Hãy thương yêu nhau khi còn có thể

07/03/2021 - 12:19

PNO - Con người, trong mọi hoàn cảnh, rồi cũng phải sống tiếp nhưng ký ức sẽ nuôi dưỡng hoặc bào mòn ta, tùy cách ta trải qua. Nếu sống hiếu-lễ-nghĩa với người thân thương, ta sẽ không phải ân hận về sau.

Tôi nghĩ đó là lời nhắc nhở chân thành từ cuốn sách Có một ngày bố mẹ sẽ già đi (Nhà xuất bản Thế giới, nhiều tác giả) để những ai đi xa hãy cố gắng nhín chút thời gian mà về nhà, những ai ở gần hãy nhớ nhìn kỹ mặt những người thương quý ta. Nhìn kỹ để thấy những người thân yêu của mình đã già đi vì năm tháng và cả vì sự vất vả chăm lo cho con cái. 

Dẫu thời gian chẳng tha cho bất kỳ ai nhưng mỗi khi nghe bài hát Mừng tuổi mẹ, câu “Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần” tôi lại rưng rưng khi nghĩ về tuổi già và sự chia xa. Và tim tôi như hẫng nhịp khi đọc những dòng: “Năm tôi học lớp tám, ông nội mất. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến người thân qua đời, trong lòng vô cùng sợ hãi, thấp thỏm nghĩ: “Không biết ai sẽ là người thân tiếp theo rời bỏ mình?”. Đoạn trích này nằm ngay trang đầu của sách. Quả thật quá giống với suy nghĩ của mình. Tôi mất ngoại lúc niên thiếu. Ngoại là người thương yêu tôi vô bờ bến, có lẽ vì tôi là đứa bé từ nhỏ đã vắng bóng cha. Tôi rất hoảng sợ khi nghĩ đến một ngày má sẽ bỏ tôi mà đi, như ngoại. Mỗi lần nghĩ đến ngày đau buồn ấy, tôi khóc thật nhiều.

Những trang sách trong Có một ngày bố mẹ sẽ già đi kể về những người thân, với cả yêu thương và mất mát. Để rồi, đôi khi đã quá muộn ta mới nhận ra tình thâm quý giá đến thế nào. 

Luật tử sinh vốn bất tuân ý nguyện con người. Dù ta có thương cha mẹ, người thân nhiều đến đâu thì rồi cũng đến lúc họ rời đi. Nghiệm ra điều này sớm, ta sẽ trân quý hơn những phút giây còn được kề bên, xem đó như may mắn trong đời.

“Năm tháng vẫn mãi trôi, thời gian không trở lại. Bạn chẳng bận rộn như bạn nghĩ, năm tháng cũng không dài như bạn tưởng. Rồi một ngày, bố mẹ bạn sẽ già đi”. Nội dung trên chiếc bookmark (kẹp sách) có khiến ai suy nghĩ hay nhận ra rằng: ôi, ta từng nghĩ bố mẹ sẽ còn mãi, sẽ ở hoài nơi quê nhà để chờ ta, để ta đi xa bao nhiêu, bao lâu cũng có thể quay về…

Vô thường là điều đã được con người nhận diện rõ hơn bao giờ hết trong năm 2020 vừa qua, khi dịch COVID-19 tấn công toàn cầu. Hàng triệu người đã qua đời trong tình huống không thể gặp được người thân. Thật đau lòng nhưng đó là tiếng chuông nhắc nhở, như lời nhắc được gửi gắm nơi quyển sách.

Được chứng kiến bố mẹ già đi hoặc được cầm tay người thân chào tạm biệt trước lúc họ đi xa mãi mãi đã là… may mắn. 

Con người, trong mọi hoàn cảnh, rồi cũng phải sống tiếp nhưng ký ức sẽ nuôi dưỡng hoặc bào mòn ta, tùy cách ta trải qua. Nếu sống hiếu-lễ-nghĩa với người thân thương, ta sẽ không phải ân hận về sau. Việc chứng kiến sự già đi hay phải “sinh ly tử biệt” dẫu buồn nhưng sẽ không làm ta đau khổ vì day dứt, hối tiếc.

Đọc sách, tôi thích câu chuyện trong Còn bà nội, còn tết cũng bởi sự sâu lắng khi tác giả nhận ra “Người già là hạt nhân của gia đình, người già còn, trong lòng mọi người đều nhớ, vì thế sẽ không đi quá xa. Người già không còn, ai lo việc nấy, tình cảm cũng dần nhạt phai”. 

Ai đã từng trải qua những tháng ngày êm đềm bên gia đình luôn thèm nhớ cảm giác ấm cúng khi người thân tứ phương đoàn tụ. Khi những chất keo gắn kết không còn, các gạch nối yêu thương khác cũng trở nên lỏng lẻo. Lúc đó, chắc chắn ta sẽ biết ơn sâu sắc người lớn trong nhà. Họ như biểu tượng để con cháu thương nhớ quay về trong ấm áp tình thâm.

Trần Duy Thành

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI