Chia tay… những bếp ăn của Hội

01/10/2021 - 06:54

PNO - Vượt lên những khó khăn, các bếp ăn của Hội ở Q.4 vẫn duy trì đến ngày cuối cùng để góp phần chăm lo an sinh xã hội và phòng, chống dịch...

Gần bốn tháng đồng hành, những suất cơm nghĩa tình của các “Bếp ăn nhà Hội” tại Q.4, TP.HCM đã trở thành niềm mong đợi mỗi ngày của bao người khó khăn, già yếu, neo đơn. Đến ngày kết thúc, hoạt động ấy đã để lại những xốn xang trong lòng của người nhận, người trao.

Những suất cơm cuối cùng

Tôi ôm 14 suất cơm, ngồi sau xe chị Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN P.8, Q.4 - đi dọc đường Tôn Đản, rẽ vào những con hẻm nhỏ, vòng vèo như mê cung. “Qua chỗ hai bé này trước đã. Chắc chúng nó đang chờ mình” - chị Thúy nói với tôi. Chị Thúy dừng xe trước cửa ngôi nhà đang bị giăng dây và có biển báo F0, hai em bé, một gái một trai, mỗi đứa cầm một cái rổ đứng chờ sẵn ở ngạch cửa. Bé gái tên N.T. (bảy tuổi), bé trai tên V.K. (bốn tuổi). Cả 14 người trong gia đình bé T. lần lượt đi cách ly điều trị COVID-19. Bé T. cũng nhiễm bệnh, nhưng còn nhẹ, nên được cho cách ly, điều trị tại nhà. Ngày lập danh sách đưa mọi người đi cách ly, để gia đình yên tâm, Hội Phụ nữ phường hứa sẽ lo chuyện cơm nước cho bé. 

Còn trường hợp của V.K. lại khác. Hai tháng trước, K. theo bà nội từ An Giang lên TP.HCM để phẫu thuật bỏ đi một con mắt vì ung thư. Sau phẫu thuật, cháu phải ở lại xạ trị, nên hai bà cháu bị kẹt lại đây, phải nương tựa vào họ hàng là nhà bé T. Vì vậy, ngoài suất cơm cho T., Hội Phụ nữ P.8 tặng thêm hai suất cho bà cháu K. để họ yên tâm phần nào.  

Cứ đến 11 giờ trưa là hai bé N.T. và V.K. lại cầm rổ ra nhận cơm của Hội
Cứ đến 11 giờ trưa là hai bé N.T. và V.K. lại cầm rổ ra nhận cơm của Hội

Nhận cơm, hai đứa trẻ “cảm ơn cô” rồi quay vào nhà. Chị Thúy lại điều khiển xe trở ra đường Tôn Đản và dừng lại trước một tủ thuốc lá - nước ngọt đặt trên vỉa hè, ngay lối vào chung cư. Chị gọi: “Lấy cơm cô Sang ơi!”. Bên trong, phía chân cầu thang chung cư, một bà già khom lưng bước ra. “Ngôi nhà” của bà già gần 60 năm sống một mình như một chiếc hộp khoảng 4m2, với chiều cao chưa tới 1,5m. “Ngày mai tụi con ngưng cơm rồi nha cô”, chị Thúy thông báo. 

Bà Sang ngẩn người một lát rồi gật gù: “Chắc qua 30/9 là cô bán lại được rồi. Lúc đó có đồng ra đồng vô, chắc không sợ đói. Mà mấy tháng nay, cứ đến giờ này là được nhận cơm nên chắc phải mươi bữa nữa cô mới quên cái cảm giác này à”.
Và hy vọng vào những ngày sắp tới 

Sau khi giao đủ 150 phần ăn cho các phường, trưởng bếp là cô Hồ Thị Điều cùng sáu thành viên chuẩn bị bữa cơm cuối cùng sau đợt giãn cách dài ngày. Bữa cơm chia tay cũng như những bữa cơm thường ngày, nhưng mọi người đều cảm thấy bồi hồi, vì sau lần này họ sẽ dọn dẹp mọi thứ đồ đạc, trả lại mặt bằng cho khu phố.

Tuy được bầu là bếp trưởng, nhưng do tay nghề không chuyên, lại lớn tuổi, sức khỏe hạn chế, nên cô Điều đã “dụ dỗ” anh Lâm Văn Phát, là đầu bếp khách sạn Majestic, làm bếp chính trong gần bốn tháng qua. Ngoài đứng bếp, anh Phát còn thay các cô, các chị làm những công việc nặng nhọc. Anh Phát cho rằng, thời gian nấu bếp với các dì, các chị em sẽ là khoảng thời gian khó quên trong đời anh. Mọi thành viên của bếp đã trở nên thân thuộc nên khi phải chia tay, mọi người đều cảm thấy buồn. “Nhưng có buồn, có nhớ thì vẫn mong cho dịch qua để mọi người trở lại cuộc sống và công việc bình thường” - cô Điều hy vọng vào những ngày sắp tới. 

Công việc thường ngày của các tình nguyện viên tại các bếp ăn của Hội
Công việc thường ngày của các tình nguyện viên tại các bếp ăn của Hội

Theo kế hoạch, bếp ăn của Hội Phụ nữ Q.4 sẽ ngưng hoạt động vào ngày 30/9, khi thành phố bắt đầu giai đoạn “bình thường mới”. Bốn bếp khác đặt tại các phường 1, 8, 13, 18, hoạt động từ 28/6, để giúp đỡ các gia đình khó khăn trong các khu phong tỏa, chăm lo cho lực lượng tuyến đầu, các cụ già nèo đơn, trẻ em không người chăm sóc… sẽ được gom lại làm một đặt tại P.18.

Chị Nguyễn Hoàng Mỹ Ngân, cán bộ phụ trách bếp ăn Hội LHPN Q.4, cho biết, vào những ngày đầu thành lập, các bếp của Hội gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, sau vài tuần hoạt động, những nhà hảo tâm đã biết đến và hỗ trợ mọi thứ để các bếp đảm bảo đỏ lửa mỗi ngày, các suất ăn cũng ngày càng đảm bảo dinh dưỡng hơn. Tính đến nay, các bếp của Hội Phụ nữ Q.4 đã vận động được 4 tấn đùi gà, 870kg cá các loại, 783kg thịt heo, 6.700 trứng gà/vịt, 3,3 tấn rau củ quả, gia vị và tiền mặt với tổng trị giá 741.700.000 đồng.

Cũng có lúc các bếp phải ngưng hoạt động do các tình nguyện viên vướng trong các khu vực phong tỏa hoặc dương tính, phải đi cách ly điều trị. Nhưng, vượt lên những khó khăn, các bếp ăn của Hội vẫn duy trì đến ngày cuối cùng để góp phần chăm lo an sinh xã hội và phòng, chống dịch trong suốt gần bốn tháng qua.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI