Khi không còn “thuần Hàn”, K-pop sẽ ra sao?

21/05/2025 - 09:55

PNO - Nhóm nhạc KATSEYE do công ty Hàn thành lập tại Mỹ vừa lọt Billboard Hot 100 – đánh dấu bước ngoặt khi K-pop không nhất thiết phải đến từ Hàn Quốc.

K-pop giờ là công nghệ sản xuất

Ngày 17/5, ca khúc Gnarly của nhóm nhạc nữ đa quốc tịch KATSEYE, do công ty HYBE (Hàn Quốc) sản xuất tại Mỹ, chính thức lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100 ở vị trí 92. Đây là nhóm nhạc “K-pop phiên bản địa phương” đầu tiên không hoạt động tại Hàn Quốc nhưng vẫn ghi dấu ấn trên bảng xếp hạng âm nhạc danh giá của Mỹ.

VVS, một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc được sản xuất bởi nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ Paul Bryan Thompson
KATSEYE, nhóm nhạc nữ bản địa của HYBE tại Hoa Kỳ

Gnarly đậm màu sắc thể loại hyperpop và ít yếu tố K-pop truyền thống, một lựa chọn có chủ đích, cho thấy hướng đi mới cho làn sóng K-pop toàn cầu. Cùng ngày, Billboard cũng đưa KATSEYE và NewJeans vào danh sách “21 nghệ sĩ dưới 21 tuổi nổi bật”, điều này càng củng cố tầm ảnh hưởng toàn cầu của K-pop.

Paul Bryan Thompson, nhà sản xuất người Mỹ, hiện là CEO của công ty MZMC, một trong số ít người nước ngoài từng xây dựng và cho ra mắt nhóm nhạc nữ K-pop. Gia nhập JYP Entertainment (công ty đứng sau các nhóm nhạc đình đám như TWICE, Stray Kids...) từ năm 2013 và từng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ SM Entertainment, một “ông lớn” khác trong ngành K-pop, Thompson cho biết: “Suốt 10 năm qua, tôi luôn quan sát sự khác biệt giữa khán giả Hàn Quốc và người hâm mộ quốc tế yêu thích K-pop”.

Dưới góc nhìn này, K-pop đang trở thành “hệ thống sản xuất văn hóa” hơn là một thể loại âm nhạc thuần Hàn. Ngay tại Nhật, thị trường nước ngoài lớn nhất của K-pop, nhiều nhóm nhạc nội địa đang học theo mô hình đào tạo, quản lý của Hàn Quốc và gặt hái thành công.

Không chỉ Nhật Bản, mô hình này còn lan rộng ở Mỹ, Đông Nam Á và nhiều nước khác.

Thành công không phụ thuộc vào quốc tịch

Nhật Bản là nơi tiếp nhận mô hình K-pop mạnh mẽ nhất. Trong khi K-pop từng vay mượn từ J-pop, nay trật tự đã đảo chiều. Cựu thần tượng Sky-Hi – từng lo ngại Nhật sẽ phụ thuộc Hàn Quốc nếu tiếp tục xuất khẩu nhân tài, nay lại quay sang áp dụng mô hình K-pop để thành lập nhóm BE:FIRST, gặt hái nhiều thành công.

VVS, một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc được sản xuất bởi nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ Paul Bryan Thompson
VVS, một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc do nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ Paul Bryan Thompson thành lập

Tập đoàn viễn thông Nhật NTT cũng cho ra mắt nhóm nữ COSMOSY vào năm ngoái, theo công thức huấn luyện kiểu K-pop. Ngay cả những công ty kỳ cựu như Avex, từng làm việc với SM, cũng đã ra mắt nhóm ONE OR EIGHT, định hướng hoạt động toàn cầu và debut cả ở Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, ông Lee Soo-man, nhà sáng lập SM Entertainment, cũng tái xuất bằng việc thành lập nhóm nhạc nữ A20 May hoàn toàn gồm thành viên Trung Quốc. Ở Philippines, danh hài Jung Sung-han từng tham gia sản xuất nhóm SB19, sau đó tiếp tục cho ra mắt YGIG và PLUUS dưới mô hình tương tự.

Thành công của các nhóm nhạc “lai K-pop” còn lan ngược trở lại Hàn Quốc. Nhóm NiziU của JYP, gồm toàn bộ thành viên người Nhật, vừa giành chiến thắng đầu tiên trên chương trình Show! Champion (MBC M) với ca khúc tiếng Hàn Love Line. Đây là lần đầu tiên một nhóm nhạc K-pop bản địa hóa hoàn toàn chiến thắng trên sân khấu âm nhạc trong nước.

Theo giáo sư Yamamoto Joho (Đại học Ritsumeikan – Nhật), “K-pop không đơn giản là nhạc Hàn. Đó là một quy trình sản xuất văn hóa có gốc rễ từ Hàn Quốc, dựa trên hệ thống đào tạo nghiêm ngặt và gu thẩm mỹ đặc trưng”.

Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng không phải là ai hát, mà là họ được đào tạo và vận hành như thế nào. Thành công của NiziU là minh chứng rõ ràng rằng K-pop hoàn toàn có thể được ‘xuất khẩu’, bản địa hóa – mà vẫn giữ được bản sắc K-pop”.

Anh Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI