'Dì Hai' của người lao động

13/07/2018 - 07:35

PNO - Là người phụ nữ làm kinh tế giỏi, hơn 20 năm nay, “dì Hai” của rất nhiều người lao động ở đây vẫn miệt mài theo đuổi ước mơ làm sao để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ánh nắng gắt giữa trưa hè nóng nực không ngăn được tiếng máy hàn, tiếng người nói lao xao trong khu xưởng sản xuất bánh tráng của chị Phạm Thị Minh Linh (SN 1972, 180/2C Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn, TP.HCM). Là người phụ nữ làm kinh tế giỏi, hơn 20 năm nay, “dì Hai” của rất nhiều người lao động ở đây vẫn miệt mài theo đuổi ước mơ làm sao để cuộc sống tốt đẹp hơn.

'Di Hai' cua nguoi lao dong
Chị Linh (phải) hỗ trợ nhân công đóng gói thành phẩm.


Tốt nghiệp cấp III ngay lúc cha mẹ làm ăn thất bại phải đi xa tìm công việc mới, một mình chị Linh chăm sóc 4 đứa em thơ. Không thể tiếp tục theo đuổi việc học, cũng không thể chờ đợi đồng lương mồ hôi nước mắt của cha mẹ, chị quyết định vừa làm phụ việc vừa học nghề trồng nấm. 

Tay trắng, “vốn liếng” của chị chỉ là suy nghĩ “mình không làm thì ai làm?”. Có chút kinh nghiệm khi làm phụ việc cho trại nấm, chị và các em không ít lần đối mặt với khó khăn. Có hôm giông gió kéo đổ sập cả giàn kệ. Lại dựng giàn, lại gầy nấm, có lẽ trời thương người biết cố gắng, nấm phát triển tốt, được mùa, thương lái tìm đến thu mua. Nhờ tính thật thà, lấy chữ tín làm đầu, trang trại nấm của chị Linh ngày càng mở rộng, sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Từ năm 1993 đến 1998, trang trại của chị Linh cung cấp nấm bào ngư, nấm rơm cho các tỉnh, thành, riêng mặt hàng nấm mèo khô đặc biệt được xuất khẩu sang Pháp. Chị Linh vui vẻ kể: “Có lẽ nhờ luôn giữ chữ tín trong kinh doanh, tôi được yêu cầu xuất khẩu bánh tráng. Vậy là từ năm 1998 đến 2000, tôi vừa sản xuất nấm, vừa đi thu mua bánh tráng”. Nghe qua thì thấy chị Linh như “thuyền gặp gió” nhưng khó khăn lại ập đến. Thời tiết thay đổi ngày càng nắng nóng, nấm đã khó trồng lại dễ bị sâu bệnh, sản lượng đầu ra thấp, chị Linh đành phải dừng việc trồng nấm sau bao năm gắn bó. 

“Trong từ điển cá nhân của tôi không có từ “bỏ cuộc”, không thể tiếp tục trồng nấm thì tôi chuyển sang sản xuất bánh tráng - chị Linh chia sẻ - nghề nào cũng có cái khó nhưng nếu mình cố gắng, dần quen với công việc thì sẽ thấy dễ dàng”. Những ngày đầu bắt tay vào công việc mới, chị và chồng quản lý một lúc ba cơ sở, mỗi cơ sở gần 30 nhân công, sản xuất hơn 30 loại bánh tráng. Do làm thủ công nên vừa phải đảm bảo chất lượng bánh, chị Linh vừa lo lắng chăm sóc nhân công để họ không quá vất vả. Quan tâm, động viên, nhắc nhở nhân công cố gắng, vợ chồng chị cũng không quên tạo điều kiện cho họ được nghỉ ngơi, vui chơi ăn uống vào những dịp lễ, tết.

Được sự giới thiệu của Hội LHPN, chị tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do các hội đoàn thể tổ chức, tiếp cận thông tin trên báo, internet để nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh. Để làm ăn bài bản hơn, chị tập trung cơ sở nhỏ lẻ thành một cơ sở lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, chất lượng bánh tráng được nâng cao, đảm bảo sản lượng yêu cầu.

Có với nhau hai mặt con, chồng chị Linh là cánh tay đắc lực của vợ. Chị kể, trong công việc anh rất nóng tính, nhưng đặc biệt thương con, chẳng la mắng bao giờ. Anh lo khâu máy móc sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, còn chị phụ trách nhân công, giấy tờ, sổ sách. Chị Linh cười vui: “Vợ chồng làm chung thì không tránh khỏi những lúc xảy ra mâu thuẫn, có khi mỗi người mỗi ý, cái tôi lớn nên không ai nhường ai. Sau những lần đó, vợ chồng tôi giao kèo với nhau, nếu có mâu thuẫn thì chỉ ở nơi làm việc, không được mang bực tức về nhà”.

Bận rộn với công việc nhưng vợ chồng chị luôn đảm bảo bữa cơm gia đình hằng ngày, đó là thời gian quý báu để anh chị tâm sự, chia sẻ và chỉ dạy những điều tốt cho con, nhờ đó hai con của chị đều rất tự lập. 5 năm qua, gia đình chị luôn được công nhận là gia đình văn hóa.

Nhận thấy lao động nông thôn nhàn rỗi trên địa bàn còn nhiều, chị Linh phối hợp với chính quyền địa phương xã tổ chức đào tạo tay nghề, giải quyết việc làm ổn định tại cơ sở của gia đình hằng năm từ 27 tới 30 lao động, tạo thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/người/tháng tùy theo năng lực. Chị cũng liên kết với các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn để hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho hơn 10 lao động có việc làm bán thời gian, qua đó hướng dẫn kỹ thuật làm, sản xuất kinh doanh bánh tráng. Trong 5 năm chị đã giới thiệu cho trên 50 hộ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất (không lấy lãi), đến cuối năm 2015 đã có 45/50 hộ làm ăn khá, thoát nghèo.

Là ủy viên ban chấp hành chi hội nông dân ấp, chị Linh luôn đi đầu trong các phong trào do Hội phát động, tuyên truyền đến các hội viên nông dân, cùng địa phương vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, vận động hiến đất, góp tiền làm đường… chung sức xây dựng nông thôn mới. Người phụ nữ ấy được mọi người thân thiết gọi là “dì Hai” với niềm cảm phục và quý mến. 

Diệu Nghiêm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI