Mang yêu thương đến với phụ nữ vùng biên giới

23/08/2023 - 07:41

PNO - Đến hôm nay, khi mấy con heo giống đã ủn ỉn trong chuồng, chị Rơ Mah Hyil mới dám tin điều mình mong ước bấy lâu đã thành hiện thực.

Ngày 21/8, Hội LHPN, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM cùng với Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại 2 xã biên giới Ia Chía (huyện Ia Grai) và Ia Mơ (huyện Chư Prông), tỉnh Gia Lai.

Mang học bổng, heo giống đến vùng biên

Mấy ngày trước, nghe mấy chị Hội Phụ nữ làng Pó, xã Ia Chía báo tin sẽ được đoàn TPHCM về tặng cho 3 con heo làm giống để phát triển kinh tế gia đình, chị Rơ Mah Hyil háo hức đến mất ngủ. Chị ra vườn, sửa sang lại cái chuồng heo cũ cho chắc chắn. Đến hôm nay, khi mấy con heo giống đã ủn ỉn trong chuồng, chị Rơ Mah Hyil mới dám tin điều mình mong ước bấy lâu đã thành hiện thực. 

Với dáng người nhỏ nhắn, làn da rám nắng cùng nụ cười duyên, người phụ nữ Jrai 40 tuổi đã có 5 đứa con. Con trai lớn mới tham gia nghĩa vụ quân sự. Chồng làm công nhân. Còn chị ở nhà chăm vườn điều và nuôi con.

Bà Trần Thị Phương Hoa (bên phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - và bà Nguyễn Thị Hạnh (bên trái)  - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM - tặng quà cho phụ nữ nghèo tại xã Ia Chía
Bà Trần Thị Phương Hoa (bên phải) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - và bà Nguyễn Thị Hạnh (bên trái) - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM - tặng quà cho phụ nữ nghèo tại xã Ia Chía

Cách đó không xa, đoàn cũng đến thăm và tặng chị Rơ Mah Pyơn ở làng Bang (cùng xã Ia Chía) 3 con heo giống. Chị Rơ Mah Pyơn là phụ nữ đơn thân nuôi 3 con nhỏ, sống bằng nghề nương rẫy và thuộc diện cận nghèo. 

Cuộc sống còn khó khăn nên mấy con heo giống được tặng với các chị Rơ Mah Pyơn và chị Rơ Mah Hyil là vô cùng giá trị. Họ tin tưởng, chẳng bao lâu nữa sẽ có một đàn heo giúp cải thiện kinh tế gia đình.

Ngoài tặng heo giống, tại làng Bang đoàn còn tặng bồn chứa nước cho chị Ksor Ven. Từ ngày chiếc bồn được lắp đặt, chị Ksor Ven đỡ công xách nước. Mỗi khi cần đến nước, chỉ cần mở vòi. Một vài hộ dân sống cạnh nhà chị Ksor Ven cũng được chị cho dùng chung để đỡ sức lực. 

Rời làng Bang, đoàn trở về hội trường UBND xã Ia Chía để trao 50 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học và 50 phần quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Dẫn đứa con nhỏ vào hội trường, chị Puih Soái xúc động: “Vợ chồng tôi sống ở làng Bang, bao quanh là đồi núi, đất đá nên không trồng trọt, canh tác được gì”. 2 vợ chồng đi cạo mủ cao su thuê, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng lo cho 5 người trong gia đình, trong đó có 3 đứa con đang đi học.

Những lúc không đi cạo mủ, vợ chồng chị đi trồng mì, đi làm cỏ thuê để kiếm thêm thu nhập. Thu nhập bấp bênh, không có tiền đóng tiền ăn cho con, nên có tháng, chị Puih Soái phải cho con ngừng đi nhà trẻ.

Đã sắp bước vào năm học mới mà chị Puih Soái vẫn chưa sắm sửa được gì cho các con ngoài mấy quyển sách được cho nhưng chưa đủ. Bởi thế, học bổng mà đoàn tặng con sẽ giúp chị bớt đi lo lắng phần nào. 

Được biết, xã Ia Chía là xã biên giới khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên 23%. Từ khi chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được thực hiện, một bộ phận phụ nữ tại đây có điều kiện để phát triển kinh tế, giúp xóa đói, giảm nghèo.

Đoàn tặng bồn nước cho gia đình chị Ksor Ven
Đoàn tặng bồn nước cho gia đình chị Ksor Ven

Hy vọng khơi dậy ý chí vươn lên 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ năm 2018 nhằm hướng đến việc chăm lo cho đồng bào các dân tộc, phụ nữ và trẻ em vùng biên giới đang còn nhiều khó khăn. Họ là những người đang hằng ngày cùng các lực lượng vũ trang tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều năm qua các cấp Hội LHPN TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với chị em vùng biên thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau như: trao tặng mái ấm tình thương, phương tiện sinh kế; tổ chức khám chữa bệnh cho bà con nghèo; tặng học bổng, xe đạp cho học sinh hiếu học… 

Trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2023, Hội LHPN TPHCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM và Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) đã trao 5 mái ấm tình thương, 20 phương tiện sinh kế, 60 bồn chứa nước, 100 suất học bổng, 300 phần quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 800 triệu đồng. 

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết: “Những món quà, phương tiện sinh kế, mái ấm tình thương đoàn mang đến cho đồng bào, phụ nữ vùng biên là tất cả tình yêu thương và chia sẻ của nhân dân thành phố và các nhà hảo tâm. Hy vọng những món quà nhỏ sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực của chị em vùng biên giới”. 

3 năm, dành trên 1,5 tỉ đồng chăm lo cho phụ nữ vùng biên giới tỉnh Gia Lai

Ngày 21/8, Hội LHPN, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM và tỉnh Gia Lai cùng với Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) phối hợp tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. 

Trong giai đoạn 2021-2023, các đơn vị đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ 2 xã biên giới Ia Chía và Ia Mơ. Cụ thể, đã tặng 5 mái ấm tình thương, 3 nhà vệ sinh, 46 phương tiện sinh kế, 10 xe đạp, 1.000kg lúa giống, 1.000 lá cờ, 60 bồn nước, 713 suất quà… cho các gia đình hội viên phụ nữ nghèo với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng. 

Đồng thời, các đơn vị đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng TPHCM và nhân dân tham gia nhắn 2.749 tin nhắn hưởng ứng chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Tỉnh Gia Lai có gần 5.000 hội viên sinh hoạt tại 7 xã biên giới

Tỉnh Gia Lai có gần 90km đường biên tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri của nước bạn Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh có 48 thôn/làng thuộc 7 xã, 3 huyện biên giới (Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông), trong đó dân tộc Jrai chiếm gần 46%. Tổng số hội viên phụ nữ là 305.442/460.458 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, có 4.922 hội viên sinh hoạt tại 48 chi hội của 7 xã. 

Đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. Đây cũng là địa bàn dễ bị lợi dụng để tuyên truyền chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như nổi lên loại tội phạm buôn bán người, xuất nhập cảnh trái phép.

Hội LHPN và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, nhất là gia đình hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số, tôn giáo. 

Hiện có 472 lượt cán bộ, hội viên nòng cốt tham gia các đợt tuần tra cùng các cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng tại vành đai biên giới, lồng ghép với vận động người dân không cơi nới, phát nương làm rẫy.

Bà Phạm Thị Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Gia Lai

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI