Điểm tựa tinh thần trong gia đình: Cần biết chấp nhận sự thay đổi

28/10/2022 - 07:12

PNO - Ngày 27/10, Hội LHPN TPHCM tổ chức tọa đàm “Gia đình - Điểm tựa tinh thần” hướng tới mục tiêu tìm giải pháp thực hiện công tác xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

 Gia đình Việt Nam đang có nhiều sự biến đổi 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định, tỷ suất sinh ở nước ta giảm liên tục trong 20 năm qua và TP.HCM là một trong những địa phương có tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân được ông đưa ra là lớp trẻ hiện nay kết hôn muộn, sinh ít, sinh muộn, thậm chí lựa chọn không sinh con.

Khảo sát cho thấy, lứa tuổi có tỷ lệ sinh cao nhất là từ 25-29 tuổi, tiếp theo là 30-34 tuổi. Đây là độ tuổi sinh sản tương đối trễ so với các địa phương khác. Điều này liên quan mật thiết đến việc kết hôn trễ của phụ nữ TP.HCM hiện nay: Năm 2021, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 29 tuổi (của cả nước là 26,2), năm 2019 là 27,5 tuổi (của cả nước là 25 tuổi). Thực trạng kết hôn và sinh con trễ dẫn đến quy mô thành viên gia đình ngày càng nhỏ lại. Năm 1979 nhân khẩu bình quân trong một hộ gia đình tại TP.HCM là 5,7 người, nhưng đến năm 2019 chỉ còn 3,5 người. Năm 2000, trung bình một phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ sinh 1,76 con, đến nay giảm còn 1,48 con. 

Buổi tọa đàm “Gia đình - Điểm tựa tinh thần” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức
Buổi tọa đàm “Gia đình - Điểm tựa tinh thần” do Hội LHPN TPHCM tổ chức

Không chỉ có những biến đổi về quy mô gia đình, thạc sĩ Nguyễn Xuân Anh - giảng viên Khoa Xã hội học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chỉ ra rằng, sự phát triển và hội nhập xã hội cũng cho thấy đã có sự biến đổi các mô hình gia đình, ví dụ như gia đình đơn thân, gia đình đồng giới ngày càng phổ biến. Đồng thời, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong gia đình cũng có sự chuyển biến với tư cách cá nhân. “Sự thiếu giao tiếp, đồng cảm giữa các thành viên trong gia đình đã đẩy nhiều gia đình đến tình trạng ly hôn, ly thân khi không có sự chia sẻ, không tìm được tiếng nói chung. Nhiều gia đình cố tình duy trì nhưng chỉ như cái “vỏ” chứ cái “lõi” không còn” - bà Trần Thị Phi Yến - Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN TP.HCM - khẳng định.

Ủng hộ thế hệ trẻ bước ra khỏi "vùng an toàn"

“Chúng ta cần cho con cái một điểm tựa để con biết rằng trong bất cứ lúc nào con khó khăn nhất, thì có cha mẹ bên cạnh. Điểm tựa ở đây không phải để cho con cái ỷ lại, mà là tạo niềm tin cho con dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng” - tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai nêu quan điểm.

Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Anh, điểm tựa tinh thần chính là hạnh phúc, sự hài lòng của các thành viên trong gia đình về tổng hòa các yếu tố khách quan, chủ quan trong đời sống. Và để đạt được hạnh phúc đó, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần xác định cho mình hệ giá trị chung định hướng tư tưởng, thái độ, hành vi. “Tuy nhiên, mặt trái của đô thị hóa cũng đặt ra không ít thử thách cho gia đình trong việc lựa chọn hệ giá trị và định hình. Khác với các nước phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, Việt Nam đề cao tính tập thể, cộng đồng. Do đó, cần duy trì và tạo ra những di sản, giá trị văn hóa gia đình và lan tỏa nó thông qua những hoạt động xã hội” - thạc sĩ Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Bởi vì “điểm tựa gia đình” thời hiện đại cần được xây dựng một cách đa chiều nên bà Nguyễn Xuân Anh cho rằng, thay vì cứ kêu gọi và tìm mọi giải pháp để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, nên chăng, chúng ta cân nhắc việc chấp nhận sự thay đổi của hệ giá trị mới trong gia đình, vì thế hệ trẻ ngày nay hướng đến những đặc trưng của công dân toàn cầu, họ được tiếp cận và hoàn thiện nhiều kiến thức, kỹ năng mới để sinh sống và làm việc ở nhiều môi trường khác nhau trên thế giới. “Không cổ xúy cho văn hóa lai căng, văn hóa du tạp… nhưng tôi ủng hộ thế hệ trẻ bước ra khỏi vùng an toàn về những giá trị truyền thống để dám sống, dám hành động để trưởng thành và chinh phục mục tiêu của cuộc đời” - thạc sĩ Xuân Anh nói. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI