Đi tìm hạnh phúc sau những tàn tro ở Nepal

11/06/2022 - 06:39

PNO - Suốt mười ngày ở Nepal, chúng tôi đã đi thật chậm, để lồng ngực mình căng tràn bầu không khí trong lành, để trái tim đầy ắp những cảm xúc bởi bao câu chuyện…

Trên đường phố Kathmandu
Trên đường phố Kathmandu

Những ngày chậm trôi

Sau khi kế hoạch đi Ấn Độ “đổ vỡ” vì trục trặc visa, tôi quyết tâm dành mười ngày nghỉ phép để đến khám phá Nepal. Một người bạn nói với tôi: “Này, nếu bạn không thích trekking thì 10 ngày ở Nepal sẽ rất… chán đấy”. Tôi vẫn thiết kế lịch trình thật chậm của mình ở Nepal: năm ngày ở Kathmandu (thủ đô) và năm ngày ở Pokhara (thành phố lớn thứ hai Nepal).

Sau 12 tiếng ròng rã chờ quá cảnh, thủ đô Kathmandu chào đón chúng tôi bằng bầu không khí mát mẻ. Từ sân bay về khách sạn, trong mắt tôi là một Kathmandu đầy sắc màu. Tán cây hoa tím phủ bóng mát cho những con đường nhỏ đầy dốc lượn, những phụ nữ mặc sari xanh, hồng tản bộ trên phố, các cô bé lấp ló sau cánh cổng nhà… Chúng tôi  ngang qua những thành quách của những ngôi đền trăm năm đỏ rực, khói từ việc hỏa táng vẫn nghi ngút bay lên.

Sáng hôm sau, đúng 8 giờ, chúng tôi có mặt ở sảnh khách sạn. Các nhân viên lễ tân ngạc nhiên: “Sao bạn không ngủ thêm tí nữa? Bạn đang đi du lịch mà?”. Ở Nepal, giờ làm việc bắt đầu từ 10 giờ, kéo dài đến 17 giờ. Đó là lý do các cửa hàng tại Thamel, khu phố sầm uất nhất Kathmandu (nơi chúng tôi ở), thường mở cửa rất muộn.

Người Nepal hạnh phúc vì sống vừa đủ, có tôn giáo và đức tin. Buổi sáng, tôi vẫn thấy những phụ nữ theo đạo Hindu ngửa mặt lên trời, rót nước xuống thảm cỏ xanh và cầu nguyện. Đối với người Hindu, mặt trời là một vị thần, bò cũng là một vị thần, một biểu tượng thiêng liêng, nên ai giết bò sẽ bị bắt ngay. Họ dùng tay để lấy thức ăn, đi chân trần trên đất để hành hương thật chậm rãi và bình yên.

Pashupatinath là ngôi đền cổ nằm trong thung lũng Kathmandu. Từ phía xa, chúng tôi thấy một làn khói trắng, nơi người Hindu thiêu xác và rải tro cốt xuống lòng sông. Cũng giống như Varanasi của Ấn Độ, người Hindu mất đi sẽ được mang đến đây. Người ta dùng nước thiêng để rửa mặt cho người quá cố, cầu nguyện và hỏa thiêu.

Nhờ niềm tin tôn giáo, họ có sức mạnh vực dậy mọi thứ từ tro tàn. Sau trận động đất năm 2015, có rất nhiều công trình trong quảng trường Durbar sụp đổ. Người ta đã kiến tạo lại mọi thứ, từ viên gạch nhỏ nhất.

Những ngày ở Kathmandu, tôi đi bộ len lỏi giữa những ngôi đền, khu phố nhỏ của người dân. Người Nepal thân thiện và hiền lành. Bất cứ khi nào gặp khách du lịch, họ cũng sẽ nói: “Nasmaste”, nghĩa là “xin chào”.

Ngôi đền cổ Pashupatinath
Ngôi đền cổ Pashupatinath

Ở thành phố trên mây

Chúng tôi bay đến Pokhara vào một ngày mưa tầm tã. Từ sân bay Pokhara, chúng tôi đi xe khoảng 30 phút để đến ngôi làng tuyệt đẹp bên những triền núi. Ngày bé, tôi rất thích đọc truyện Doraemon, trong đó có một tập mang tên Thành phố trên mây. Sarangkot khá giống những gì tôi tưởng tượng về thành phố ấy. Mây ôm lấy những quả đồi, ngôi nhà; lững thững trôi qua tầm mắt. Đứng ở Sarangkot, bạn có thể ngắm nhìn được vẻ đẹp của dãy Himalaya và lòng hồ xanh ngọc lục bảo của thành phố Pokhara.

15 năm trước, Sarangkot vẫn còn là một ngôi làng miền núi; hầu hết người dân địa phương làm nông, trồng trọt. Sau này, dù lượng khách du lịch ngày càng nhiều, kinh tế phát triển nhưng họ vẫn giữ được nhịp sống bình yên. Họ yêu thiên nhiên; thích trồng rau, nuôi gà… Chiều chiều, khói bếp lại nghi ngút bên những ngôi nhà nhỏ.

Suraksha Chapai, cô gái 20 tuổi, người cho chúng tôi thuê homestay, mỗi ngày đều chạy xe xuống thành phố Pokhara học đại học. Hơn mười năm trước, mẹ cô mở một cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ. Bà đã làm việc rất vất vả để có thể mua được mảnh đất dựng nhà. Chúng tôi gọi bà là “ama” (tiếng Nepal có nghĩa là mẹ). Người phụ nữ Nepal luôn đôn hậu và hiếu khách khiến tôi có cảm giác họ làm du lịch với tâm thế tràn đầy tình yêu và hạnh phúc. 
Buổi chiều, “ama” bắt đầu đi chợ và mua những con gà đồi Himalaya. Bà làm sạch gà, ướp cùng cà ri, một số loại thảo mộc rồi nướng. Bà vừa nướng gà vừa trò chuyện cùng chúng tôi trong không khí se lạnh của buổi chiều tối.

Giấc mơ từ Himalaya

Chúng tôi quay lại Kathmandu để chuẩn bị bay về Việt Nam. Một ngày trước khi rời Nepal, anh Shraban Adhikari, người đồng hành với chúng tôi suốt mười ngày, hỏi: “Bạn có muốn về nhà tôi chơi không?”. Chúng tôi nhanh chóng gật đầu.

Shraban Adhikari từ quê nhà Gorkha lên Kathmandu sinh sống ngót chục năm. Anh làm hướng dẫn viên, vợ anh có công việc văn phòng. Cả hai sống trong căn nhà trọ nhỏ cách phố Thamel khoảng 30 phút chạy xe.

Shraban Adhikari thuê hai phòng cạnh nhau, một phòng cho vợ chồng anh, giường được đặt cạnh bếp và bàn ăn của gia đình, còn lại là phòng ngủ của hai con. Theo Shraban, sở hữu một căn nhà ở Kathmandu là một điều xa xỉ. “Ở Nepal, phần lớn diện tích là đồi núi, giá nhà ở Kathmandu vượt quá tầm tay chúng tôi nhưng vợ chồng tôi vẫn làm việc chăm chỉ từng ngày, từng giờ để các con có cuộc sống ổn định…” - Shraban nói.

Nepal sở hữu 8/10 ngọn núi cao nhất thế giới. Hằng năm, du khách từ khắp nơi thường đến đây để thực hiện giấc mơ chinh phục Everest, nóc nhà thế giới. Shraban quanh năm mang vác hành lý cho khách trên vùng núi cao khắc nghiệt. Ở độ cao hàng ngàn mét so với mực nước biển, con người dễ bị say độ cao, chóng mặt, thiếu ô-xy, nôn… đồng thời đối mặt cái lạnh buốt giá có thể gây tử vong. Trong công việc, Shraban Adhikari rất tận tình hỗ trợ du khách. Anh luôn mày mò tự học tiếng Anh mỗi ngày. Anh kể, anh từng rất bực khi không thể giao tiếp với khách, không thể ăn một số loại thịt. Hiện tại, Shraban Adhikari đã trở thành hướng dẫn viên cho khách quốc tế. Câu chuyện này được anh kể cho Sabina Adhikari với hy vọng cô bé sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình.

Chúng tôi từng đến Bảo tàng International Mountain để tham quan, tìm hiểu những tư liệu và hiện vật gắn liền với cuộc chinh phục các đỉnh núi tuyết của Nepal. Như những bộ phim tôi từng xem, Everest trong đời thực cũng đầy rẫy sự khốc liệt và sức hấp dẫn lạ kỳ. Người leo núi phải bay đến Lukla, một sân bay nằm trên dãy Himalaya để bắt đầu hành trình. Hành trang của người chiến thắng là sức khỏe, lòng dũng cảm và quyết tâm bền bỉ. Người Sherpa quanh năm sống ở vùng núi, công việc chủ yếu của họ là mang vác đồ đạc, thức ăn cho khách du lịch. Himalaya là niềm tự hào của người Nepal, nơi khiến họ hạnh phúc, bình yên và cũng là nơi bao du khách tìm đến để thỏa đam mê chinh phục “nóc nhà” của thế giới.

Mây ôm lấy những ngôi nhà ở Sarangkot
Mây ôm lấy những ngôi nhà ở Sarangkot

- Hiện tại, từ Việt Nam sang Nepal chưa có đường bay thẳng nên phải quá cảnh tại New Delhi (Ấn Độ) hoặc Kuala Lumpur (Malaysia). Giá vé dao động từ 500-600 USD cho hai chặng khứ hồi. 
- Nếu chọn quá cảnh tại Ấn Độ, thời gian quá cảnh có thể kéo dài từ 5-12 tiếng, tùy tình hình chuyến bay. 
- Tại Nepal, dịch vụ du lịch tương đối phát triển. Ngoài tour định trước của công ty du lịch (bao gồm các dịch vụ khách sạn, ăn uống, tham quan), du khách có thể đặt landtour, tour được thiết kế riêng theo sở thích cá nhân. 
- Phương tiện di chuyển chủ yếu là taxi. Tuy nhiên, bạn cần thương lượng giá cả với tài xế trước vì giá taxi ở Nepal không tính theo km.
- Ẩm thực Nepal rất phong phú và đa dạng. Bạn có thể thử món Thakali, cơm truyền thống của người Nepal gồm xúp gà nấu đậu lăng, cơm nóng ăn kèm dưa muối chua và bánh roti.

Bài và ảnh: Ngọc Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI