Các nhà làm phim nữ Ấn Độ đấu tranh đòi quyền lợi

04/09/2023 - 15:17

PNO - Ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ tiếp tục do nam giới kiểm soát, và phụ nữ làm việc ở Bollywood luôn phải đối mặt bất công với mức lương thấp, không có nhà vệ sinh…

 

Phụ nữ làm việc trong ngành phim ảnh Ấn Độ chịu nhiều bất công.
Phụ nữ làm việc trong ngành phim ảnh Ấn Độ chịu nhiều bất công.

Sự bất công tràn lan

Ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ đang phát triển nhanh nhất thế giới, sản xuất khoảng 2.000 bộ phim mỗi năm, liên tục tuyển dụng các diễn viên, diễn viên đóng thế, nhà thiết kế trang phục, vũ công...

Trái ngược với sự hào nhoáng thường thấy khi các nhân vật nữ chính thường được săn đón, nhận sự đối đãi tốt trong các bộ phim Bollywood, thì đằng sau hậu trường, ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ lại do nam giới thống trị. Mệt mỏi vì bị gạt sang một bên, phụ nữ đang đoàn kết lại để đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe, cả trong lẫn ngoài trường quay.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Tata (TISS), trong ngành công nghiệp phim ảnh trị giá 25 tỷ USD của Ấn Độ (Bollywood), số lượng nam giới thường nhiều hơn nữ gấp 5 lần. Trong khi ở Hollywood, tỷ lệ phụ nữ làm công việc hậu trường của đoàn phim thường chiếm khoảng 1/3.

Petrina D'Rozario, nhà sản xuất phim kiêm người sáng lập và chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ trong ngành Điện ảnh và Truyền hình Ấn Độ, một tổ chức phi chính phủ, cho biết: “Chúng tôi có ít nhất 80 đến 90 người trên phim trường, và chỉ có 3 hoặc 4 người trong số đó là phụ nữ. Phụ nữ chúng tôi thường tình cờ gặp nhau và hay nói: “Ôi Chúa ơi, tại sao chúng ta không có nhà vệ sinh nhỉ?”.

Bên cạnh việc thiếu nhà vệ sinh, Petrina D'Rozario cho biết các nhân viên nữ còn phải đối mặt với tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc trẻ em, lương thấp hơn nam giới, bị phân công làm ca đêm, mà đơn vị sản xuất không có biện pháp bảo vệ sự an toàn cho họ (phụ nữ Ấn Độ thường xuyên bị quấy rối tình dục)… Những vấn đề này đã tồn đọng trong ngành hàng thập niên qua, mà vẫn chưa được giải quyết.

Fowzia Fathima, một nhà quay phim, đạo diễn người Ấn Độ và là thành viên sáng lập của Tập thể các nhà quay phim phụ nữ Ấn Độ, lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Fowzia Fathima, một nhà quay phim kiêm đạo diễn người Ấn Độ, lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Những bất công mà bản thân đã chịu trong nhiều năm trở thành động lực thúc đẩy D'Rozario và những phụ nữ khác làm việc trong ngành đứng lên đấu tranh, thành lập các nhóm riêng để vận động hành lang, yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và vấn nạn bất bình đẳng giới.

Fowzia Fathima, đạo diễn và thành viên sáng lập của Nhóm các nhà quay phim nữ Ấn Độ cho biết, sự trỗi dậy của phụ nữ hiện tại vẫn chưa được công đoàn và các quan chức lãnh đạo ngành công nghiệp phim ảnh Ấn Độ quá chú trọng. Nhưng các hội nhóm trên cũng phần nào giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn của các nhà làm phim, đội ngũ nhân viên nữ. Thông qua các nhóm, nhiều người đã tìm kiếm lời khuyên về các trường hợp quấy rối tình dục tại nơi làm việc, và chia sẻ các mẹo chuyên môn cũng như tin tức trong ngành.

Thiếu nhà lãnh đạo nữ

Darshana Sreedhar Mini, một học giả tại Đại học Wisconsin - Madison, người nghiên cứu về tổ chức lao động trong ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ, cho biết những phụ nữ làm việc ở Bollywood phải vật lộn để được tuyển dụng.

Sreedhar chỉ ra một phần của sự mất cân bằng có liên quan đến sự hiện diện không bình đẳng của phụ nữ trong các công đoàn, và việc thiếu phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Một báo cáo ngành năm 2022 của nhóm tư vấn truyền thông Ormax Media và nền tảng phát trực tuyến Amazon Prime Video cho thấy, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 10% trong vai trò quản lý cấp cao trên phim trường ở quốc gia Nam Á.

“Nhiều tổ chức có một hoặc hai phụ nữ, nhưng bức tranh tổng thể vẫn rất ảm đạm” - Sreedhar nói.

Nếu như các diễn viên nữ được đối xử tốt nhưng đằng sau hậu trường các nhân viên nữ làm trong đoàn phim lại hứng chịu vô số bất công.
Các diễn viên nữ  Bollywood được đối xử tốt, nhưng các nhân viên nữ làm trong đoàn phim Ấn Độ lại hứng chịu vô số bất công.

BN Tiwari, chủ tịch Liên đoàn nhân viên điện ảnh Tây Ấn Độ (FWICE), một tổ chức bảo trợ cho 32 công đoàn trong ngành, cho biết các nhà lãnh đạo công đoàn lo ngại về vấn đề thiếu đại diện của phụ nữ trong hàng ngũ của họ và toàn ngành. Thậm chí, nhiều nhân viên nữ trong ngành điện ảnh chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn và chịu sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng.

Ông nói rằng sự vắng mặt của phụ nữ trong các công đoàn là một “điểm đáng xấu hổ” đối với tổ chức của ông, và nhấn mạnh sẽ nêu vấn đề này tại cuộc họp tiếp theo của liên đoàn.

Trước sự đấu tranh mới nhất của các nhà làm phim nữ, trong quá khứ, những thợ trang điểm nữ trong ngành điện ảnh cũng từng có các biện pháp pháp lý chống lại Hiệp hội thợ làm tóc và trang điểm phim ảnh Ấn Độ. Mãi cho đến khi Tòa án Tối cao năm 2014 đưa ra phán quyết chấm dứt lệnh cấm không chính thức kéo dài gần sáu thập niên, các thợ trang điểm nữ mới được làm việc công khai, không còn phải lén lút như trước.

Không chỉ ở Bollywood, mà phụ nữ Ấn Độ cũng ít có đại diện trong các công đoàn, trong phần lớn các lĩnh vực. Theo Báo cáo tiền lương Ấn Độ năm 2018 của Tổ chức Lao động Quốc tế, chỉ 10,7% trong số lực lượng lao động hơn 500 triệu người của Ấn Độ là thành viên công đoàn, và tỷ lệ phụ nữ tham gia công đoàn chỉ bằng một nửa so với nam giới.

Hương Chung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI