Học phí quá thấp là bước lùi với đào tạo y khoa

28/06/2020 - 13:30

PNO - Đó là nhận định của đại diện các trường tại cuộc họp Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành sức khỏe ngày 25/6.

Học phí ngành y dược tại Việt Nam rất “rẻ” so với nước ngoài

Giải thích mức học phí dự kiến gây xôn xao dư luận, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM, cho biết: căn cứ để trường xây dựng mức học phí là dựa trên Luật Giáo dục đại học sửa đổi - còn gọi là Luật số 34, Nghị định 99, Thông tư số 14. Mức học phí này dựa trên chi phí cần thiết để đào tạo sinh viên, cốt lõi là đảm bảo được chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hiện học phí này vẫn chưa tính đúng tính đủ, kể cả với mức học phí dự kiến mà mọi người cho rằng cao thì thực tế trường vẫn phải bù lỗ cho người học.

Học sinh tìm hiểu ngành sức khỏe tại buổi tư vấn hướng nghiệp của các trường đại học - Ảnh: Đại Minh
Học sinh tìm hiểu ngành sức khỏe tại buổi tư vấn hướng nghiệp của các trường đại học - Ảnh: Đại Minh

“Để nói học phí cao hay thấp, có nhiều yếu tố quyết định. Ví dụ, ít nhất có ba yếu tố: cơ sở vật chất, trang thiết bị; chương trình đào tạo; đội ngũ giảng viên. Đây là ba yếu tố quan trọng cấu thành mức học phí”, PGS Tuấn nói.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn kiên quyết rằng học phí khối ngành y dược quá thấp không thể đào tạo được nhân lực bậc cao và để sinh viên cạnh tranh trong khu vực. Đại diện nhiều trường khối ngành đào tạo sức khỏe thừa nhận, mức học phí khối ngành đào tạo sức khỏe ở các trường ĐH hiện nay vẫn ở mức rất thấp so với các nước trên thế giới. 

Với chính sách học phí hiện nay rất khó để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi chương trình, tài liệu, giáo trình “xịn”… đều phải mua. Mức học phí thấp cũng gây khó trong việc giữ chân giảng viên giỏi. Những cái khó như mất giảng viên, khó nâng cao chất lượng giảng dạy, mất mã ngành, thụt lùi so với các nước trong khu vực… là những nguy cơ nhóm trường sức khỏe gặp phải khi mức học phí quá thấp. 

Học phí giậm chân: trường và người học đều thiệt

“Thời gian qua, trường đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo. Sinh viên được trải nghiệm lớp học nhóm nhỏ, trung tâm mô phỏng (số 1 Việt Nam), chương trình đào tạo phối hợp với Trường Y Havard xây dựng. Đội ngũ giảng viên khá hùng hậu. Nếu đối đãi không tốt thì khó giữ chân được họ”, PGS Tuấn nói thêm.

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, thời gian qua, trường cố gắng giữ chân được giảng viên nhưng với tình hình hiện nay, việc này sẽ càng khó khăn hơn. Có một số giảng viên đã chuyển công tác. Nhiều người khác, kể cả thành viên ban giám hiệu, cũng bị bên ngoài lôi kéo, mức lương họ trả gấp mười lần của trường.

“Nếu không có thay đổi về học phí, nguy cơ trường mất mã ngành đào tạo rất lớn do không đủ giảng viên. Học phí như hiện nay mà đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao là bất khả thi”, PGS Xuân nhấn mạnh. 

Hiện nay, học phí tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 13 triệu đồng/năm. Trường đã xây dựng mức học phí 32 triệu đồng/năm nhưng chưa được duyệt. Trường đang liên kết với hơn 60 bệnh viện đào tạo thực hành, thực tập cho sinh viên. Mỗi khóa sinh viên sang thực tập, thực hành, trường đều phải nộp cho bệnh viện khoản phí tương ứng với số sinh viên. Đây là chi phí để bệnh viện cho người hướng dẫn, mua đồ dùng, thiết bị cho sinh viên dùng trong quá trình thực tập. Nhưng lâu nay, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay ĐH Y Dược TP.HCM chỉ chuyển cho bệnh viện một khoản phí tượng trưng.

“Ở TP.HCM, phần lớn các bệnh viện đã thực hiện tự chủ, kinh phí cho sinh viên thực hành cũng phải tăng. Có bệnh viện đã yêu cầu trường đóng mức phí mới gấp mấy chục lần mức phí hiện nay. Vì mức phí hiện nay còn không đủ để bệnh viện mua xà phòng rửa tay cho sinh viên. Nhưng tiền đâu mà chúng tôi đóng. Tôi phải năn nỉ các bệnh viện giữ mức phí thực tập như trước hoặc tăng từ từ để trường có thời gian chuẩn bị”, PGS Xuân cho biết. Và ông phải thuyết phục các bệnh viện rằng trường đào tạo sinh viên chính là nguồn nhân lực cho bệnh viện. Do đó, trường và bệnh viện cùng chia sẻ chi phí thực tập.

Học phí thấp không chỉ gây khó khăn cho nhà trường mà bản thân sinh viên cũng sẽ thiệt thòi. Đó là điều kiện thụ hưởng cơ sở vật chất, học liệu, giảng viên… Bên cạnh đó, hiện nay, sinh viên một số trường y tại Việt Nam có thể thi bằng tương đương để hành nghề y khoa tại Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2020, nếu trường ĐH không được kiểm định chất lượng và được công nhận bởi Liên đoàn Đào tạo y khoa thế giới, sinh viên sẽ không được tham gia kỳ thi này. Thế nhưng, theo PGS Tuấn, học phí thấp khiến các trường khó thực hiện việc này và đó là bước lùi đối với đào tạo y khoa của Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng, tăng học phí khối ngành y dược là tất nhiên. Nhưng tăng trên cơ sở thế nào phải có công trình chứng minh tăng bao nhiêu lần là phù hợp, sinh viên sẽ được tăng thụ hưởng cụ thể ra sao… Nếu cần thiết, cần thành lập nhóm giúp khảo cứu về điều này.

Tiêu Hà

Từ khóa abc
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI