Dựa bóng thần linh trục lợi

16/02/2014 - 11:26

PNO - PN - Lễ khai ấn đền Trần là một tập tục ra đời từ năm 1239. Tại phủ Thiên Trường, trước ngày Rằm vua Trần tế lễ tiên tổ, đồng thời mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trải bao thế kỷ, lễ nhiều lần bị gián đoạn do chiến tranh, ấn cũ không còn (khắc “Trần triều chi bảo”). Năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại ấn mới là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ, có thêm câu “Tích phúc vô cương”. Từ đó, lễ khai ấn vào giờ Tý ngày Rằm tháng Giêng (từ 11g đêm 14 đến 1g sáng ngày 15 tháng Giêng) là để nhà vua tế trời-đất-tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn non sông, tiền nhân. Đây cũng là “tín hiệu” nhắc nhở đã hết Tết, con dân quay về nhịp lao động bình thường.

 Thế nhưng, con dân đương đại lại suy ra rằng, “ấn” là “con dấu”, xin được ấn là được thánh thần phù hộ, độ trì để trong năm mình có con dấu (tức có quyền chức). Từ cái hiểu ấy, lễ khai ấn và hội đền Trần đã dần biến tướng thành một lễ hội cầu danh, cầu chức, với lũ lượt xe biển xanh chảy về tổng Thiên Trường - Nam Định ngày 14 tháng Giêng hàng năm.

Ấn xưa là do vua đích thân đóng, thực hiện nghi lễ tâm linh hướng tới việc an dân và tạ ơn tiền nhân. Ấn nay người ta bảo do ông từ giữ đền Cố Trạch đóng, nhưng chắc với hơn 30 vạn lá ấn (những năm trước) và 50 vạn lá ấn (của lễ hội 2014) thì có khi phải cần đến cả một... “trung đội ông từ” mới đáp ứng được! Lá ấn phải được đóng (và được phát) vào đúng nửa đêm, khi ngày 14 chuyển sang ngày 15 mới thiêng (?). Cũng vì đồn đoán kỳ bí vô cớ ấy mà lễ phát ấn trở thành lễ hội chen lấn đáng sợ nhất.

Mấy năm trước từng diễn ra cảnh cả vạn người chen nhau đè bẹp hàng rào bảo vệ, giẫm đạp lên nhau cướp ấn, cướp đồ lễ. Ai cũng sợ đến lượt mình thì hết lộc quan nên chen nhau bằng được, số người ngất xỉu tại chỗ và bị thương vô số. BTC lễ hội năm nay rút kinh nghiệm, huy động đến 2.000 người bảo vệ, chỉ phát ấn từ 7g sáng ngày Rằm, phát ròng rã cho đến hết 20 tháng Giêng. Dù vậy, vẫn có những đoàn thể, kể cả "đại diện lực lượng chăm sóc tâm linh" luồn lách để lấy được lá ấn “đúng ngày đúng giờ”. Nghĩa là, ấn cũng có suất ngoại giao, cũng có suất nhờ vả quen biết, thật đúng là “trần sao âm vậy”!

Dua bong than linh truc loi

Chen chúc trong khi chờ phát ấn là cảnh năm nào cũng diễn ra

Nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận, lễ hội đền Trần như một ví dụ cho tổn thất văn hóa, bởi truyền thống đã bị “diễn dịch” sai lạc theo một hệ quy chiếu thô thiển và cơ hội. Nhà nghiên cứu tín ngưỡng văn hóa dân gian - GS Ngô Đức Thịnh từng nói về mối nguy cơ trần tục hóa cái thiêng và đời sống tâm linh, thương mại hóa và quan phương hóa lễ hội đang phổ biến theo chiều hướng gia tăng. Có vẻ đền Trần cũng không tránh được “phong trào” đó (chẳng gì thì địa phương đã và đang khai thác lễ đền Trần như một cơ hội làm kinh tế, đặt “chỉ tiêu” phấn đấu thu 14 tỷ từ mùa hội 2014 này).

Việt Nam từng trải qua một giai đoạn dài cấm đoán lễ hội (khoảng ba thập kỷ, từ cuối 1960 đến đầu 1990). Lễ hội vắng bóng tuyệt đối, đình chùa bị phá, kéo theo nhiều phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa truyền thống - vốn là nơi nương tựa tinh thần của người Việt bị xóa sổ. Khi lễ hội được khôi phục lại, chưa kịp mừng là văn hóa truyền thống có cơ hội được phục hưng, thì đã thấy sự quá đà, nhiều lễ hội lớn trong số 7.000 lễ hội dân gian trở thành những điểm nhức nhối của ngành văn hóa. Giới nghiên cứu thì cho rằng, lễ hội nhân bản giống nhau là nguy cơ đầu tiên cần giải quyết, bởi nó giết chết sự đa dạng và bản sắc của phong tục.

Nhưng, có lẽ cái thảm họa sâu xa hơn của sinh hoạt lễ hội là nằm ở phần tâm lý bất an, những tham vọng không cùng của con người hiện đại. Đi lễ không phải để tham dự một sinh hoạt cố kết cộng đồng, để tìm an bình cho tâm linh, mà chỉ nhằm cầu xin vụ lợi. Chính vì cái đích đậm màu vật chất người ta đã không còn biết giữ mình ở chốn tôn nghiêm. Giẫm đạp nhau, nhét tiền vào tay Phật, sắm mâm cao cỗ đầy thay cho lòng thành, cứ thấy đình chùa là lao vào thắp hương đốt mã. Con người trong lễ hội đương đại dường như đang trở nên điên rồ và u mê.

Sẽ bao nhiêu người thăng quan tiến chức, giữ được bổng lộc nhờ phước 50 vạn lá ấn đền Trần? Có bao nhiêu người tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt nhờ vay nợ đền Bà Chúa Kho? Điều này chắc thánh thần cũng không trả lời được! Nhưng đến ngày lễ hội thì vẫn phải lũ lượt kéo đi để yên tâm mình được dựa bóng thần linh mà phát lộc.

 Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu