Kỳ vọng Chính phủ khóa mới tạo đột phá về kinh tế, giáo dục

07/04/2021 - 06:10

PNO - Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí bầu ông Phạm Minh Chính giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ kỳ vọng về tân Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ mới, đồng thời cũng nêu ra những thách thức đang chờ đợi phía trước.

ĐBQH Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) cho rằng, là người trưởng thành từ ngành bảo vệ pháp luật, tân Thủ tướng sẽ quan tâm vấn đề bảo vệ kỷ cương, phép nước. Bên cạnh đó, với những gì đã thể hiện khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Thủ tướng đã cho thấy ông là một con người của hành động, đã tạo ra nhiều dấu ấn mạnh mẽ.

Đại biểu Vân nói: “Tôi kỳ vọng, Chính phủ khóa mới dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mang đến những hơi thở mới, có cách tiếp cận mới, có những lựa chọn đột phá tạo những chuyển biến lớn về kinh tế, nguồn lực đầu tư cho xã hội”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc,  Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021

ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TPHCM) mong mỏi, với vị “thuyền trưởng” mới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện những trọng trách mà nhiệm kỳ cũ chuyển giao, tiếp nối những công trình, kế hoạch, dự án để không bị đứt đoạn, tránh gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Theo đại biểu Bích Châu, Chính phủ mới cần phải thực sự đổi mới cả về tư duy lẫn cách làm, từ đó tạo ra sự đột phá và phát huy được năng lực từng vùng, từng địa phương để bứt phá trong phát triển kinh tế đất nước. 

Trong bài phát biểu sau lễ nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu năm vấn đề trọng tâm, trong đó khẳng định, sẽ có những giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. 

Đồng tình với tân Thủ tướng, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, việc lấy con người làm trung tâm sẽ giúp Việt Nam nâng cao được năng lực quản lý trên tất cả các lĩnh vực, bởi “con người xây dựng thể chế, con người thực hiện thể chế và phục vụ chính chúng ta”. Ông Sinh cũng hy vọng, tân Thủ tướng sẽ đưa ra những quyết định thể hiện tầm nhìn, tính quyết đoán để dẫn dắt các thành viên Chính phủ đi đúng hướng. 

ĐBQH Lê Thanh Vân cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức với Chính phủ khóa mới: thể chế kinh tế thị trường và tổ chức bộ máy vẫn chưa hoàn thiện; đầu tư công, tài chính công còn nhiều khúc mắc. Theo đại biểu Vân, để giải quyết các vấn đề này, tân Thủ tướng cần có nghệ thuật để tạo ra xung lực, mà xung lực ấy chính là dân chủ. “Chỉ có dân chủ mới huy động được tối đa các nguồn lực. Trong đó, nguồn lực lớn nhất là trí tuệ, sức mạnh của cả dân tộc. Chỉ có dân chủ mới gây dựng được niềm tin trong xã hội” - ông Vân gửi gắm. 

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, tác động của COVID-19 sẽ tiếp tục đặt ra bài toán khó cho Chính phủ khóa mới. Theo bà, dù dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 nhưng phải tới năm 2021, những khó khăn của đại dịch mới “phát lộ”, mới ngấm vào nền kinh tế. Việt Nam đã đạt được nhiều kỳ tích, được quốc tế đánh giá cao, nhưng vẫn cần hết sức tỉnh táo để có những giải pháp phù hợp, bởi không chỉ người nghèo mà cả người giàu cũng bị đại dịch gây ảnh hưởng. 

Theo bà Phong Lan, Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều nỗ lực, nhưng ở một số ngành vẫn còn nhiều điều đáng nói: “Cụ thể, về giáo dục, chúng ta chưa giải quyết được vấn đề triết lý giáo dục, kết quả giáo dục chưa sát thực tế, đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, vấn đề giáo dục nhân cách con người chưa như mong đợi...”.

Cũng theo bà, cơ chế tài chính trong ngành y tế vẫn còn là mối lo, dễ gây nảy sinh tiêu cực. Bà mong Chính phủ khóa mới có những cải cách thực sự đột phá trong giáo dục và y tế - hai lĩnh vực gần gũi với đời sống của người dân. 

Đại biểu Tô Thị Bích Châu băn khoăn về vấn đề phát triển văn hóa Việt: “COVID-19 gây nhiều khó khăn cho chúng ta. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi nền kinh tế dần phục hồi, văn hóa là yếu tố đầu tiên cần chú ý để xây dựng bản sắc con người Việt Nam nhiều giá trị”. 

Hôm nay, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm các phó thủ tướng

Ngày 7/4, theo chương trình kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số phó thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên của Chính phủ. Quốc hội cũng thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm phó chủ tịch và một số ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. 

Minh Quang

 

 
TIN MỚI