Làm phim thời... giãn cách xã hội

07/08/2020 - 07:15

PNO - Đại dịch Covid-19 hoành hành khiến các nhà làm phim trên thế giới phải “nghỉ ngơi” bất đắc dĩ. Tuy vậy, với đầu óc của những người sáng tạo, dịch bệnh, giãn cách xã hội, cách ly cũng không làm khó được họ, kết quả là có một số phim được làm theo phong cách thời “ai ở nhà nấy” đã ra đời, gây thích thú cho người xem.

Kể từ khi dịch COVID-19 lan rộng khắp toàn cầu, công cụ hội thoại trực tuyến Zoom cũng trở nên quen thuộc với mọi người, và giờ đây ứng dụng này trở thành phương thức để nhà làm phim Anh Rob Savage thực hiện phim Host. 

Ra mắt ngày 30/7 qua dịch vụ phát trực tuyến phim kinh dị Shudder, Host lập tức gây chú ý khi phần hình ảnh của phim được thể hiện trên màn hình máy tính, trong đó các nhân vật dùng ứng dụng Zoom giao tiếp với nhau.

Nội dung phim kể về sáu người bạn dùng Zoom thực hiện một cuộc cầu cơ “trực tuyến”. Tuy nhiên, trong phim, ứng dụng Zoom không chỉ kết nối những người sống với nhau, mà kết nối người sống với người chết, khi lần lượt từng người trong số họ gặp phải nhiều hiện tượng lạ diễn ra trong nhà mình. 

Host - bộ phim kinh dị được thực hiện trong giai đoạn giãn cách xã hộiHost - bộ phim kinh dị được thực hiện trong giai đoạn giãn cách xã hội

Đạo diễn Rob Savage nảy ra ý tưởng thực hiện bộ phim này vào tháng Tư trong lúc ở nhà giãn cách xã hội. Để đỡ buồn, anh rủ bạn bè dùng Zoom theo dõi anh khám phá tiếng động lạ phát ra trên tầng áp mái. Đoạn clip dài hai phút do Rob Savage đăng tải trên Twitter, ghi lại phản ứng kinh hãi của những người bạn khi nhìn thấy một gương mặt đầy máu me xuất hiện trên tầng áp mái, còn anh ngã xuống cầu thang bất tỉnh đã thu hút hàng triệu người xem.

Nữ diễn viên Jemma Moore, một trong những người bạn bị Rob Savage “lừa”, cũng là một trong sáu diễn viên đóng Host, kể lại cô bị sốc khi thấy cảnh đó, và đã nghĩ đến việc gọi cảnh sát. Hiệu ứng của đoạn clip thôi thúc Rob Savage nhanh chóng triển khai thành phim Host. Anh đặt hàng trên Amazon các sợi dây câu cá thật mảnh, gửi đến nhà các diễn viên - vốn cũng là bạn của anh - và dùng Zoom trao đổi với họ về cách tạo ra những hiệu ứng như làm cho cánh cửa chuyển động hay đồ vật bay lơ lửng. Tính cả thời gian ghi hình tại nhà của các diễn viên và thời gian dựng phim, Host hoàn tất trong vòng ba tháng. 

Phim dài 56 phút nhận được đánh giá khả quan: 100% “độ tươi” trên Rotten Tomatoes vì vừa chân thật vừa rất giải trí. Người xem như bị lôi kéo, trở thành một nhân vật trong phim; vì họ cũng ngồi trước màn hình laptop để theo dõi phim y như cách nhân vật đang dùng Zoom. Cái cảm giác không thể biết sau lưng mình sắp xảy ra chuyện gì hoàn toàn bất ngờ, hệt như hoàn cảnh nhân vật, khiến người xem vừa phấn khích, vừa tò mò, sợ hãi. 

Tâm lý ở nhà một mình còn được thấy trong phim ngắn kinh dị Stay at home trình làng trên YouTube giữa tháng Năm vừa qua, thu hút gần 200.000 lượt xem. Dựa theo truyền thuyết bí ẩn về chiếc hộp Pandora, chuyện phim là ý tưởng của nhà làm phim Mỹ Kenneth Brown, dài vỏn vẹn hơn 15 phút, kể về một người đàn ông đang làm việc tại gia, bất ngờ tìm thấy trước cửa nhà một chiếc hộp bí ẩn kèm tờ ghi chú chờ hai tuần mới mở, nếu không sẽ gặp chuyện chẳng lành. Không khỏi tò mò, người đàn ông quyết định mở và phát hiện bên trong hộp trống rỗng, nhưng liền sau đó anh cảm thấy bất an khi trong nhà xảy ra nhiều việc lạ. Những gì trong phim do Kenneth Brown tự đóng, tự quay, tự dựng tại nhà. 

Ngoài hai phim trên, sắp tới khán giả còn được thưởng thức Isolation, một tuyển tập gồm chín mẩu chuyện ngắn kinh dị do một nhóm làm phim người Mỹ gồm Dennie Gordon, Larry Fessenden, Bobby Roe, Andrew Kasch, Zach Passero, Christian Pasquariello thực hiện trong thời gian “ai ở nhà nấy” với dàn diễn viên là người thân và máy móc, đạo cụ có gì dùng nấy.

Có vẻ như sự giới hạn về bối cảnh không gian đang ngày càng “khai sáng” cho các nhà làm phim kinh dị những ý tưởng làm phim độc đáo, vừa đỡ tốn chi phí vừa thích nghi điều kiện giãn cách xã hội.

Quang Huy

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI