Dậy sớm đón bình minh

23/04/2021 - 08:03

PNO - Sài Gòn “chất” nhất không phải là khung cảnh nhộn nhịp người qua lại, cũng không phải ánh sáng lung linh đầy màu sắc lúc lên đèn mà là những buổi sáng sớm bình yên, giản dị. Và có một cộng đồng người trẻ có thói quen dậy sớm, để cùng tìm năng lượng tích cực cho bản thân.

Lan tỏa niềm vui riêng

Khi cây kim ngắn của đồng hồ vừa điểm số 5, Lê Trần Anh Thư (23 tuổi, sinh viên năm tư Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) đã vùng ra khỏi chiếc chăn ấm áp. Sau khi vệ sinh cá nhân, làm vài động tác khởi động cho đầu óc tỉnh táo, Thư bắt đầu lấy sách vở ôn bài. Cô không quên chụp một bức ảnh “tự sướng”, đăng trên nhóm Dậy sớm học bài. 

Dậy sớm thể dục, thể thao là cách tạo năng lượng tích cực của nhiều người trẻ
Dậy sớm thể dục, thể thao là cách tạo năng lượng tích cực của nhiều người trẻ

Ngay lập tức, nhiều bạn bè phản hồi trên bài vừa đăng của Thư, đồng thời “khoe” hình họ cũng đang ôm sách vở cho buổi học lúc sáng sớm. “Mình tham gia nhóm được hơn nửa năm nay, thấy rất vui và có thêm động lực để học tập. Trước đó mình vẫn dậy sớm để học bài buổi sáng nhưng chỉ “mình biết mình”. Tình cờ có người bạn trong nhóm này rủ rê, mình tham gia thử và gắn kết luôn. Chúng mình vào đây không phải chỉ để chụp những tấm hình “làm màu”, mà tất cả đều thích dậy sớm học bài thực sự. Chúng mình thách thức lẫn động viên nhau cố gắng duy trì thói quen này. Niềm vui mỗi sáng sớm giúp đầu óc minh mẫn, học bài nhanh thuộc hơn” - Thư cho biết.

Khoe những món ăn được chuẩn bị kỳ công như gỏi cuốn, trứng chiên ngàn lớp hay những mẻ bánh mì vàng ruộm, nóng hổi… chị Thu Trang (32 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cho hay, tất cả đều do mình tự vào bếp làm mỗi buổi sáng. Theo lời chị, vốn là “tín đồ” của thức ăn đường phố, nên sáng hay trưa, chị đều đưa cả nhà ra ăn tiệm cho nhanh và tiện. Lần nọ, lướt Facebook, tình cờ thấy cô bạn thân khoe các món ăn tự nấu mỗi sáng cho chồng con ăn và mang đi làm, chị Trang rất ngạc nhiên và hào hứng. 

“Thực ra chồng con đều thích ăn ở nhà vì tôi nấu khá ngon và cũng thích nấu, nhưng do sáng nào cũng dậy muộn nên tôi chẳng thể làm được gì. Tôi được bạn giới thiệu vào nhóm Dậy sớm nấu ăn, thật bất ngờ vì nhiều thành viên cũng bận rộn như tôi nhưng họ đều nấu ăn cho gia đình mỗi sáng. Thế là tôi sắp xếp lại công việc, ngủ sớm - dậy sớm và làm những điều mình thích cho cả gia đình” - chị Trang chia sẻ.

Theo chị Trang, thời gian đầu, để dậy lúc 4 giờ 30 - 5 giờ là cả “một cực hình” đối với chị khi mắt cứ díp lại, tay chân uể oải, chẳng muốn rời khỏi giường. Dần dần thành quen, bây giờ chị còn dậy trước cả đồng hồ báo thức. “Nguyên liệu nấu cho bữa sáng luôn được tôi chuẩn bị từ tối, thức dậy bật bếp, 30 phút sau là có món ăn thơm ngon, nóng sốt. Chồng con cũng tập dậy sớm cùng tôi, có khi còn phụ bếp. Dậy sớm có thời gian cho chồng tập vài động tác thể thao nhẹ, con ôn bài đôi chút rồi cùng ăn sáng, thảnh thơi đi học, đi làm chứ không quáng quàng như trước” - chị Trang vui mừng khoe thành quả. 

Kết nối bạn bè khắp nơi

Chỉ cần gõ cụm từ “dậy sớm” trên Google, hàng loạt nhóm khuyến khích dậy sớm được lập ra đều ở chế độ công khai, ai cũng có thể đăng ký làm thành viên. Như nhóm Dậy sớm và đọc sách với hơn 480.000 thành viên, Dậy sớm để thành công tới 621.000 thành viên…

Việc thức dậy sớm là rất tốt cho sức khỏe của mọi người
Việc thức dậy sớm là rất tốt cho sức khỏe của mọi người

Nhóm 5h30’ dù mới thành lập cũng có hơn 3.000 thành viên và số lượng thành viên không ngừng tăng từng ngày. “Tính tôi hay nổi nóng, chồng con làm gì không vừa ý là tôi làm ầm lên. Từ lúc tham gia cộng đồng thiền và dậy sớm, tôi kiểm soát cảm xúc tốt hơn, công việc trôi chảy; gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười; quan trọng là sức khỏe đã cải thiện nhiều” - chị Thủy Tiên (37 tuổi, nhân viên một trường đại học ở Q.10, TPHCM), thành viên nhóm Thiền và đọc sách, chia sẻ.

Trước khi tham gia nhóm Dậy sớm để thành công, Võ Thị Hoài Thu (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Tài chính Marketing TPHCM) là “cú đêm”. Buổi sáng của Thu thường là lúc mặt trời đã lên đến ngọn sào. “Mình ở chung ký túc xá với bảy bạn, ai cũng thức khuya để học bài hoặc chơi game, tám chuyện đến tận 1-2 giờ sáng mới đi ngủ; riết rồi thành thói quen. Cà phê, trà đặc là “vật bất ly thân” của “cú đêm” tụi mình.

Trong một lần giao lưu giữa các phòng trong ký túc xá với nhau, có bạn “rủ rê” chúng mình tham gia nhóm Dậy sớm để thành công. Nghe ngồ ngộ, tụi mình tham gia thử, không ngờ ngoài việc có thêm thời gian cho nhiều hoạt động, mình còn cảm nhận được nhịp sống buổi sáng thật khác biệt, từ đám mây, ngọn gió, ánh nắng… cũng lạ. Dậy sớm còn giúp tinh thần sảng khoái, rất nhanh thuộc bài” - Hoài Thu hào hứng kể.

Là “tín đồ” mê đọc sách vào buổi sáng, không khó hiểu khi cô bạn Đào Anh Thư (17 tuổi), học sinh cấp III Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TPHCM) tham gia nhóm Dậy sớm và đọc sách. “Mục đích của nhóm lập ra để thay đổi tư duy của sinh viên theo hướng tích cực và phát triển. Trên trang của nhóm, các thành viên chia sẻ và tóm tắt những điều mình đọc được từ những cuốn sách yêu thích. Không chỉ đọc sách, nhóm còn giới thiệu những hoạt động thể thao, chia sẻ những câu nói hay, tạo động lực cho bản thân” - Anh Thư nói.

Dẫu rất ủng hộ việc dậy sớm nhưng theo anh Hồ Xuân Hoàn (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM), không phải ai dậy sớm cũng thành công, dậy trễ thì thất bại. “Tôi cho rằng việc thức dậy sớm là rất tốt với sức khỏe của mọi người. Người trẻ thức dậy sớm sẽ có thêm một quỹ thời gian, sẽ được hưởng không khí sáng sớm trong lành hơn trước khi đường sá bắt đầu đông đúc. Tuy nhiên, do tính chất công việc, hoàn cảnh nên vẫn sẽ có nhiều người không thể dậy sớm nhưng không phải họ là người không thành công” - anh Hoàn nêu quan điểm.

Đồng tình với việc thức dậy sớm, chị Minh Trang (31 tuổi, làm việc tại một công ty mỹ phẩm ở Q.1, TPHCM) cho rằng, dậy sớm sẽ làm được nhiều việc hơn. Cụ thể như khi dậy sớm, chị vừa tập thể dục vừa làm được việc nhà, phụ giúp chồng con trước khi đến công ty. Đối với một phụ nữ, hoàn thành bấy nhiêu việc trong một buổi sáng là một thành công lớn. 

Nếu bạn muốn tìm cho mình một điều mới lạ, thử thách chính mình, tập thói quen tốt và khám phá bản thân, hãy thử bắt đầu bằng thử thách 30 ngày dậy sớm: thức dậy lúc 4 giờ 30 hoặc 5 giờ sáng, lên kế hoạch sử dụng thời gian buổi sáng của chính mình (có thể tập thể dục, viết lách, chụp ảnh, nấu ăn…) và chia sẻ những hoạt động đó để lan tỏa năng lượng tích cực đến bạn bè, người thân. Giá trị mà mình thấy ý nghĩa nhất của việc thực hiện thử thách đó chính là sự lan tỏa và kết nối. Việc có những người thực hiện cùng mình, cảm nhận rằng mình có thể chia sẻ giá trị sống tích cực đến người khác là điều rất vui. 

Dậy sớm vận động, luyện tập thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe mỗi người (giúp tinh thần thoải mái, cải thiện làn da, tăng năng suất làm việc, tăng khả năng tập trung, nâng chất lượng giấc ngủ…). Hiện tại, phong trào rủ nhau dậy sớm không chỉ thu hút nhiều bạn trẻ tham gia mà cả người lớn tuổi cũng nhiệt tình hưởng ứng. Thời gian ngủ tốt nhất là lúc 21-22 giờ và dậy lúc 5-5 giờ 30.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển

Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TPHCM

 

Thiên Thiên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI