Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Hơn 200 tỷ đồng/km đường, ĐBQH băn khoăn?

06/01/2022 - 17:43

PNO - Nhiều ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn khi trung bình suất đầu tư cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là trên 200 tỷ đồng/km.

 

Các ĐBQH băn khoăn về suất đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025
Các ĐBQH băn khoăn về suất đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo tờ trình của Chính phủ, giai đoạn này sẽ đầu tư thêm 729km đường với tổng mức khoảng 146.990 tỷ đồng.

Tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và nhiều ĐBQH tính toán, trung bình, mỗi km đường cao tốc cần suất đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Còn theo tờ trình của Chính phủ, trung bình suất đầu tư cho 1 km cao tốc đường Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 175 tỷ đồng, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

ĐBQH Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai) đặt vấn đề, suất đầu tư như vậy có vẻ “hơi cao”, do đó cần xem xét và tính toán kỹ lưỡng. Tương tự, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng, cần phải xem lại suất đầu tư, đặc biệt về mặt kỹ thuật. Ông đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải phải xem xét rất kỹ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng băn khoăn về việc chuyển toàn bộ 12 dự án thành phần từ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, luật đầu tư PPP của chúng ta đang “chết dần”, nếu không có cách để kêu gọi nguồn vốn, cứ mãi đi theo đầu tư công sẽ là không ổn.

Giải thích những băn khoăn này của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ban đầu, Chính phủ dự định triển khai 4 dự án thành phần làm BOT, cũng đã thống nhất khi Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện. Tuy nhiên, thực tế, 4 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 16 ngàn tỷ đồng, chiếm 13% tổng mức đầu tư. Trong khi đó 87% đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Nếu đối chiếu với Luật đầu tư PPP thì không phù hợp, vì phải đảm bảo trên 50% vốn đầu tư dự án.

Thứ hai, theo quy chế hoạt động BOT, khoảng cách trạm 70km nên phương án thực hiện 4 dự án thành phần theo PPP cũng không thỏa mãn.

Do đó, 4 dự án này chuyển vào thành đầu tư công sẽ hiệu quả. Nhà nước sẽ chuyển nhường quyền thu phí hay nói cách khác sẽ đấu thầu để xây dựng các trạm thu phí. Bởi theo đề nghị ban đầu, sẽ đặt 4 trạm thu phí trong vòng 15 năm. "Chúng tôi tính toán lại, nếu đặt trong vòng 15 năm thì 1 trạm 1 ngày chỉ thu khoảng 730 triệu đồng, như vậy sẽ không hiệu quả bằng đầu tư công”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Ông cũng phân tích thêm, nếu giao cho tư nhân đấu thầu quản lý, chỉ thu hồi lại vốn trong 5 - 7 năm.

Khi xây dựng dự án này đòi hỏi giao Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng phương án đặt trạm. Sau đó đấu thầu công khai để lấy nhà đầu tư nào hiệu quả nhất...

Về mức đầu tư, đây là mức khái toán, dự báo thôi. Ở đây chưa lập dự án, thiết kế, phương án đền bù... Mức đầu tư đường cao thấp hiện nay phụ thuộc còn cả vào nền đường. Vấn đề này chỉ là khái toán. Khi lập dự án, phê duyệt từng dự án Bộ Giao thông - Vận tải phải chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của tổng mức đầu tư. “Tổng dự toán bao giờ cũng phải nhỏ hơn tổng mức đầu tư. Theo lý thuyết, quyết toán phải nhỏ hơn dự toán”, Bộ trưởng nói và cho rằng ĐBQH không nên quá băn khoăn về vấn đề suất đầu tư của dự án này.

H.Anh

 
TIN MỚI