"Củi khô, củi tươi" hãy nhìn cầu ông Bình mà soi lại mình

29/06/2022 - 13:13

PNO - Giữa những thông báo xót xa cho hay “nhiều cây củi gộc vào lò”, câu chuyện tử tế về cầu ông Bình làm cho lòng nhiều người đọc rưng rưng.

Nhiều tên cầu ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, thi ca. Những cái tên như Trường Tiền, Long Biên, Hàm Rồng hay Rào, Đất... mà khi đọc lên ai cũng hình dung hình dáng và vị trí của nó. Nhiều tên cầu người ta gọi mãi thành danh, chứ vốn dĩ khi xây nên cũng chẳng có tên. Có những tên cầu gắn với một người nào đó, lý do mang tên người ấy phải nhờ nhiều nhà nghiên cứu chúng ta mới biết. Có những tên cầu vừa độc, vừa lạ người ta nói nhiều trên mạng như Rạch Chim, Xẻo Bướm… Có khi người ta gọi tên cầu để nhớ ơn người có công xây cầu. Cũng có khi chỉ là tên của người có nhà gần đó người ta gọi để dễ biết vị trí.

Ở vùng đất phương Nam chằng chịt kênh rạch này đi đâu cũng gặp cầu lớn, cầu nhỏ. Nhiều người muốn xây cầu với điều kiện được quyền đặt tên. Nhưng cũng có nhiều người, nhiều đội tình nguyện, nhóm từ thiện huy động tài lực của nhiều người hảo tâm, xây cầu chỉ nhằm xóa những cầu khỉ gập ghềnh cho các em nhỏ an toàn khi đi học, đi chơi, cho bà con thuận tiện đi lại làm ăn. Nhiều người, nhiều nhóm, đội... đã tổ chức làm cầu như vậy, họ đã xây nên hàng chục, hàng trăm cây cầu khắp nơi. Nếu lấy tên mình đặt cho cầu thì sao phân biệt cầu này với cầu khác. Mà họ đâu có quan tâm đến cái tên. Cầu xây xong lại lo làm sao để xây thêm cầu khác. Vốn mục đích của họ đâu phải để “lưu danh thiên cổ”.

Cầu Ông Bình bắc qua sông Ô Lâu
Cầu Ông Bình bắc qua sông Ô Lâu

Mới đây tôi đọc tin thấy người dân xã Phong Thu, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt tên một cây cầu trong xã, bắc qua sông Ô Lâu là cầu ông Bình để nhớ ơn ông Nguyễn Văn Bình - cố Chủ tịch huyện Phong Điền, người liệt sĩ đã hy sinh trên đường vào cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, trong trận lũ lịch sử năm 2020.

Nếu chỉ là tên một cây cầu, cái tên “cầu ông Bình” chung chung thì chưa xứng với tầm vóc của một cán bộ hết lòng vì dân vì nước. Nhưng đó lại là tấm lòng của người dân xã Phong Thu. Họ tha thiết nhớ công người cán bộ đã tận tụy, biết lắng nghe nguyện vọng của dân, quên thân mình, hết lòng vì dân vì nước. Để rồi mai đây nhiều thế hệ đàn em đi qua cầu đó, chắc chắn sẽ thắc mắc “ông Bình là ai ?”. Và câu chuyện về người liệt sĩ hy sinh năm 42 tuổi đó, lại được nhắc lại đời này qua đời khác. Một tấm gương sáng để giáo dục cho thế hệ đời sau.

Giữa những thông báo xót xa cho hay “nhiều cây củi gộc vào lò”, câu chuyện tử tế về cầu ông Bình làm cho lòng nhiều người đọc rưng rưng. Người ta biết rằng dù lò vẫn cháy nhưng rừng vẫn còn nhiều cây vươn cao, đứng thẳng, lồng lộng giữa lòng dân. "Củi khô, củi tươi" hãy nhìn cầu ông Bình mà soi rọi lại mình. 

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI