Kỳ vọng nào cho trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ tại đấu trường quốc tế?

24/06/2022 - 16:52

PNO - Ngày 14/6, 41 trang phục của các trường đại học trên địa bàn TPHCM đã tham dự đêm trình diễn trang phục dân tộc với chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam”. Buổi trình diễn đã mang đến bữa tiệc văn hóa nhiều màu sắc và sự sáng tạo bất ngờ của sinh viên ngành thời trang.

Những chiến thắng “ngoài mong đợi”

Trang phục “Chiếu Cà Mau” của Nguyễn Quốc Việt đã giành được giải Nhất tại cuộc thi. Tác phẩm miêu tả câu chuyện của làng chiếu Cà Mau. Tuy nhiên, sau khi trình diễn thì tác phẩm nhận được nhiều dư luận trái chiều vì vấp phải quan niệm văn hóa của ông bà Việt Nam xưa “Người sống không ai đắp chiếu, người chết không ai đắp chăn”. Liệu rằng Hoa hậu Hoàn vũ đại diện cho Việt Nam có cảm thấy tự hào, thể hiện được “Bản lĩnh Việt Nam” khi khoác lên mình trang phục vướng nhiều kiêng kỵ của dân gian Việt Nam?

Nhìn lại vấn đề, nhà thiết kế cần có sự nghiên cứu toàn diện hơn khi ứng dụng văn hóa dân tộc vào sáng tạo. Đó không thể là những cảm hứng sáng tạo hời hợt, những câu chuyện văn hóa “bề nổi” mà cần có cái nhìn sâu sắc hơn về những tập tục dân gian truyền thống của Việt Nam.

Nguyễn Quốc Việt xúc động khi được nhận giải Nhất cuộc thi với “Chiếu Cà Mau” - Ảnh: MU
Nguyễn Quốc Việt xúc động khi được nhận giải Nhất cuộc thi với “Chiếu Cà Mau” - Ảnh: MU

Sự đổ bộ của các món ăn đường phố

Giải Nhì thuộc về trang phục “Bánh tráng” của Phan Xuân Giàu cùng với trang phục “Bánh tráng trộn” của Lê Quang Thắng đạt giải Top 10 cho thấy sự ưu ái của Ban giám khảo cuộc thi dành cho chủ đề ẩm thực. Luận về sáng tạo, “Bánh tráng trộn” của Phan Xuân Giàu sáng tạo ở mặt hiệu ứng vật liệu thể hiện được chất liệu bề mặt của một chiếc bánh tráng gạo, tuy nhiên thiết kế trang phục khá đơn điệu bình thường.

           Bánh tráng trộn và Gỏi cuốn “đổ bộ” sân khấu National Costume 2022  - Ảnh: MU
Bánh tráng trộn và Gỏi cuốn “đổ bộ” sân khấu National Costume 2022 - Ảnh: MU

Nhìn lại cuộc thi National Costume 2022, nhà thiết kế phụ kiện Đỗ Vân Trí, người đã thiết kế giày cho Lady Gaga, cũng là người đồng hành với các sinh viên dự thi năm nay nhận định: “Tinh thần bản lĩnh Việt Nam - Vinawomen năm nay hướng đến một người phụ nữ mạnh mẽ, hiện đại, đề cao nữ quyền. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, điều này không có sự nhất quán giữa tiêu chí ban đầu của Ban tổ chức và kết quả đêm chung kết từ Ban giám khảo. Vì những trang phục mang mạnh yếu tố Vinawomen hay những trang phục hướng đến một tinh thần hiện đại, phá cách, bám sát chủ đề đều bị loại ở cuối cuộc thi. Kết quả đang thiên về hướng làng nghề truyền thống, đặc trưng vùng miền hơn là tiêu chí một người phụ nữ thể hiện Bản lĩnh Việt Nam - Vinawomen”.

Sự chuyển mình của các nhà thiết kế trẻ

Trang phục “Vàng Son” của Nguyễn Ngọc Như Thảo - gợi nhớ giới trẻ về nghệ thuật cải lương - Ảnh: MU
Trang phục “Vàng Son” của Nguyễn Ngọc Như Thảo - gợi nhớ giới trẻ về nghệ thuật cải lương - Ảnh: MU

Nhìn lại thời gian gần đây, ta thấy được mạch chảy văn hóa đã được “cách tân” một cách sáng tạo trong góc nhìn của giới trẻ. “Vàng Son” của Nguyễn Ngọc Như Thảo là trang phục hiếm hoi lấy cảm hứng từ văn hóa phi vật thể Cải lương - thể hiện tinh thần nữ quyền của phụ nữ Việt Nam khi người đào hát lần đầu rời khỏi gia đình để mưu sinh, tìm quyền bình đẳng, khẳng định thân phận với xã hội.

Trang phục “Linh Sơn” của Nguyễn Dương Hồng Ngọc và Tô Phương Thuỷ - Ảnh: MU
Trang phục “Linh Sơn” của Nguyễn Dương Hồng Ngọc và Tô Phương Thuỷ - Ảnh: MU

Trang phục “Linh Sơn” của Nguyễn Dương Hồng Ngọc và Tô Phương Thuỷ là sự đánh dấu cho một Việt Nam hiện đại, độc lập, hòa bình, luôn đổi mới và phát triển. Được lấy cảm hứng từ núi Bà Đen, nơi có tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á và đặc biệt là công trình ga cáp treo lớn nhất thế giới kết hợp cùng văn hóa tâm linh nơi đây. Thiết kế thể hiện ý chí mạnh mẽ, hiện đại với tông màu trắng bạc hòa cùng nét truyền thống từ chiếc áo dài và họa tiết tượng cổ thời Lê. Tác phẩm là sự hòa quyện giữa những giá trị xưa và hơi thở của thời đại mới từ đó thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Bên cạnh những bản sắc văn hóa độc đáo, các người đẹp cần mang ra thế giới những câu chuyện mang tính toàn cầu hơn như tính nhân văn, tinh thần đấu tranh cho bình đẳng, cho quyền lợi của phụ nữ, thể hiện mong muốn một thế giới hòa bình, hòa nhập, kết nối và phát triển. Hoa hậu Hoàn vũ cần chuẩn bị để mang cho mình một sứ mệnh to lớn hơn là những phục trang bắt sân khấu hay những chủ đề mộc mạc đến mức “bình dân” đến với đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Hoàng Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI