Khi cái ác được đám đông cổ vũ

07/10/2019 - 13:24

PNO - Một khi kẻ ác tự do bỡn cợt với luật pháp lại trở thành “niềm cảm hứng” cho đám đông - như cảnh những người biểu tình tung hô Joker trong phim, thì càng đáng sợ hơn nữa.

Một tác phẩm có tựa đề Joker - gã hề, nhưng suốt phim chẳng thể kiếm ra những tình tiết hài hước, mà ngược lại, đầy những ám ảnh xót xa phận người. Bản thân nhân vật chính cũng luôn bật ra những tràng cười, nhưng tiếng cười đó không mang lại cảm giác vui vẻ cho người xem. Đạo diễn Todd Phillips đã làm những điều trái ngược như vậy về một bộ phim nhân vật phản anh hùng, chuyển thể từ truyện tranh thường thấy trên màn ảnh Hollywood. Nhưng chính điều đó lại tạo nên đỉnh cao cho Joker - một bộ phim khắc họa quá trình biến đổi một con người từ khi là một diễn viên hài lương thiện, cho đến lúc trở thành “hoàng tử tội phạm” của thành phố Gotham.

Khi cai ac duoc dam dong co vu
Joaquin Phoenix với những gì đã thể hiện trong nhân vật Joker khiến người xem ám ảnh

Lấy bối cảnh thập niên 80 tại thành phố hư cấu Gotham, phim xoay quanh cuộc đời Arthur Fleck, một gã đàn ông kiếm sống bằng việc diễn hài. Mô-típ nhân vật nghèo khổ bị đẩy vào bước đường cùng, đứng dậy phản kháng, để rồi kết thúc trong bi kịch không có gì mới. Nhưng điều làm nên sự khác biệt cũng như tầm vóc của bộ phim đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice vừa qua này, là cách khắc họa có chiều sâu tâm lý tội phạm của đạo diễn Todd Phillips, qua đó lý giải nguồn cơn cái ác của con người.

Nhưng cũng chính sự lý giải này đã gây ra tranh cãi và cảm nhận trái chiều về bộ phim. Arthur Fleck ở đầu phim là một người lương thiện, luôn cố gắng mang tiếng cười đến cho mọi người. Nhưng căn bệnh không kiểm soát được tiếng cười của anh lại biến anh thành kẻ dị biệt trong mắt người xung quanh. Arthur bị bọn trẻ đường phố trêu ghẹo, đánh đập khi đang giả trang thành chú hề diễn trò để bán hàng. Arthur bị mẹ của đứa trẻ (mà anh đang cố làm trò cho bé vui) tức giận, vì nghĩ rằng anh quấy nhiễu con mình. Không một ai thông cảm cho căn bệnh của Arthur, dù anh luôn mang theo bên người tấm thẻ ghi rõ bệnh tình.

Dù bị đối xử tệ bạc, nhưng Arthur vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Anh muốn có một công việc ổn định để nuôi mẹ già và ước mơ trở thành một danh hài như Murray Franklin - ngôi sao hài kịch mà Arthur và mẹ đều thích. Hình ảnh Arthur trong bộ dạng tồi tàn, mệt mỏi leo lên từng bậc thang để về nhà, với góc máy đặt thấp và quay từ phía sau, như một ngụ ý cho khát vọng hết sức nhọc nhằn để làm người lương thiện. Điều này trái ngược với lúc Arthur đã biến thành kẻ ác. Hắn ăn diện sặc sỡ, tô vẽ gương mặt kỹ càng, và nhảy múa trên từng bậc tam cấp. Vẫn chiếc cầu thang ấy, nhưng giờ đây góc máy đặt trực diện, và nhân vật đi từ trên cao xuống - một hình ảnh “thay lời muốn nói” cho quá trình trượt dài trong tội ác của nhân vật. Làm người tốt khó bao nhiêu thì làm người xấu dễ dàng bấy nhiêu. 

Khi cai ac duoc dam dong co vu
Khi cái ác nhảy múa và còn được cổ vũ bởi đám đông thì càng đáng sợ hơn

Cột mốc khiến Arthur chuyển mình thành Joker là khi anh lỡ tay nổ súng giết chết ba tên trí thức có hành vi quấy rối tình dục một cô gái trên tàu điện ngầm. Xuất phát chỉ là một hành động phản kháng khi bị ba kẻ kia bắt nạt, nhưng cảm giác thỏa mãn vì đã trả thù được những kẻ hành hạ mình - điều Arthur chưa từng dám làm - trở thành nguồn cơn cho những tội ác sau này của Joker. Siêu ác nhân Joker không có siêu năng lực, nhưng cái ác của hắn khiến người xem rùng mình kinh hãi. Bởi đó là sự đáp trả chủ động trước hoàn cảnh mà bản thân tiếp nhận. Và một khi kẻ ác tự do bỡn cợt với luật pháp lại trở thành “niềm cảm hứng” cho đám đông - như cảnh những người biểu tình tung hô Joker trong phim, thì càng đáng sợ hơn nữa. 

Joker không hề ân hận sau khi giết người, thay vào đó là cảm giác hả hê, sung sướng vì trả lại xứng đáng những gì mà đối phương đã đối xử với hắn. Tranh cãi nổ ra nằm ở việc đạo diễn Todd Phillips đã lý giải tài tình về diễn biến tâm lý của nhân vật khiến người xem đồng cảm với Arthur/Joker, nhưng không phải ai cũng chấp nhận việc làm của hắn. Nếu ai cũng như Joker, ném trả lại xã hội theo cách thức tiêu cực mà bản thân nhận được, thì cuộc đời chỉ toàn những người xấu, bởi làm sao xóa hết bất công trong xã hội. Bộ phim Joker, vì thế đem lại tác động tích cực hay tiêu cực, sẽ tùy góc nhìn, cảm nhận của người xem. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI