Chất liệu Việt ở đâu khi thời trang Việt bước ra thế giới?

02/03/2020 - 17:07

PNO - Sự kém hấp dẫn này của thời trang cao cấp, một phần nằm ở bản thân ngành chất liệu, vốn dĩ đã quen với gia công, sản xuất đồng loạt.

Ngày càng nhiều nhà thiết kế tên tuổi Việt Nam khẳng định dấu ấn cá nhân tại các sàn diễn thời trang quốc tế. Thế nhưng, trong cuộc hội tụ đó, vải vóc Việt dường như đứng bên lề…

Chất liệu: nỗi băn khoăn lớn của các nhà thiết kế Việt

Nhiều năm trở lại đây, ngành dệt may Việt Nam, cụ thể là sản xuất chất liệu cho ngành thời trang cao cấp vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.Thi thoảng, rộ lên vài show diễn, bộ sưu tập được làm từ các chất liệu truyền thống như lãnh Mỹ A, lụa tơ tằm, vải thổ cẩm… (như bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế (NTK) Võ Việt Chung, bộ sưu tập Lúa của NTK Công Trí…).

Tuy nhiên, thời trang Việt muốn đi xa và dài hơi, cần đa dạng chất liệu hơn để đáp ứng cho các trang phục khác nhau. “Vải tổng hợp mình không có, cotton không phải tốt nhất, lụa cũng vậy, nhưng có thể xử lý lại. Các nguyên liệu khác, tôi buộc phải nhập chủ yếu từ Nhật. Để có được nguồn cung này, tôi phải thuyết phục đối tác đồng ý cung cấp sản lượng ít, vì thiết kế cao cấp không thể sản xuất ra số lượng đại trà” - NTK Nguyễn Hoàng Tú, hiện đang có sản phẩm bán tại thị trường châu Âu chia sẻ.

Một số thiết kế trong bộ sưu tập Lúa của nhà thiết kế Công Trí tại Tokyo Fashion Week 2016
Một số thiết kế trong bộ sưu tập Lúa của nhà thiết kế Công Trí tại Tokyo Fashion Week 2016

Câu chuyện của Nguyễn Hoàng Tú cũng chính là thực trạng ngành chất liệu dành cho thời trang cao cấp tại Việt Nam. Các NTK Việt luôn thể hiện niềm tự hào và đều muốn quảng bá, giới thiệu chất liệu Việt ra thế giới. Họ phải tự vượt qua nhiều rào cản, xuất phát từ nguồn cung thưa vắng, hoặc các làng nghề sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Họ thậm chí phải tự tay dựng xưởng sản xuất, hướng dẫn quy trình dệt. Các chất liệu hiếm như lãnh Mỹ A đã đành, các loại vải phổ biến như gấm, lụa, cotton hay vải tổng hợp… cũng không đạt yêu cầu về chất lượng và tính tương thích về sản lượng.

Chính vì thế, các NTK buộc phải tìm đến nguồn nguyên liệu nước ngoài. “Trước đây, trong các thiết kế của tôi, tiêu chí đặt ra là sử dụng từ 70-80% nguyên liệu Việt Nam, nhưng bây giờ, tôi chỉ cố gắng hết mức tối đa có thể” - Nguyễn Hoàng Tú cho biết.

Gỡ khó từ đâu?

Đồng cảm với Tú và các NTK Việt khác, NTK Phương My với các thiết kế cao cấp bày bán tại thị trường Trung Đông, Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu cho biết: “Thời trang là một ngành khốc liệt với những vòng quay theo mùa, chúng tôi phải liên tục vận động. Ngành sản xuất chất liệu cũng vậy. Chẳng hạn, tôi cần một loại gấm không nhăn và không bóng, rõ ràng các làng nghề Việt Nam không đủ sức đáp ứng hoặc mất khá nhiều thời gian mới cho ra sản phẩm như yêu cầu, trong khi tôi cần có trong khoảng thời gian một tuần. Sáu tháng sau đã là một guồng quay mới, chúng tôi không thể chờ đợi”.

“Một cái khó trong ngành dệt may Việt Nam nữa là từ cây vải đầu tiên đến cây vải thứ hai, màu sẽ khác biệt chút xíu. Người bình thường có thể không thấy nhưng người làm thời trang nhìn vào phát hiện ngay. Điều này, theo quy chuẩn thời trang quốc tế là không thể chấp nhận được” - Nguyễn Hoàng Tú chia sẻ.

Thị trường dệt may Việt Nam hiện chú trọng vào sản xuất công nghiệp, sản lượng lớn mà bỏ qua phân khúc cao cấp, cung ứng sản lượng vừa và nhỏ cho các NTK. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi giá thành chi trả cho máy móc, nhân công không hề rẻ, đòi hỏi khả năng trường vốn. Điều mà các NTK cần cho khâu chất liệu chính là sự nhanh gọn trong sản xuất, mà vẫn có thể tinh chỉnh chất lượng theo yêu cầu.

Sự kém hấp dẫn này của thời trang cao cấp, một phần bắt nguồn từ thị trường Việt Nam vẫn còn quá nhỏ, nguồn xuất ra quốc tế cũng không nhiều. Phần còn lại nằm ở bản thân ngành chất liệu, vốn dĩ đã quen với gia công, sản xuất đồng loạt. Muốn phát triển, cần sự đồng bộ của cả hai. Nỗ lực từ phía NTK hay đơn vị sản xuất chất liệu thôi vẫn chưa đủ. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI