Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép sinh viên năm nhất chuyển ngành học

13/12/2022 - 07:56

PNO - Quy chế đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép sinh viên chuyển ngành học sau năm thứ nhất nếu đáp ứng một số điều kiện.

Tối 12/12, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đã ban hành quy chế đào tạo bậc đại học mới, áp dụng với sinh viên khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi.

"Điểm mới trong quy chế đào tạo đại học năm 2022 so với trước là cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết.

Sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội

Cụ thể, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học 1 ngành học khác nếu đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học; có số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo; điểm trung bình các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2,5 trở lên.

Ngoài ra, sinh viên có thể được chuyển ngành học nếu không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật; đơn vị đào tạo còn chỉ tiêu đối với ngành sinh viên muốn chuyển đến; được sự đồng ý của chủ nhiệm khoa/bộ môn (đơn vị chuyên môn phụ trách ngành đào tạo) và thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với các trường thành viên), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (đối với các đơn vị đào tạo trực thuộc).

Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng lưu ý quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học đối với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo các học phần trong ngành mới.

Quy chế mới cũng tiếp tục tạo điều kiện và cho phép sinh viên học cùng lúc 2 chương trình đào tạo theo hình thức đào tạo chính quy - và đây cũng là thế mạnh hấp dẫn thí sinh của 1 đại học đa ngành, đa lĩnh vực như Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tuy nhiên điều kiện để được học ngành thứ hai được bổ sung với quy định chặt chẽ hơn. Sinh viên phải đã học ít nhất 2 học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất, và nếu điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai đạt từ 2,0 trở lên thì sinh viên phải đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; còn nếu đạt từ 2,5 trở lên thì sinh viên chỉ phải đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

Quy chế áp dụng đối với các đơn vị và cá nhân tham gia vào quá trình đào tạo bậc đại học theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, bao gồm chương trình đào tạo và thời gian học tập; tổ chức và quản lý đào tạo; nghiên cứu khoa học của sinh viên; quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên; kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập; công nhận tốt nghiệp.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI