồi đó, bánh trái bao nhiêu ăn cũng hết, giờ mua vài đòn bánh tét về cúng mà vẫn còn dư” - má tôi đã đón nhiều cái tết trong thành phố, năm nào nhìn mâm cơm ngày 30 cũng thấy nhớ ngày xưa. Quà bánh, thức ăn bây giờ ê hề, ngon lành hơn nhưng con cháu ngồi vào bàn ăn uống chủ yếu vì tinh thần đoàn viên ngày cuối năm, không háo hức được thưởng thức và “vét sạch mâm cỗ” như những ngày xưa nữa.

Hồi đó, cả nhà còn gói bánh ít, làm bánh in để dành ăn đến “ra Giêng”, má tôi làm nhiều cho các anh chị đi học, đi làm còn mang theo làm quà lên thành phố. Suốt từ đầu tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng, vuông sân trước nhà lúc nào cũng thơm thơm “mùi tết”. Tôi cứ đi qua đi lại hít từ mùi lá mai, mùi lá chuối phơi khô, mùi lửa bập bùng đêm 30, mùi của nếp, gừng, mùi nồi thịt kho tàu đến cả mùi quần áo mới, những phong bao lì xì đỏ… Tất cả quyện thành mùi của mùa xuân - mà bây giờ trở thành mùi của thương nhớ và tiếc nuối…

“Thời của ông bà ngoại, tết còn vui hơn nữa. Nhà nào nhà nấy cán bột làm bánh phồng, làm mứt. Cả làng vui như hội”. Ký ức của người già trong nhà trôi qua những ngóc ngách thời gian trở về với trùng trùng điệp điệp nỗi nhớ xa mù chân mây. Đó là năm tháng má chỉ trạc tuổi tôi thời bắc ghế đứng tước lá mai. Ba bốn giờ sáng, phụ nữ của làng đã thức dậy, cán bột, đổ bánh đến hừng đông, rồi xếp bánh ra sân phơi. Hết làm bánh thì làm mứt… Gian bếp của thời chưa có điện được thắp sáng bằng những ngọn đèn dầu lá cải, bằng ánh lửa bập bùng. Triền đê mùa xuân xôn xao những bước chân, tiếng nói cười, cả mùi bánh nếp…

Má tôi giờ đã bước gần đến tuổi 80. Có những chuyện mới hôm qua bà không nhớ được nhưng ký ức của hơn nửa thế kỷ vẫn như in trong tiềm thức. Tôi tin, đó chắc chắn là những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời bà - một tuổi thơ dẫu nghèo khó, vất vả nhưng vô ưu, hồn nhiên, trong trẻo. Như niềm vui xúm xít của đứa trẻ ngày xưa là má bên bếp lửa chờ được bà ngoại cắt cho rìa bánh, vừa được nhấm nháp bánh thơm vừa có “quà” mang cho bạn bè trong xóm. Cũng như tôi của năm tháng ngồi huơ tay bên bếp lửa hồng hí hửng chờ nồi cháo vịt, thể nào khi vịt chín vớt ra, tôi cũng được má ưu tiên cái đùi ngon…

Năm tháng sao mà chớp mắt đã xa đến vạn dặm. Má bây giờ đang ở tuổi của bà ngoại những ngày đôi chân tôi còn lẫm chẫm về đồng…

Thấy mai vàng là thấy tết nhưng không còn là ngày xưa với những chiều ra sân tước lá, tưới nước, chờ đợi...

*
Những mùa xuân đi qua trong đời người, cảm giác thiêng liêng có thể mỗi lúc một mất dần đi trong tâm khảm của người đã trưởng thành. Hay vì tôi đã sống quá lâu trong lòng thành phố để mỗi năm đều thấy chừng như tết đã ít nhiều mất đi dư vị? Tháng Chạp đã không còn là của những ngày bắc ghế trước sân nhà tước lá mai. Không còn những đêm 30 ngồi với nồi bánh giao thừa, không còn háo hức với quần áo mới. Mất cả mùi hương của lá chuối phơi khô chờ gói bánh, hay mùi mứt dừa, mứt gừng ngào ngạt, bâng khuâng. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI