Khó vay tiền ngân hàng do hạn mức eo hẹp

27/06/2022 - 07:19

PNO - Đã có tình trạng khách hàng bị từ chối cho vay vốn hoặc chậm giải ngân hơn trước do ngân hàng không còn hạn mức tín dụng (hay còn gọi là cạn room).

 

Nhiều ngân hàng đang sắp cạn hạn mức cho vay và mong muốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp thêm hạn mức - ẢNH: THANH HOA
Nhiều ngân hàng đang sắp cạn hạn mức cho vay và mong muốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp thêm hạn mức - Ảnh: Thanh Hoa

Nhân viên ngân hàng ngại nhận hồ sơ vay 

Chị Nguyễn Cẩm Tú (Q.Bình Tân, TPHCM) kể, khi định mua nhà, chị được một nhân viên tín dụng hứa hỗ trợ vay ngân hàng 80 - 90% giá trị tài sản thế chấp, giải ngân trong vòng một tuần. Đinh ninh hồ sơ vay sẽ được duyệt, chị quyết định đặt cọc 30 triệu đồng để mua căn hộ chung cư 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó ngân hàng thông báo chưa thể giải ngân khoản vay của chị mà phải chờ đến giữa tháng Bảy. “Do không thể rút lại số tiền đặt cọc, tôi bèn liên hệ ngân hàng khác để vay nhưng được thông báo phải chờ. Nhân viên ở đây cho biết do hạn mức tín dụng của ngân hàng này cũng gần cạn” - chị Tú kể. 

Bà Ngọc Bích - giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại P.An Lạc, Q.Bình Tân - cho biết, hàng loạt ngân hàng như Á Châu (ACB), An Bình (ABBANK), Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn (SCB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), Phương Đông (OCB)… đều có vẻ như sắp cạn room tín dụng nên việc giải ngân bị chậm lại. Chỉ có các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng nước ngoài vẫn cho vay. 

“Trước đây, khách nộp bao nhiêu hồ sơ, nhân viên ngân hàng cũng nhận. Bây giờ, có nhân viên chỉ dám nhận hai bộ hồ sơ/ngày, số còn lại phải xếp hàng chờ, nếu có khách hàng nào tất toán khoản vay sớm (ngân hàng có thêm hạn mức tín dụng) thì khách được giải ngân sớm. Có ngân hàng thông báo, phải qua hết tháng Bảy mới có thêm hạn mức” - bà Ngọc Bích nói. 

Theo một nhân viên tín dụng của Maritime Bank, nhu cầu vay vốn sau đợt cao điểm dịch COVID-19 có xu hướng tăng cao nên hạn mức tín dụng nhanh chạm mức trần hơn so với cùng kỳ các năm trước. Gần đây, nhân viên tín dụng gặp nhiều áp lực do bị khách phàn nàn việc chậm giải ngân vốn. 

Nhiều ngân hàng đang xin nới hạn mức 

Các ngân hàng đang gần hết hạn mức tín dụng là do tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm 2022 khá mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), tính đến ngày 9/6, tín dụng toàn ngành tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNNVN chi nhánh TPHCM - cho biết, trong sáu tháng đầu năm, dư nợ tín dụng ở TPHCM tăng trưởng khoảng 9,3% so với cuối năm 2021, là mức tăng trưởng cao. 

Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đánh giá, sau đợt cao điểm dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn tăng mạnh. Ngân hàng này được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 10% so với dư nợ cho vay năm 2021. Đến nay, tổng mức cho vay của Vietcombank đã gần hết mức được cấp. 

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% nhưng đã sử dụng gần hết mức này ngay từ tháng 3/2022. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng được giao chỉ tiêu tăng trưởng 10% cho cả năm 2022 nhưng đến tháng Tư đã phát vay sắp chạm mức này. 

Do sắp hết hạn mức tín dụng nên một số ngân hàng phải ra thông báo dừng hoặc hạn chế giải ngân cho vay mua bất động sản. Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank - nói: “Đầu năm 2022, ngân hàng được giao room tín dụng tăng 7%. Đến nay, Sacombank đã sử dụng gần hết room. Chúng tôi mong sớm được nới room để giải quyết thêm nhiều hồ sơ vay vốn”. 

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sau đợt dịch, không ít doanh nghiệp khó khăn về tài chính, một số vẫn phục hồi được và có tài sản đảm bảo để đáp ứng các tiêu chí xét vay của ngân hàng. Nhìn chung, các doanh nghiệp đang rất khát vốn. Trong bối cảnh đang có gói hỗ trợ lãi suất 2% (gói 40.000 tỷ đồng), NHNNVN nên phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. 

Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “NHNNVN thường dựa vào quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn, quy mô khách hàng, xếp hạng của từng tổ chức tín dụng… để cấp hạn mức tín dụng. Nếu ngân hàng nào huy động tốt, tuân thủ yêu cầu thì được NHNNVN tăng hạn mức lên từ 10 - 20%. Hiện không còn nhiều nước sử dụng công cụ hạn mức tín dụng như Việt Nam. Theo tôi, nếu NHNNVN điều phối linh hoạt thì nên bỏ luôn chế độ hạn mức này để các ngân hàng tự quyết định kế hoạch kinh doanh của mình”. 

Theo giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP tại TPHCM, một số ngân hàng đang e ngại việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng do sắp cạn room tín dụng. Hiện các ngân hàng đang xin nới room tín dụng nhưng cũng không chắc được cấp hay không.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - cho rằng, NHNNVN nên xem xét mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý. Nếu không, sẽ khó triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%. 
Tuy nhiên, do giá nguyên liệu sản xuất tăng, việc nới hạn mức tín dụng có thể tăng lạm phát. Do đó, NHNNVN buộc phải cân nhắc kỹ việc nới hạn mức tín dụng, rà soát kỹ hoạt động tín dụng xem dòng vốn đi có đúng hướng hay không, dư nợ ở một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản có cao không. Do đó, hạn mức được cấp thêm sẽ không nhiều. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI