Đỏ mặt, ù tai vì hài tết

07/01/2021 - 06:05

PNO - Còn hơn một tháng nữa mới đến tết Nguyên đán, nhưng thị trường giải trí đã bắt đầu rục rịch phục vụ khán giả. Trong đó, mảng hài tết đã có một vài sản phẩm đầu tiên như: "Tết ơi là tết 4, Cái tết của thằng khờ".

Tết ơi là tết 4 có sự tham gia của nghệ sĩ Chiến Thắng, Quang Tèo… vừa phát sóng trên YouTube cách đây vài ngày. Hiện, tập phát sóng đầu tiên thu về gần 800.000 lượt xem, hàng trăm bình luận. Tiểu phẩm lấy bối cảnh một vùng quê Bắc Bộ, để kết thúc năm cũ bằng một niềm vui lớn, làng quyết định tổ chức thi người đẹp làng, với sự tài trợ của đại gia Lý Hao Hao. Thành phần tham dự gồm người ở phố thị về, phụ nữ làm nông và cả những cô gái trẻ ở quê.

Ngay tập đầu tiên, Tết ơi là tết 4 đã xuất hiện cảnh những cô gái ăn mặc kiệm vải, hở hang. Họ có mặt trong ngôi nhà - nơi những vị đại gia bàn kế hoạch tổ chức cuộc thi - để phục vụ rượu, xoa bóp, hoặc hình ảnh những cô gái mặc váy ngắn ôm sát nằm ưỡn ẹo trên những băng ghế để được đo hình thể.

Những cô gái ăn mặc hở hang, nằm dài để được đo hình thể tạo nên hình ảnh phản cảm
Những cô gái ăn mặc hở hang, nằm dài để được đo hình thể tạo nên hình ảnh phản cảm

Những hình ảnh phản cảm như thế từng được dư luận lên tiếng mỗi mùa hài tết trước đây, trong rất nhiều sản phẩm như: Bản nhiều vợ, Làng ế vợ… Nhưng những điều xấu xí đó vẫn lặp lại, khiến người xem không khỏi đặt dấu hỏi về tư duy thẩm mỹ của đơn vị sản xuất, hay họ bất chấp để câu view?

Điều khiến người xem không khỏi băn khoăn còn là hình ảnh người phụ nữ được xây dựng trong sản phẩm này. Đầu phim, cảnh hai người phụ nữ đánh ghen, xưng hô “mày”, “tao” rất thô lỗ. Cô Mỡ là một người phụ nữ chua ngoa, đanh đá và luôn ức hiếp chồng. Cô cũng bị trêu chọc vì thân hình của mình. Còn những cô gái đến ứng tuyển hoa hậu, bị xem như một món hàng trong mắt đàn ông. “Thằng Véo, thằng Vẹo đâu, tống cổ hết các em vào xe để đưa về lò đào tạo”, “Lùa khẩn trương, lùa khẩn trương”, “Em nằm trên kia là của tôi. Đường cong rất mềm mại”, “Em nằm ở đây là của em. Đấy, của em đèo dốc cũng nhấp nhô”… là lời thoại của những nhân vật nam dùng để nói về các cô gái, khiến người xem không khỏi đỏ mặt, ù tai.

Cũng có cảnh, các cô gái xuất hiện mang tính gợi dục. Một cô tên Mơ ưỡn ẹo qua lại trước ống kính, sau đó tự vuốt mông và hỏi cô còn lại: “Mày có thấy mông tao đẹp không, đi thi hoa hậu được không?”. Cô còn lại đánh giá: “Chắc chắn phết”. Sau đó, cô dùng tay chỉ vào ngực cô Mơ và nói: “Của mày hơi giả đấy nhé, ít ra cũng phải như tao này”.

Cảnh ăn mặc kiệm vải, hở hang xuất hiện khá nhiều trong Tết ơi là Tết 4
Cảnh ăn mặc kiệm vải, hở hang xuất hiện khá nhiều trong Tết ơi là Tết 4

Những tiểu phẩm hài tết từng rất thịnh hành trong thập niên 1990, 2000. Người xem được cười thả ga, nhưng kèm theo đó là phê phán những tệ nạn như: nạn cờ bạc, mê tín dị đoan… Điều đó giúp tiếng cười trở nên ý nghĩa hơn. Đáng tiếc, một số sản phẩm hiện tại đã không làm được điều đó. Thậm chí, trong phần ba của Tết ơi là tết, xem xong khán giả cũng không hiểu nhà sản xuất, nghệ sĩ muốn gửi gắm điều gì, ngoài những đoạn quảng cáo, những lời thoại nhố nhăng, kệch cỡm… Không ít khán giả chọn xem tiểu phẩm này là do có sự góp mặt của những nghệ sĩ hài tên tuổi như: Chiến Thắng, Quang Tèo. Tuy nhiên, lại nhận lấy sự thất vọng ê chề khi phải đón nhận một sản phẩm như thế. 

Tập 1 của phim dài khoảng 48 phút, nhưng xuất hiện rất nhiều quảng cáo, từ gốm sứ, quạt trần, nhà hàng, spa, thẩm mỹ viện, thương hiệu thời trang, cho đến thực phẩm tăng cường chức năng sinh lý… Tất cả đều được thể hiện rất kém duyên, thậm chí rời rạc với kịch bản. Nhiều khán giả để lại bình luận phản ứng: “Xem hài mà thành ra chỉ xem quảng cáo”, “Tôi phí mất gần 50 phút chỉ để xem quảng cáo”…

Cảnh hai phụ nữ đánh nhau ở đầu tiểu phẩm:

 

ghi chú video

 Cụm từ hài tết dường như chỉ đang được dùng làm vỏ bọc. Điều này đã từng diễn ra trong phần trước đó của Tết ơi là tết, được trình làng vào tết Nguyên đán 2020. Hiện, trong gần 300 bình luận trên YouTube phần lớn đều lên tiếng tẩy chay sản phẩm này. Có lẽ, đây cũng là lúc khán giả đang dùng đúng quyền lực ngầm của mình, và cần mạnh mẽ hơn nữa để những mầm xấu không có cơ hội phát triển trong mảnh đất nghệ thuật giải trí. Hài không xấu, nhưng chính những sản phẩm như thế này đã khiến bộ mặt hài bị bôi bẩn. 

Trung Sơn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hoàng Sơn 09-01-2021 08:08:56

    Hài tết mình chỉ thích hài dân gian của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng. Vừa hay vừa thâm thúy,chứ mấy năm trở lại đây từ đại gia chân đất các kiểu đều cho chân dài vào ưỡn ẽo khoe hàng. Xem mất cả hay

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI